Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Lo ngại xung đột chính sách

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Lo ngại xung đột chính sách

MTĐT –  Thứ hai, 13/03/2023 10:26 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Không chỉ quan ngại hệ lụy về thời hạn sở hữu nhà chung cư, góp ý Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), nhiều ý kiến cũng cho rằng, một số quy định tại Dự thảo sẽ dẫn tới xung đột chính sách…

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, việc quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), mặc dù theo cơ quan soạn thảo, mục tiêu hướng đến là bảo đảm sự an toàn về tính mạng, sức khỏe của người dân, thế nhưng, theo các chuyên gia, với cách thức quy định này theo hướng cơ quan soạn thảo đề xuất sẽ hạn chế quyền sở hữu của người dân. Đáng nói, những quy định này tại Dự thảo Luật (sửa đổi) còn được cho sẽ dẫn đến những xung đột chính sách.

Một số quy định tại Dự thảo Luật (sửa đổi) còn được cho sẽ dẫn đến những lo ngại về xung đột chính sách - Ảnh minh họa
Một số quy định tại Dự thảo Luật (sửa đổi) còn được cho sẽ dẫn đến những xung đột chính sách – Ảnh minh họa

Cụ thể, theo các chuyên gia, nếu như Luật Nhà ở năm 2014 chỉ quy định chung một loại hình nhà ở xã hội thì Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã phân tách thành 3 loại hình khác nhau theo 3 nhóm đối tượng thụ hưởng, gồm: Nhà ở xã hội (hướng đến người thu nhập thấp); Nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; Nhà ở cho lực lượng vũ trang. Trong đó, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp là nhu cầu bức thiết hiện nay, đặc biệt, trong giai đoạn bùng dịch COVID-19 vừa qua. Bởi vậy, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã dành riêng Mục 3 Chương VI (từ Điều 88 đến Điều 97) để quy định về nhà lưu trú công nhân.

Phân tích rõ hơn về nội dung đã nêu, ông Nguyễn Văn Đỉnh – Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, Điều 3 Dự thảo Luật quy định: “Nhà lưu trú công nhân là công trình xây dựng được đầu tư xây dựng trên phần diện tích đất dịch vụ thuộc phạm vi khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế để bố trí cho công nhân, người lao động, chuyên gia thuê lưu trú trong thời gian làm việc tại khu công nghiệp đó theo quy định của Luật này”. Ngoài nhà lưu trú thì diện tích này còn để xây dựng công trình dịch vụ, tiện ích công cộng phục vụ người lao động.

để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật, cần rà soát đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật - Ảnh minh họa
Để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật, cần rà soát đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật – Ảnh minh họa

“Như vậy, nhà lưu trú công nhân theo Dự thảo Luật là đồng nhất với loại hình “cơ sở lưu trú” theo Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.

Tuy nhiên, Nghị định số 35/2022/NĐ-CP chỉ quy định về “Cơ sở lưu trú được xây dựng tại phần diện tích đất dịch vụ của khu công nghiệp” và đây khó có thể coi là một hình thức nhà ở xã hội. Cơ sở lưu trú chỉ là một hình thức “ký túc xá” cho công nhân trong thời gian ngắn, phục vụ nhu cầu tạm thời mà không đáp ứng được nhu cầu ăn ở, sinh hoạt ổn định của hộ gia đình như nhà ở xã hội”, ông Đỉnh bày tỏ.

Theo ông Nguyễn Văn Đỉnh, Luật Cư trú năm 2020 quy định: “Lưu trú là việc công dân ở lại một địa điểm không phải nơi thường trú hoặc nơi tạm trú trong thời gian ít hơn 30 ngày”. Như vậy “lưu trú” có tính chất kém ổn định hơn nhiều so với “ở”, việc quy định loại hình cơ sở lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp như trong dự thảo Luật là không bảo đảm tính chặt chẽ, khoa học. Về nguyên tắc, nhà ở xã hội hay bất kỳ loại nhà ở nào đều phải xây dựng trên đất ở; trong khi công trình trên đất dịch vụ, nằm trong khu công nghiệp không thể coi là “nhà ở”.

Còn theo GS.TS Phan Trung Lý – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Viện trưởng Viện nghiên cứu pháp luật và xã hội, để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật, cần rà soát đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục mâu thuẫn chồng chéo trong các quy định về lĩnh vực này, nhất là phù hợp với quy định của Hiến pháp, của Bộ luật Dân sự, trong tương quan với Luật đất đai, Luật xây dựng.

“Các quy định của pháp luật về nhà ở hay bất động sản, về xây dựng hay kinh doanh đều phải được tiếp cận và quy định trên cơ sở quyền con người – về sở hữu, về tài sản, về nhà ở, về đất đai, về tự do kinh doanh trong các ngành nghề mà pháp luật không cấm” GS.TS Phan Trung Lý đặt vấn đề.

Xoay quanh nội dung Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), trước đó, trong kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cũng cho rằng, giữa Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) – Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) – Luật Phòng cháy chữa cháy (sửa đổi) 2013 và Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đang có một số quy định chưa đảm bảo tính thống nhất, cần được xem xét.

Trong đó, HoREA đề nghị xây dựng lại Điều 25, Điều 26 với nội dung phù hợp như chỉ nên quy định “xác lập quyền sở hữu nhà chung cư không xác định thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định lâu dài”; hoặc “quyền sở hữu nhà chung cư có thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất có thời hạn” và quy định “các trường hợp phá dỡ nhà chung cư để xây dựng lại nhà chung cư”, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích