Dùng Ai để thăm dò dầu khí Khu vực bắc bể sông Hồng
Dùng Ai để thăm dò dầu khí Khu vực bắc bể sông Hồng
Các nhà khoa học tại Việt Nam đã xây dựng thành công hệ thống Ai trong đánh giá triển vọng ngành dầu khí nói chung, khu vực bắc bể sông Hồng nói riêng.
Tiến sĩ Doãn Ngọc San và một đội ngũ các nhà khoa học từ các cơ sở nghiên cứu hàng đầu như Trường Đại học Dầu khí Việt Nam, Ban Tìm kiếm thăm dò (Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam – PVN), Công ty TNHH MTV Dầu khí Sông Hồng (PVEP SH), và Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã thành công trong việc xây dựng một hệ thống trí tuệ nhân tạo mang tính đột phá.
Kết quả trên xuất phát từ đề tài “Nghiên cứu xây dựng hệ thống Ai tích hợp dữ liệu địa chất dầu khí đánh giá triển vọng dầu khí,” nhằm dự báo phân bố các yếu tố quan trọng của hệ thống dầu khí, bao gồm: sự hình thành, lưu trữ, chắn đứng, bắt kịp và dịch chuyển dầu khí.
Hệ thống Ai của nhóm nghiên cứu gây ấn tượng trong việc rút ngắn thời gian xây dựng mô hình dựa trên việc huấn luyện các mạng học máy và học sâu bằng cách sử dụng các “mẫu học”. Điều này cho phép hệ thống nhận dạng và xác định vị trí của các yếu tố trong hệ thống dầu khí một cách hiệu quả.
Đối với việc xác định các vùng tiềm năng cho dầu khí, đề tài đã thực hiện việc khoanh vùng các cấu tạo mỏ dầu khí, đồng thời xác định vị trí và hình thái của các vỉa dầu khí dựa trên các “mẫu học” đã biết. Hệ thống này đã thành công trong việc khoanh vùng chính xác các cấu tạo đã biết và mở rộng việc khoanh vùng đối với các diện tích mới.
Nhóm nghiên cứu đã áp dụng phương pháp nêu trên để định vị vỉa sản phẩm dự báo dựa trên 44 “mẫu vỉa” đã phát hiện, đồng thời xác định một số vị trí mới. Sự chính xác của hệ thống trong việc dự đoán vị trí của vỉa sản phẩm được xem xét và thấy phù hợp với kết quả dự báo theo phương pháp truyền thống.
Đây là đề tài nghiên cứu khoa học đầu tiên tại Việt Nam về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong đánh giá triển vọng dầu khí, đặc biệt là tại khu vực bắc Bể Sông Hồng. Thành công của đề tài đã góp phần quan trọng trong việc tích hợp dữ liệu địa chất và địa vật lý vào một cơ sở dữ liệu 3D đồng nhất cho khu vực nghiên cứu. Ngoài ra, đề tài đã đóng góp nhiều thuật toán mới trong việc tích hợp dữ liệu địa chất và địa vật lý để tìm kiếm và thăm dò dầu khí, đồng thời cung cấp các module và phần mềm hệ thống Ai đột phá.
Khu vực bắc bể sông Hồng nằm trong phần phía bắc bể trầm tích sông Hồng và đã có 24 giếng khoan tìm kiếm, thăm dò dầu khí; trong đó có 14 giếng phát hiện có dầu khí (4 giếng đã tiến hành thẩm lượng), 1 mỏ khí (Thái Bình) đã đưa vào khai thác. Nhiều nghiên cứu cho thấy, khu vực này có cấu tạo rất đa dạng, có tiềm năng lớn về trữ lượng dầu khí.
Tính đến cuối năm 2015, tổng trữ lượng tại chỗ phát hiện tại bể sông Hồng là 447 triệu m3, trong đó dầu và condensat là 43 triệu m3, khí là 404 tỷ m3, trữ lượng thu hồi phát hiện là 253 triệu m3, trong đó dầu và condensat là 14 triệu m3, khí là 239 tỷ m3 (chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu trữ lượng dầu khí).
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị