Đưa sản phẩm an toàn đến với người tiêu dùng Thủ đô: Cần tăng cường kết nối giao thương

Nhiều tiềm năng lợi thế

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực địa phương và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Chương trình này ra đời với 3 mục tiêu. Đó là: Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân; và Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Tại Hà Nội, sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, đến nay, 29/30 quận, huyện, thị xã đã đánh giá, phân hạng được trên 2.769 sản phẩm OCOP. Trong đó có 6 sản phẩm đạt 5 sao, 12 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao, 1.485 sản phẩm đạt 4 sao và 1.266 sản phẩm đạt 3 sao.

Nhờ Chương trình OCOP, nhiều sản phẩm an toàn đã tiếp cận được với người tiêu dùng. Đặc biệt, không ít sản phẩm khi được công nhận OCOP đã thúc đẩy kinh tế địa phương. Thị xã Sơn Tây là ví dụ. Theo tìm hiểu, đến nay, trên địa bàn thị xã Sơn Tây có 78 sản phẩm của 14 chủ thể hợp tác xã, công ty, hộ kinh doanh được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao, thuộc các ngành hàng thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, trang trí.

Đưa sản phẩm an toàn đến với người tiêu dùng Thủ đô: Cần tăng cường kết nối giao thương
Việc quảng bá tốt các sản phẩm OCOP đóng vai trò quan trọng giúp người sản xuất đưa được các sản phẩm chất lượng đến gần hơn với người tiêu dùng.

Trong đó, nhiều sản phẩm truyền thống có tiềm năng OCOP như kẹo lạc, kẹo vừng của xã Đường Lâm; miến dong xã Cổ Đông; chả cá, trà hoa cúc xã Sơn Đông; mật ong xã Kim Sơn… Còn Ba Vì hiện có 20 làng nghề với nhiều sản phẩm sử dụng từ nguồn nguyên liệu tại chỗ, 108 Hợp tác xã tổ chức sản xuất điều hành các hoạt động của các làng nghề, 180 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy cầm đang hoạt động, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị thương mại cao.

Đến nay, huyện Ba Vì đã phát triển được 155 sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP từ 3 sao trở lên. Các sản phẩm OCOP nổi bật là sữa tươi, các sản phẩm chế biến từ sữa, gà đồi, rau, khoai lang, miến dong, thịt giò đà điểu, Giò lụa hạt Sen…

Có một điều không thể phủ nhận khi nhìn từ Chương trình OCOP đó là để sản phẩm đến tay người tiêu dùng thì các ngành, các thành viên Ban Chỉ đạo đã có nhiều hoạt động hỗ trợ hàng Việt, trong đó nổi bật là tổ chức các hoạt động về liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung – cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố; giới thiệu, kết nối nông sản thực phẩm, sản phẩm OCOP, sản phẩm mùa vụ, có khó khăn trong việc tiêu thụ… của các tỉnh, thành phố vào các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm…; phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn Thành phố đến các quận, huyện, thị xã…; góp phần tích cực vào việc kích cầu tiêu dùng nội địa, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sự phát triển của doanh nghiệp hàng Việt, góp phần thúc đẩy Thủ đô phát triển.

Từ những hoạt động xúc tiến tích cực này cũng giúp quyền lợi của người tiêu dùng được đảm bảo. Người tiêu dùng được tiếp cận và sử dụng những sản phẩm xanh, an toàn và phù hợp túi tiền.

Hướng đến người tiêu dùng

Dù có nhiều ưu điểm song thẳng thắn nhìn nhận hiện các sản phẩm OCOP và nhìn rộng hơn là các sản phẩm Việt đều có tình trạng chung là chất lượng, mẫu mã và giá cả chưa hấp dẫn người tiêu dùng; tình trạng hàng giả, kém chất lượng, không bảo đảm an toàn gây bức xúc và ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước…

Để các sản phẩm Việt hấp dẫn hơn với người tiêu dùng, nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần phải đặt quyền lợi của người tiêu dùng vào trung tâm. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc thông tin minh bạch về sản phẩm.

Thực tế, xét trên góc độ pháp lý, vấn đề này cũng được các ngành chức năng đặc biệt quan tâm. Chẳng hạn, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 (thay thế cho Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ban hành năm 2010), quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh, của cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Luật cũng đã mở rộng phạm vi điều chỉnh, bổ sung các hình thức giao dịch mới, như: Livestream, thương mại điện tử xuyên biên giới… Trách nhiệm của các bên liên quan trong chuỗi cung ứng, bao gồm nhà sản xuất, nhà phân phối, sàn thương mại điện tử, người bán hàng… được xác định cụ thể, giúp xử lý vi phạm cụ thể hơn.

Đưa sản phẩm an toàn đến với người tiêu dùng Thủ đô: Cần tăng cường kết nối giao thương
Để tăng hiệu quả hoạt động ngay tại thị trường nội địa, doanh nghiệp Việt cần chủ động đa dạng hóa sản phẩm và giá cạnh tranh.

Ngoài ra, năm 2024, chương trình “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3)” với thông điệp “Thông tin minh bạch – Tiêu dùng an toàn” tiếp tục được triển khai nhận được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Thời điểm phát động chương trình, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã nhấn mạnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có vị trí và vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của xã hội và đất nước.

Mới đây nhất, Bộ Công Thương cũng ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025 nhằm kêu gọi, động viên, khuyến khích sự tham gia của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng vào các hoạt động liên quan. Qua đó, từng bước đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng thành động lực và điểm nhấn quan trọng trong đời sống kinh tế – xã hội, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh cho đất nước. Chủ đề cho các hoạt động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025 được Bộ Công Thương xác định là: “Thông tin minh bạch – Tiêu dùng trách nhiệm”.

Trở lại câu chuyện tăng cường kết nối giao thương để đưa sản phẩm an toàn đến với người tiêu dùng Thủ đô, tại tọa đàm “Thúc đẩy đưa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng qua hệ thống siêu thị” được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Thế Hiệp – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và tôn vinh sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam.

Cụ thể, tổ chức hội chợ “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”. Hội chợ nhằm quảng bá, tuyên truyền sản phẩm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu sản phẩm, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm hàng hóa tới người tiêu dùng; hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu Việt tới người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Sở Công Thương tổ chức chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”.

Song song đó, Sở tổ chức hoạt động bán hàng lưu động, các phiên chợ Việt, hội chợ hàng Việt, tuần hàng Việt, tuần sản phẩm OCOP, gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm Việt; các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư trên địa bàn Thành phố.

Về lâu dài, ngành công thương tiếp tục tổ chức có hiệu các hoạt động xúc tiến thương mại, hội nghị giao thương, hội chợ, triển lãm, tuần hàng… để đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP giới thiệu đến người tiêu dùng; phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP rộng khắp trên địa bàn Thành phố để người tiêu dùng nhận diện, ưu tiên trong quá trình mua sắm.

Đinh Luyện

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích