Đưa kiến thức pháp luật đến “chân công trình”
Nơi người lao động được bày tỏ khó khăn, vướng mắc
Có mặt tại buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến với chủ đề “Nâng cao kiến thức cho đoàn viên, người lao động về các chính sách mới và nhận diện tín dụng đen” do Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Thanh Trì tổ chức vào tháng 8 mới đây, chúng tôi thấy được không khí sôi động, hào hứng khi rất đông CNVCLĐ tới tham gia cùng hàng nghìn độc giả theo dõi trực tuyến. Cuộc giao lưu được mở màn với các câu hỏi dồn dập từ phía người lao động và sự giải đáp cởi mở, tận tình, thấu đáo của các chuyên gia, tất cả tạo nên một sự phấn khởi, hồ hởi, vui tươi trong mỗi CNVCLĐ khi đến tham dự.
Các chuyên gia trả lời câu hỏi của người lao động tại buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến. |
Đó cũng là không khí chung của tất cả các buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến mà báo Lao động Thủ đô phối hợp với LĐLĐ các quận, huyện, công đoàn ngành tổ chức trong thời gian qua. Ghi nhận tại các buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến được tổ chức cho thấy, thời lượng các buổi đối thoại, giao lưu thực tế thường kéo dài vượt quá so với kế hoạch được Ban Tổ chức đặt ra bởi người lao động háo hức đặt câu hỏi, các chuyên gia hăng say trả lời. Theo cảm nhận của nhiều người lao động, các buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến mà báo Lao động Thủ đô tổ chức đã thực sự mang lại hiệu quả thiết thực.
Là người từng trực tiếp được chuyên gia giải đáp câu hỏi tại cuộc đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, chị Trần Thị Mai Hương – Giáo viên Trường Mầm non B Thanh Liệt (Thanh Trì) cho biết: “Tại buổi giao lưu, chúng tôi không chỉ được cung cấp thông tin mà mọi câu hỏi, thắc mắc của bản thân về kiến thức pháp luật, chế độ bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động… đều được các chuyên gia giải đáp cặn kẽ, thỏa đáng, dễ hiểu. Hoạt động này hết sức thiết thực và ý nghĩa, giúp chúng tôi được nâng cao kiến thức pháp luật, hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của bản thân để từ đó chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, mạnh dạn đấu tranh nếu quyền lợi bị vi phạm”.
Không chỉ là nơi giải đáp thắc mắc cho người lao động, các buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến cũng là địa chỉ để các cán bộ công đoàn tiếp thu thêm kiến thức pháp luậtvà bày tỏ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình giải quyết các chế độ, chính sách cho đoàn viên, người lao động tại đơn vị mình. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Anh – Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam, hiện nay, đa số các cán bộ công đoàn đều kiêm nhiệm, không thể nắm hết kiến thức về pháp luật để giải đáp cặn kẽ vướng mắc cho người lao động. Thông qua các buổi giao lưu trực tuyến, cán bộ công đoàn có thể hỏi và hiểu thêm các kiến thức để kịp thời cập nhật các quy định, chế độ, chính sách mới để giải quyết thắc mắc cho người lao động thỏa đáng nhất.
“Với vai trò là Chủ tịch Công đoàn, tôi luôn nhận được nhiều câu hỏi, vấn đề cần giải đáp từ người lao động. Mỗi khi được tham gia buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến do Báo Lao động Thủ đô tổ chức tôi đềuđưa ra các câu hỏi bản thân chưa tìm được câu trả lời để nhờ chuyên gia giải đáp, hướng dẫn. Qua mỗi buổi giao lưu trực tuyến, tôi cập nhật được những văn bản, quy định, kiến thức pháp luật có hiệu lực mới nhất để phục vụ tốt hơn cho công tác chuyên môn của mình, hiểu rõ hơn để giải đáp những thắc mắc, quyền lợi chính đáng cho người lao động”, bà Ngọc Anh nhấn mạnh.
Chuẩn bị kỹ lưỡng trong từng cuộc giao lưu
Bà Lê Thị Bích Ngọc, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô cho biết, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người lao động đã được các cấp, ngành, tổ chức Công đoàn thực hiện với nhiều biện pháp phong phú, đa dạng, song trình độ hiểu biết, nhận thức pháp luật của một bộ phận người lao động còn hạn chế khiến quyền lợi bị ảnh hưởng, Báo Lao động Thủ đô xác định phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến để cùng với tổ chức Công đoàn và các cấp ngành tiếp tục tuyên truyền, nâng cao kiến thức pháp luật cho người lao động, giúp người lao động có thể tự bảo vệ chính mình khi cần thiết.
Với mục đích thiết thực vì quyền lợi của người lao động, để các buổi đối thoại, giao lưu đạt hiệu quả cao nhất, trước mỗi buổi đối thoại, giao lưu, Ban Biên tập Báo Lao động Thủ đô luôn xây dựng và chỉ đạo thực hiện những kế hoạch chu đáo, chặt chẽ. Bên cạnh việc lựa chọn chủ đề, tìm địa điểm, chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, đội ngũ kỹ thuật viên, phóng viên, Ban Tổ chức đặc biệt coi trọng việc mời tới buổi đối thoại, giao lưu các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực như Luật lao động, Bảo hiểm xã hội, chế độ chính sách tiền lương, an toàn vệ sinh lao động, tín dụng đen… tiêu biểu có chuyên gia Tạ Văn Dưỡng – Trưởng Ban Chính sách Pháp luật và Quan hệ lao động (LĐLĐ thành phố Hà Nội); Luật sư Nguyễn Văn Hà – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; bà Dương Thị Minh Châu – Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội; Thượng tá Đào Trung Hiếu – Tiến sĩ Tội phạm học, Cục Truyền thông (Bộ Công an)…
Tại mỗi buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, người lao động được bày tỏ những khó khăn, vướng mắc và được chuyên gia giải đáp thỏa đáng. |
Trong mỗi buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến, các chuyên gia, khách mời đã trả lời những câu hỏi của người lao động bằng sự tận tâm, nhiệt tình, thấu tháo. Mỗi khi người lao động đưa ra những câu hỏi chưa đầy đủ ý, thiếu sự rõ ràng, chuyên gia lại gợi ý, hỏi sâu vào từng chi tiết để người lao động có thể diễn đạt đúng, đủ thắc mắc của mình một cách rõ ràng nhất. Đối với những câu hỏi có hàm ý rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, sau khi được một chuyên gia trả lời, các chuyên gia khác có mặt trong buổi giao lưu vẫn tiếp tục bổ sung cho câu trả lời thêm đủ ý, trọn vẹn.
Bằng những sự chuẩn bị kỹ lưỡng đó, các cuộc đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến là phương pháp tuyên truyền thực sự hữu ích, cách làm sáng tạo, mang lại những kết quả bổ ích, được CNVCLĐ, cán bộ Công đoàn các cấp và lãnh đạo địa phương đánh giá cao.
Là đơn vị đã 2 lần phối hợp tổ chức giao lưu trực tuyến với Báo Lao động Thủ đô, Chủ tịch LĐLĐ quận Tây Hồ Đỗ Thị Hồng Lê cho hay: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho CNVCLĐ luôn là nhiệm vụ được tổ chức Công đoàn quan tâm thực hiện, thông qua đó nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, từng bước hình thành thói quen hành động theo pháp luật cho người lao động. Đây cũng là cách tốt nhất để người lao động có thể tự bảo vệ mình trong quan hệ lao động, qua đó góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa. So với hình thức tổ chức hội nghị tuyên truyền truyền thống mang tính truyền đạt một chiều, chương trình đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến giúp người lao động tương tác trực tiếp với các chuyên gia, hai bên được trao đổi, hiểu cặn kẽ vấn đề và giải quyết cụ thể từng nội dung.
Nguyễn Hoa
Nguồn: Báo lao động thủ đô