Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường: Nhiều quy định không hợp lý
Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường: Nhiều quy định không hợp lý
Không chỉ thiếu đồng tình với phản hồi của Bộ TN&MT, cộng đồng doanh nghiệp còn cho rằng, Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường tồn tại nhiều quy định không hợp lý…
Xoay quanh những phản hồi của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Dự thảo) như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, ngoài việc không đồng tình vì thiếu thuyết phục, cộng đồng doanh nghiệp còn cho rằng, nhiều quy định trong Dự thảo này không hợp lý, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp.
Cụ thể, Điều 52 của Dự thảo về “Khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư”, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, quy định này không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp cũ và mới, như vậy, nếu áp dụng, doanh nghiệp đã xây từ trước đây, bây giờ dân ra xây nhà bên cạnh, liệu doanh nghiệp có phải dọn đi?
Hay như Điều 39 về “Dán nhãn nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy”, theo cộng đồng doanh nghiệp, quy định này không chỉ gây khó khăn và tốn kém cho doanh nghiệp khi phải thay đổi toàn bộ nhãn sản phẩm, mà còn trái thông lệ quốc tế và không phù hợp với Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa, trong đó không có bắt buộc ghi các thông tin này.
Bên cạnh đó, Điều 66 về “Đảm bảo sau năm 2025, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch phục vụ cho mục đích sinh hoạt” cũng là một trong những quy định khiến cộng đồng doanh nghiệp quan ngại.
Ông Nguyễn Hồng Uy – đại diện Tiểu ban Thực phẩm và Đồ uống của Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt nam (AmCham Vietnam) cho rằng, quy định tại Điều 66 của Dự thảo trái với các Hiệp định tự do thương mại như EVFTA (quy định không được dùng nhãn hàng hóa làm rào cản thương mại).
Cũng theo ông Uy, điều này sẽ gây khó khăn rất lớn cho sản xuất – kinh doanh khi các bao bì từ nhựa PVC, PET là rất phổ biến từ lĩnh vực thực phẩm, mỹ phẩm cho đến hàng tiêu dùng… từ chai nước uống đến dầu gội.
“Nếu áp dụng thì năm 2026 hàng loạt nhà máy ở Việt nam sẽ phải đóng cửa vì không có bao bì thay thế bởi không có nước nào trên thế giới yêu cầu như vậy”, ông Uy nhấn mạnh.
Về tỷ lệ tái chế, theo phản hồi của Bộ TN&MT,… chai PET ở mức 22,5%… tỷ lệ này chỉ bằng 1/3 tỷ lệ tái chế của các quốc gia châu Âu từ những năm 80-90 của thế kỷ trước. Bộ TN&MT đã tiếp thu một phần khi giảm tỷ lệ thu hồi tối thiếu đối với bao bì từ 70% – 80% xuống còn 50%.
Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị giảm xuống mức 40%, vì ngay với EU, năm 2020 cũng chỉ đạt tái chế nhựa là 41%, và báo cáo kiểm toán năm 2020 cho biết “các quy tắc xử lý rác mới, chặt chẽ hơn, sẽ khiến tỷ lệ tái chế bao bì nhựa của EU giảm từ 41% xuống còn từ 29 – 32%”.
Cùng với đó, ngành công nghiệp thu gom và tái chế của Việt Nam hiện tại hầu như chưa có gì, và cần phải mất vài năm để có thể xây dựng được các nhà máy mới, nên một số Hiệp hội đề nghị cần có tỷ lệ và lộ trình thích hợp, và đề nghị Dự thảo bổ sung thêm phần “chiến lược phát triển ngành công nghiệp thu gom và lộ trình đầu tư, xây dựng ngành công nghiệp tái chế”.
Ngoài ra, về quy định chi tiết tỷ lệ tái chế bắt buộc, theo ông Nguyễn Hồng Uy, Luật Bảo vệ môi trường quy định “Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này” và Dự thảo không đưa ra quy định chi tiết tỷ lệ tái chế bắt buộc mà lại ủy quyền tiếp cho Hội đồng EPR quốc gia và Bộ TN&MT quy định chi tiết là vi phạm khoản 2 Điều 11 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Cơ quan được giao ban hành văn bản quy định chi tiết không được ủy quyền tiếp).
Vì vậy, ông Uy đề nghị, cần có cơ sở khoa học bằng thực nghiệm để xác định các tỷ lệ thu gom, thu hồi, tái chế bắt buộc cho sát với thực tiễn thu gom, thải bỏ ở Việt Nam. Đồng thời, việc xác định hai hệ số thu gom, thu hồi này cần có sự tham vấn của nhiều ngành nghề cũng như hiệp hội, giai đoạn đầu không nên cao quá 40%.
Bỏ chi phí quản lý, tổ chức tái chế (Fm); Việc xây dựng công thức tính, cơ chế quản lý thu, chi cần có sự tham gia trực tiếp hoặc chủ trì của Bộ Tài chính, là cơ quan được Chính phủ giao trách nhiệm và có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách về thuế, phí và các khoản thu nói chung.
“Vì đây là vấn đề lớn, ảnh hưởng đến sản xuất – kinh doanh của cả nước, và theo đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tỷ lệ tái chế bắt buộc cần được Bộ TN&MT đề xuất và được Chính phủ phê duyệt, chứ không phải do Hội đồng EPR đề xuất và Bộ TN&MT phê duyệt”, ông Uy chia sẻ.
Theo phản hồi của Bộ TN&MT về đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế, để bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng khoản tiền này, Dự thảo quy định nhà sản xuất, nhập khẩu tham gia Hội đồng EPR quốc gia để quyết định và giám sát việc sử dụng khoản tiền này hiệu quả, đúng mục đích
Bà Đỗ Thị Thúy Hương – Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) cho rằng, vai trò giám sát của Hội đồng EPR là rất hạn chế, vì Dự thảo quy định Hội đồng EPR quốc gia ủy quyền quản lý, giám sát, hỗ trợ việc thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu cho Văn phòng EPR quốc gia, như vậy, Văn phòng EPR quốc gia mới là người quản lý, giám sát khoản tiền này.
Cũng theo bà Hương, việc nhà sản xuất, nhập khẩu được tham gia Hội đồng EPR quốc gia là rất phù hợp, tuy nhiên, Dự thảo chưa quy định rõ thành phần đại diện của doanh nghiệp là bao nhiêu, cơ cấu tổ chức thế nào. Cơ chế biểu quyết là theo đa số, mà đại diện doanh nghiệp nếu ít ỏi thì cũng khó có tiếng nói đáng kể, do đó các Hiệp hội đề nghị được tăng số đại diện của doanh nghiệp trong Hội đồng.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị