Đưa mô hình giáo dục STEM đáp ứng đổi mới nền giáo dục Việt Nam
(TN&MT) – Thuộc Chương trình khoa học và Công nghệ cấp quốc gia, đề tài “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đáp ứng nhu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam” của PGS.TS Lê Huy Hoàng đã giúp việc nghiên cứu mô hình giáo dục STEM được phổ cập, sửa đổi hoàn thiện và đưa vào ứng dụng trong nền giáo dục phổ thông tại Việt Nam.
Theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW trong khóa XIII về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập” của Ban Chấp hành Trung ương, đã chỉ ra giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân.
Hiện nay, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghiệp, nên việc phát triển giáo dục STEM đối với Việt Nam là điều cấp thiết.
Mô hình STEM (khoa học, toán học, kỹ thuật, công nghệ) giúp người học tìm hiểu về khoa học thông qua việc tìm hiểu, khám phá kiến thức nền, vừa tạo cơ hội cho họ được giải quyết các vấn đề có tính ứng dụng và thực tiễn. Nghiên cứu của PGS.TS Lê Huy Hoàng cho thấy vai trò của mô hình giáo dục STEM như là một giải pháp quan trọng và hiệu quả trong việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam thể hiện qua các chương trình giáo dục phổ thông mới và được định hướng rõ nét.
Ở cấp độ chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục STEM vừa mang nghĩa đào tạo nguồn nhân lực, phát triển năng lực và phẩm chất người học; vai trò của giáo dục phổ thông thích hợp với công nghệ thông tin truyền tải đến học sinh, sinh viên; có các chủ đề STEM trong chương trình môn học tích hợp ở giai đoạn giáo dục cơ bản như môn tìm hiểu tự nhiên (ở tiểu học), môn khoa học tự nhiên (ở trung học cơ sở); các chuyên đề dạy học về giáo dục STEM ở lớp 11, 12 thông qua chương trình địa phương, kế hoạch giáo dục nhà trường được triển khai.
Có thể thấy đề tài nghiên cứu đã đóng góp cho việc xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật, mang đến định hướng cho giáo dục STEM cho các trường phổ thông tại Việt Nam và có tác động làm chuyển biến nhận thức của xã hội và tác động mạnh mẽ đối với ngành, lĩnh vực khoa học thông qua các công trình công bố cả trong và ngoài nước, phát triển các nghiên cứu tiếp theo trong tương lai.