“Đưa Lâm Đồng là động lực tăng trưởng của Tây Nguyên và cả nước”
Thủ tướng đề nghị Lâm Đồng chú trọng hợp tác, liên kết phát triển vùng thực chất, hiệu quả, để Lâm Đồng trở thành động lực tăng trưởng của Tây Nguyên và cả nước về du lịch, dịch vụ, nông nghiệp.
Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Chiều 20/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.
Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương.
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và Đoàn công tác, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cho biết, năm 2022 mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn và đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực, ước thực hiện đạt và vượt toàn bộ 18/18 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, trong đó vượt 6 chỉ tiêu.
Trong đó, GRDP luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đời sống của người dân được nâng cao. GRDP bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 75,3 triệu đồng, cao nhất vùng Tây Nguyên.
GRDP 9 tháng đầu năm 2022 tăng cao 14,18% (thứ 7 toàn quốc), ước cả năm đạt 11,84%. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động 10 tháng tăng 20,7%. Thu ngân sách Nhà nước 10 tháng vượt 6% kế hoạch, tăng 26% so với cùng kỳ; cả năm ước vượt dự toán 18%, tăng 18,1%.
Nông nghiệp tăng trưởng khá, khẳng định thế mạnh trong nông nghiệp chất lượng cao. Thương mại, dịch vụ phục hồi mạnh mẽ. Tổng lượng khách du lịch 10 tháng đạt 5,8 triệu lượt, gấp 2,9 lần cùng kỳ.
Hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư được triển khai tích cực; tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước cả năm là gần 35,2 nghìn tỷ đồng, tăng 28,6%. Giải ngân vốn đầu tư công ước cả năm đạt 100%.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại được triển khai toàn diện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được triển khai thực hiện với quyết tâm cao, nỗ lực lớn; năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Công tác phòng chống dịch COVID-19 được Lâm Đồng thực hiện quyết liệt, nghiêm túc và hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương; chủ động, linh hoạt ứng phó, triển khai kịp thời các biện pháp, giải pháp hiệu quả, phù hợp với tình hình.
Tỉnh Lâm Đồng đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương một số nội dung liên quan xây dựng kết cấu hạ tầng như hỗ trợ tỉnh xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương; sớm triển khai dự án đường bộ cao tốc Nha Trang-Liên Khương, Liên Khương-Buôn Ma Thuột và ưu tiên thực hiện một số tuyến giao thông có tính chất kết nối liên vùng khác.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương đã phát biểu đánh giá những kết quả phát triển kinh tế-xã hội của Lâm Đồng; làm rõ tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; góp ý các giải pháp để Lâm Đồng phát triển nhanh, bền vững; đồng thời giải đáp các đề xuất, kiến nghị của Lâm Đồng…
Theo đó, lãnh đạo các Bộ, ngành cho rằng, Lâm Đồng là tỉnh có điều kiện tự nhiên đặc biệt, tỉnh cần đầu tư phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao, dược liệu; phát triển điện gió; đặc biệt là phát triển du lịch.
Trước mắt tỉnh cần hoàn thiện các quy hoạch tỉnh, tích hợp với quy hoạch quốc gia; kêu gọi, đầu tư các tuyến giao thông kết nối nội tỉnh với cả vùng Tây Nguyên, toàn quốc và quốc tế; quan tâm bảo vệ phát triển rừng; quản lý tài nguyên; giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc tỉnh Lâm Đồng…
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng, biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, người dân, doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã đạt được trong những năm qua, nhất là trong năm 2022 kinh tế-xã hội khôi phục nhanh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ, là tỉnh sở hữu nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh và cơ hội nổi trội để phát triển nhanh và bền vững, đặc biệt về du lịch, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao, song Lâm Đồng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.
Quy mô kinh tế chỉ chiếm 1,03% quy mô kinh tế cả nước; tốc độ chuyển dịch nền kinh tế còn chậm. Lâm Đồng chưa thực sự trở thành động lực kinh tế của khu vực Tây Nguyên; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, tính kết nối chưa cao; tình hình đời sống, việc làm của một bộ phận nhân dân còn khó khăn; trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp; việc quản lý quy hoạch, quản lý tài nguyên, bảo vệ rừng còn có những hạn chế…
Cùng với phân tích nhận định tình hình, chỉ rõ các quan điểm chỉ đạo, để Lâm Đồng phát triển nhanh và bền vững, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
“Công việc nhiều, khát vọng lớn, thời gian có hạn, sức lực chưa nhiều, nên tỉnh phải chọn việc để làm, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc gì dứt điểm việc đó; khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên,” Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng đề nghị tỉnh chú trọng hợp tác, liên kết phát triển vùng thực chất, hiệu quả, đặc biệt với vùng Đông Nam Bộ theo hành lang quốc lộ 20 và tuyến cao tốc Dầu Giây-Liên Khương. Phấn đấu xây dựng Lâm Đồng trở thành động lực tăng trưởng của khu vực Tây Nguyên và cả nước, nhất là về du lịch, dịch vụ, công nghiệp văn hóa, nông nghiệp công nghệ cao.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Lâm Đồng thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển xanh, hài hòa, bền vững, dựa vào đổi mới sáng tạo, tăng năng suất, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, đặc biệt những lĩnh vực có tiềm năng lớn như du lịch, dịch vụ, logistic, nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp phụ trợ…
Bên cạnh đó, thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dịch cây trồng, vật nuôi có năng suất, giá trị cao; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, dược liệu; tập trung xây dựng một số sản phẩm thương hiệu quốc gia.
Đặc biệt, đẩy mạnh du lịch theo hướng hiện đại, có nhiều sản phẩm chất lượng cao gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về danh lam thắng cảnh, điều kiện tự nhiên, đặc sản riêng có, môi trường sinh thái và bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên.
Thủ tướng đề nghị tỉnh làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch để tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy phát triển toàn diện. Phát triển, quản lý đô thị và bố trí dân cư, bảo đảm phù hợp với điều kiện đặc trưng về sinh thái, bản sắc văn hóa Tây Nguyên lấy Đà Lạt làm trung tâm.
Tỉnh tiếp tục xây dựng và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tăng cường hợp tác công tư, chú trọng các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước, quốc tế và theo hướng xanh, phát triển bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ cao.
Cũng theo Thủ tướng, Lâm Đồng cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là các dự án, công trình trọng điểm như các tuyến cao tốc kết nối, cảng hàng không; đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại; trọng tâm là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng thông tin, viễn thông, thủy lợi; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong ngành, lĩnh vực tiềm năng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Thủ tướng lưu ý, Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; thúc đẩy chuyển đổi số; khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tăng cường đối thoại, đồng hành và giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt, tỉnh cần triển khai hiệu quả công tác an sinh xã hội, bảo đảm phúc lợi xã hội; chú trọng quản lý đất đai, tài nguyên, rừng, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống tốt đẹp, các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu của các dân tộc Tây Nguyên.
Thủ tướng đề nghị Lâm Đồng giữ vững ổn định chính trị, ninh, trật tự, an toàn xã hội; tập trung đấu tranh, trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội; đẩy mạnh thực hiện các kết luận thanh tra, điều tra và thi hành các bản án, góp phần tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, củng cố niềm tin của Nhân dân; coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên.
Tỉnh tiếp tục tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng và đạo tào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
“Từ nay đến cuối năm, Lâm Đồng phải hoàn thành công tác quy hoạch; hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch; giải phóng mặt bằng sạch cho các dự án; tập trung kiểm soát giá cả, hàng hóa; phục vụ đẩy đủ hàng hóa, đảm bảo an sinh xã hội để mọi người dân đều được phục vụ nhân dân vui xuân đón Tết vui vẻ,” Thủ tướng lưu ý.
Đối với các ý kiến đề xuất, kiến nghị của tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cơ bản nhất trí với ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành; đồng thời có ý kiến trực tiếp đối với từng đề xuất, kiến nghị của tỉnh; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Lâm Đồng để xem xét, giải quyết, trên cơ sở đảm bảo đúng quy định, phù hợp với tình hình chung và đặt trong mối quan hệ với cả vùng, cả nước.
Trong đó, những vấn đề thuộc chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền của Bộ, ngành nào thì Bộ, ngành đó chủ trì, phối hợp giải quyết, vấn đề vượt quá thẩm quyền thì báo cáo Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác của Chính phủ đã thăm Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dalat Hasfarm chuyên sản xuất, phân phối ngọn giống, hoa cắt cành và hoa chậu tại thành phố Đà Lạt.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm Công ty trồng hoa Dalat Hasfarm. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Sau gần 30 năm thành lập, từ một một hecta hoa hồng và một hecta cẩm chướng được trồng trong những khu nhà kính đơn giản bằng tre ban đầu; hiện Dalat Hasfarm đã chuyển sang xây dựng nhà kính hoàn toàn bằng thép và mở thêm các nông trại với diện tích gần 320 hecta; hiện có gần 4.000 lao động thường xuyên.
Mỗi năm, Dalat Hasfarm trồng tới 200 triệu cành hoa và 250 triệu ngọn giống cung ứng cho thị trường 15 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu là Nhật Bản, với tổng giá trị đạt gần 60 triệu USD.
Thủ tướng bày tỏ hoan nghênh Dalat Hasfarm đã đầu tư phát triển đúng hướng, có hiệu quả cao là sản xuất xanh, sạch, công nghệ cao; đồng thời xây dựng được thương hiệu trên thị trường quốc tế.
Thủ tướng đề nghị Dalat Hasfarm tiếp tục mở rộng đầu tư nhân rộng mô hình ra các khu vực ngoài đô thị vừa dành đất cho phát triển đô thị, vừa chống hiệu ứng nhà kính; bên cạnh đó, Công ty cần tiếp tục quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; góp phần cùng địa phương làm công tác an sinh xã hội…
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thăm Ga Đà Lạt là nhà ga tàu hỏa được người Pháp xây dựng từ những năm đầu thập niên 30 của thế kỷ 20 là nhà ga đầu mối trên tuyến đường sắt Tháp Chàm-Đà Lạt dài 84km.
Nhà ga có phong cách kiến trúc độc đáo, có ba mái hình chóp, là cách điệu ba đỉnh núi Lang biang hoặc nhà rông Tây Nguyên.
Hiện nay, tuyến đường sắt Tháp Chàm-Đà Lạt không còn hoạt động. Tuyến đường sắt duy nhất hiện nay nhà ga còn phục vụ là tuyến Thành phố Đà Lạt-Trại Mát, dài 7km, đưa du khách đến với Trại Mát và chùa Linh Phước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nhà ga Đà Lạt là di tích lịch sử văn hóa, đồng thời là sản phẩm du lịch độc đáo nên cần được giữ gìn, phát huy phục vụ hoạt động tham quan, du lịch./.
Nguồn: Báo xây dựng