Du xuân đất Thành Nam
Một trong những lễ hội đầu Xuân có truyền thống lâu đời tại Nam Định là lễ hội Khai ấn Đền Trần, diễn ra từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng. Đến với Lễ hội, du khách không chỉ thỏa mãn ước nguyện cầu may, cầu phúc mà còn được chiêm ngưỡng cảnh quan, những giá trị di sản truyền thống của Khu di tích lịch sử – văn hóa Đền Trần – Chùa Tháp Phổ Minh.
Đền Trần là địa điểm du xuân của đông đảo du khách khi đến với Nam Định. |
Lễ hội Khai ấn được tổ chức trang trọng vào giờ Tý, đêm ngày 14 tháng Giêng với các nghi lễ rước kiệu ấn từ Đền Cố Trạch sang Đền Thiên Trường, dâng hương, tế cáo trước ban thờ Trung Thiên Đền Thiên Trường, rước ấn vào nội cung và đặt tại ban công đồng để làm lễ xin Khai ấn. Theo truyền thuyết, người xin được lộc ấn mang về treo tại đền, phủ, từ đường hay tại gia có ý nghĩa trừ ma quỷ, hóa giải rủi ro và điều xấu, thu hút may mắn và thuận lợi trong đường công danh, sự nghiệp cả năm.
Vào tháng 3 âm lịch hàng năm, lễ hội Phủ Dầy là lựa chọn của nhiều du khách khi du xuân tại Nam Định. Lễ hội Phủ Dầy tích hợp nhiều giá trị lịch sử, văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu và văn hóa dân gian của cư dân nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc Bộ, mang đặc trưng tín ngưỡng bản địa của người Việt. Trong lễ hội diễn ra các nghi lễ trang trọng như chầu văn hầu đồng, rước thỉnh kinh, rước đuốc, hoa trượng hội cùng các hoạt động văn hóa dân gian như thi hát văn, đánh cờ người và nhiều trò chơi dân gian độc đáo khác.
Trong đó, nghi lễ rước Mẫu thỉnh kinh từ Phủ Chính Tiên Hương lên chùa Tiên Hương được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng 3 âm lịch; lễ rước đuốc được tổ chức vào tối mùng 5 tháng 3 âm lịch. Theo quan niệm dân gian, ngọn lửa thiêng được rước từ nơi thờ Thánh Mẫu trong những ngày lễ hội sẽ xua tan đi điềm xấu, đem lại sự may mắn, sinh sôi.
Lễ hội Phủ Dầy là lựa chọn của nhiều du khách khi du xuân tại Nam Định. |
Ngoài lễ hội Khai ấn Đền Trần, lễ hội Phủ Dầy, Chợ Viềng Xuân Nam Định cũng là một địa chỉ du Xuân thu hút đông đảo du khách thập phương. Đây là phiên chợ có một không hai trong cả nước diễn ra vào ngày mùng 8 tháng Giêng. Trên địa bàn tỉnh Nam Định hiện có hai chợ Viềng Xuân là: Chợ Viềng Xuân Vụ Bản và Chợ Viềng Xuân Nam Trực.
Chợ Viềng Xuân Nam Định là sự tái hiện lại hình ảnh một phiên chợ của cư dân nông nghiệp từ xa xưa. Chợ chủ yếu bày bán các sản phẩm từ nông nghiệp và phục vụ sản xuất nông nghiệp như: các loại cây giống, cây cảnh, thịt bò thui, mía, cào sắt, cuốc, liềm, dao, búa, quang gánh, nón lá…
Sức hấp dẫn của chợ Viềng Xuân Nam Định chính ở yếu tố tâm linh của người bán và người mua là cầu may cho một năm mới mọi sự tốt lành. Vì vậy, người bán không nói thách, người mua không trả giá vì sợ không bán, không mua được, dễ bị xui xẻo cả năm… Chợ Viềng Xuân Nam Định cũng là nơi hò hẹn hoặc ước nguyện của các nam thanh, nữ tú đến tuổi lập gia đình. Bởi thế, người xưa có câu ca: “Chợ Viềng năm có một phiên/Trai gái tốn tiền mua sắm trầu cau”.
Điểm qua một vài lễ hội, địa chỉ du xuân nổi tiếng tại Nam Định để du khách thấy được rằng đây là vùng đất địa linh, nhân kiệt, nơi hội tụ và lan tỏa nhiều giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, đa dạng gắn với các di tích lịch sử – văn hóa, công trình tôn giáo – tín ngưỡng. Du xuân tại Nam Định, đến với các lễ hội truyền thống nơi đây, du khách sẽ hiểu hơn những giá trị văn hóa tín ngưỡng dân gian, từ đó càng thêm tinh thần hướng thiện, ý chí đoàn kết và tình yêu quê hương, đất nước.
Nguồn: Báo lao động thủ đô