Dùng cầu thang rỗng giúp nhà bê tông thông thoáng và nhẹ nhàng hơn
Cấu trúc rỗng của hệ thang trong nhà giúp khu giếng trời nhỏ có cảm giác thông thoáng hơn và lấy được ánh sáng dịu nhẹ xuống những không gian bên dưới.
Đây là ngôi nhà ở kết hợp kinh doanh nhỏ rộng 160m2 ở Đà Lạt (Lâm Đồng) trên một khu đất có độ dốc thoải về phía thung lũng.
Khu đất có ba kè đá hiện trạng bao quanh cùng với mặt nền dốc nhẹ về hướng thung lũng, do đó các kiến trúc sư muốn tận dụng ưu thế địa hình để giảm bớt chi phí san lấp, đồng thời nâng cao không gian sử dụng ở tầng trên nhằm tận dụng góc nhìn đẹp về phía thung lũng.
Diện tích vừa vặn cộng với chỉ giới quy hoạch từ các cạnh khu đất nên khi thiết kế, một trong những chiến lược lớn của các kiến trúc sư là tối đa hóa diện tích sử dụng.
Theo đó, những phòng ngủ riêng tư được bố trí ở phía sau công trình trong khi tiện ích công cộng được đưa ra phía trước.
Không gian tầng trệt được quan niệm như một mặt bằng mở, vốn là phần mở rộng của cảnh quan sân vườn quanh công trình.
Yếu tố đường biên cũng được cân nhắc để tạo cảm giác lấp lửng, nhập nhằng Trong – Ngoài. Trái với cách sử dụng vật liệu đặc và nặng ở mặt tiền, lõi thang sắt giữa nhà được thiết kế như một yếu tố nhẹ nhàng, mỏng manh, trôi nổi.
Bên cạnh việc là điểm nhấn quan trọng, cách sử dụng cấu trúc rỗng cho hệ thang cũng giúp khu giếng trời nhỏ có cảm giác thông thoáng hơn và lấy được ánh sáng dịu nhẹ xuống những không gian bên dưới.
Không gian bếp.
Không gian phòng ngủ.
Ngoài ra, với việc tích hợp không gian kinh doanh nhỏ của gia chủ, một thang sắt ngoài trời đã được đề xuất để khách có thể lên thẳng vị trí lầu một ngay từ sảnh đệm.
Phần thang này còn tiếp nối lên sân thượng, nơi có được gần như trọn vẹn góc nhìn đẹp về phía rừng nguyên sinh.
Bản vẽ thiết kế của ngồi nhà.
Nguồn: Báo xây dựng