Đưa giáo trình đào tạo năng suất đến với trường ĐH Ngoại Thương
Đó là chia sẻ của TS. Hà Minh Hiệp – Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tại buổi Tọa đàm “Tổng quan về năng suất, chất lượng và áp dụng năng suất trong các trường đại học, cao đẳng” diễn ra tại trường Đại học Ngoại thương cơ sở 2 chiều 14/4. Tọa đàm nằm trong khuôn khổ Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030.
Chương trình có sự tham dự của: TS. Hà Minh Hiệp – Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục; Ông Nguyễn Tùng Lâm – Phó viện trưởng phụ trách Viện Năng suất Việt Nam; Ông Phạm Lê Cường – Phó chánh văn phòng Tổng cục; Bà Nguyễn Thị Thu Phương – Phó giám đốc phụ trách Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ 2; TS. Vương Thị Thảo Bình – Phó trưởng ban Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 cùng đông đảo các bạn sinh viên, giảng viên trường ĐH Ngoại thương.
Theo các chuyên gia, trong nền kinh tế hàng hóa giản đơn, tài nguyên đất đai và khoáng sản được xem là giới hạn của tăng trưởng kinh tế. Khi chuyển sang nền kinh tế thị trường ở giai đoạn thấp, tài nguyên, lao động và vốn chính là 3 trụ cột căn bản, giúp các nước đang và chậm phát triển thúc đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế.
Ngày nay, trong nền kinh tế thị trường hiện đại và phát triển, yếu tố quan trọng nhất và cũng là yếu tố quyết định đến sự tăng trưởng của mọi quốc gia chính là khoa học và công nghệ. Trong đó, năng suất chất lượng và đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt, đảm bảo cho mọi thành công. Khoa học công nghệ cũng luôn được cải tiến để phù hợp với tính chất, phạm vi, quy mô của mỗi doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định.
Khác với 3 nguồn lực truyền thống, khoa học công nghệ là yếu tố không bị giới hạn như tài nguyên hay khoáng sản, cũng không bị hạn chế về số lượng như vốn hay lao động. Đây cũng là yếu tố có thể giúp các nước đang phát triển thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và chuyển đổi mô hình kinh tế từ tăng trưởng theo chiều rộng sang chiều sâu. Chính vì vậy, việc triển khai năng suất chất lượng vào các tổ chức, doanh nghiệp luôn là nội dung cần được quan tâm nhằm thu hút, giúp doanh nghiệp phát triển, tránh bị tụt hậu và tụt lại phía sau, thậm chí có thể đối mặt với nguy cơ bị đổ vỡ.
TS. Vương Thị Thảo Bình – Phó trưởng ban Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, Trường ĐH Ngoại thương cho biết, những năm qua, ĐH Ngoại thương luôn tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đặc biệt là nâng cao kiến thức, kỹ năng hỗ trợ cho sinh viên trong quá trình học tập, rèn luyện. Do đó, việc phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức Tọa đàm lần này chính là mong muốn cung cấp cho sinh viên nhận thức đầy đủ về năng suất, chất lượng cũng như vận dụng kiến thức vào học tập, thực tế cuộc sống. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập và rèn luyện cho sinh viên.
Trao đổi tại buổi hội thảo, TS. Hà Minh Hiệp – Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục cho biết, năng suất là thuật ngữ thể hiện sự cải tiến liên tục, là một con đường, cách thức để chúng ta luôn luôn thực hiện. “Nếu chúng ta coi năng suất như hơi thở chúng ta dùng hàng ngày. Nếu coi năng suất là dòng máu chảy trong tim thì phong cách làm việc, tư duy của chúng ta sẽ trở lên hiệu quả hơn”, TS. Hà Minh Hiệp chia sẻ.
Theo TS. Hà Minh Hiệp, năng suất phải trở thành một thói quen, tư duy và lăng kính để các bạn nhìn nhận mọi việc, lúc đó mới thực sự hiệu quả. Như hiện nay người lao động, đi học về, không áp dụng thì dần dần thói quen đó cũng mất đi. Do đó, thay vì đào tạo năng suất trong doanh nghiệp, Tổng cục đã đề xuất đào tạo về năng suất trong trường Đại học và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.
TS. Hà Minh Hiệp cũng thông tin, trường ĐH Ngoại Thương sẽ là một trong những trường đầu tiên trong cả nước có giáo trình đào tạo về năng suất.
Cũng theo TS. Hà Minh Hiệp, nói về năng suất, khởi đầu quan trọng nhất chính là tư duy 5S. Đây là tên gọi của phương pháp quản lý, sắp xếp môi trường làm việc. 5S là từ viết tắt của Seiri (sàng lọc), Seiton (sắp xếp), Seiso (sạch sẽ), Seiketsu (săn sóc) và Shitsuke (sẵn sàng).
Trong thực tế, nếu vận dụng tư duy 5S vào công việc sẽ tạo được sự ngăn nắp tại từng vị trí làm việc, tiết kiệm thời gian, luôn sẵn sàng cho công việc, giảm thiểu sai sót, phát huy sự sáng tạo của bản thân và tăng hiệu suất lao động. Hơn hết là giảm thiểu lãng phí…
“5S đơn giản là đào tạo thay đổi nhận thức. Khi đưa tư duy 5S vào trường học chính các bạn sinh viên sẽ làm cho môi trường trở nên xanh, sạch, đẹp hơn. Và các bạn làm việc đó một cách vô thức, một cách say mê chứ không phải chúng ta bắt nhau phải làm”, TS. Hà Minh Hiệp nói.
Năng suất rất quan trọng vì nó là thước đo hiệu quả của lực lượng lao động trong sản xuất. Nó bao gồm việc sử dụng nguồn nhân lực, máy móc, tài chính và các cơ chế khác nhằm tạo ra nguồn lợi cho việc kinh doanh. Hơn nữa, năng suất cao giúp mọi doanh nghiệp đạt được mục tiêu mong muốn của mình. Tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp chưa nhận ra điều này nên có thể bỏ lỡ cơ hội thành công. Vậy nên, để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng thì chìa khoá chính là nâng cao, cải tiến năng suất.
Bùi Quý – Kim Thoa