Đưa văn hóa Việt vào điện ảnh

Trước khi thịnh hành những loại phim chiếu rạp, điện ảnh Việt Nam những năm 1990-2000 cũng đã tồn tại những bộ phim được quay vô cùng tỉ mỉ với nội dung gần gũi, đi sâu vào các ngõ văn hoá, các ngách lịch sử, đậm chất làng quê văn hóa ở dải đất hình chữ S như: Đất và Người, Sóng ở đáy sông, Mùi đu đủ xanh, Xích lô, Mùa len trâu,…

Đưa văn hóa Việt vào điện ảnh
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh với những thước phim như chạm đến trái tim của khán giả. (Một cảnh trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”)

Ngày nay, từ thực tế có thể nhận thấy điện ảnh Việt có nhiều mảng màu nhưng để gọi là có “điểm nhấn” cũng như nét riêng thì chưa rõ rệt. Đã có một thời gian, điện ảnh Việt Nam dường như trở nên mất chất và nhạt nhòa bởi nhiều bộ phim làm lại từ kịch bản của nước ngoài (hay còn gọi là phim Remake), không để lại dấu ấn đặc sắc gì cho khán giả ngoài mục đích giải trí, gây cười. Nhưng đáng nói hơn ở chỗ, những tác phẩm đó còn có phần xa rời tính dân tộc. Đặc biệt phải kể đến là các phim chiếu rạp, thường xuyên chạy theo xu hướng câu khách, thương mại, thậm chí là phi văn hóa. Có thể kể đến như Oppa, phiền quá nha, Nhà có năm nàng tiên, hay gần đây nhất là bộ phim Thiên thần hộ mệnh. Những bộ phim này có thể đạt doanh thu phòng vé nhưng giá trị để lại cho khán giả thì chắc chắn là không có.

Hoặc có những bộ phim được làm lại theo nguyên tác như Cậu Vàng (dựa trên truyện ngắn Lão Hạc của nhà văn Nam Cao), Kiều (dựa trên nguyên tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du), lại gây ra những tranh cãi dữ dội. Tuy mang tiếng là phim chuyển thể nhưng nội dung lại không hề bám sát nguyên tác, thậm chí còn cải biên theo hướng khó mà chấp nhận được, khiến cho cả hai bộ phim đều nhận về những đánh giá không tốt, thậm chí vấp phải làn sóng tẩy chay trong một thời gian dài.

Nhưng một điều đáng mừng là những năm gần đây, các nhà làm phim đã nỗ lực để hạn chế cho ra đời những bộ phim hài nhảm, mà thay vào đó họ đã lồng ghép nhiều hơn yếu tố văn hóa Việt Nam vào những tác phẩm của mình. Những bộ phim đã mang những nét văn hóa của nhiều vùng miền, không chỉ là văn hóa ẩm thực, những địa điểm du lịch đẹp như tranh với hình ảnh làng quê, mà văn hóa Việt còn được truyền tải qua cả âm nhạc và phục trang, và chính những thông điệp văn hóa mà tác phẩm muốn truyền tải.

Minh chứng rõ nhất cho một bộ phim Việt thuần Việt phải kể đến như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Song Lang, Mắt biếc, Cô Ba Sài Gòn, Dạ cổ hoài lang, Tấm Cám: Chuyện chưa kể hay mới đây nhất là Gái già lắm chiêu V với những cảnh quay hội tụ biết bao tinh hoa, bản sắc văn hóa dân tộc ở quần thể cố đô Huế – khu di tích được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Ở Song Lang, phim như một sự đánh dấu tròn 100 năm nghệ thuật cải lương ra mắt người nghe trên sân khấu chuyên nghiệp. Ngay từ những cảnh đầu của bộ phim , hình ảnh đoàn nhân công hì hục trang hoàng bảng hiệu Đoàn cải lương Thiên Lý tại rạp hát, như một bước mang người xem trở về không khí rộn ràng, hoài cổ của thời Việt Nam sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Trong phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể, khán giả cũng không khỏi trầm trồ trước những cảnh quay hoành tráng và hoàn toàn thuần Việt ở Ninh Bình với di tích cố đô Hoa Lư (đền vua Đinh), chùa Bái Đính để cho ra mắt những cảnh kinh thành lộng lẫy thời phong kiến. Ngoài ra, nhiều cảnh quay về sông nước hữu tình, cánh đồng lúa chín vàng ở hang Múa và khu sinh thái Tràng An cũng được hiện lên đầy màu sắc. Hay ở phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, đạo diễn Victor Vũ đã tạo ra những thước phim đẹp như cổ tích và đầy thần kỳ với những khung cảnh lộng gió nơi quê hương Việt Nam – nông thôn tỉnh Phú Yên. Những cảnh quay trên không vừa tạo được một hình ảnh đậm chất thơ, lại vừa mang đến cho người xem một cảm giác yên bình khó tả.

Thực tế, đến nay số lượng phim Việt truyền tải được nền văn hóa nước nhà vẫn còn khá dè dặt và khiêm tốn. Nhưng trong thời đại công nghệ 4.0, để hòa nhập nhưng không hòa tan, môn nghệ thuật thứ 7 của Việt Nam cần phải có những bước tiến rõ ràng hơn nữa trong việc nỗ lực đưa chất Việt vào phim. Đó không chỉ là cách đưa văn hóa đến gần người xem trong nước, mà còn là cách để các nhà làm phim đưa phim mình đi xa hơn đến với bạn bè quốc tế, để thể hiện được những bản sắc văn hóa riêng biệt và duy nhất của đất nước mình. Bên cạnh đó, những nhà làm phim cũng cần quan tâm đến những góp ý của khán giả, bởi khán giả mới chính là người mang lại lợi nhuận cho bộ phim. Có thể thấy khán giả hiện tại đã khắt khe hơn với chất lượng phim Việt. Họ có cái nhìn chọn lọc hơn. Chính vì thế, một bộ phim ra mắt phải đáp ứng nhiều yếu tố, không thể làm hời hợt và qua loa. Phim ảnh không chỉ đơn thuần là một hình thức nghệ thuật mà nó còn có giá trị thu lợi để phát triển. Song bất luận thế nào phải truyền tải về những giá trị chân -thiện – mỹ và thấm đẫm văn hóa Việt Nam./.

Phương Linh

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích