Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Công khai, minh bạch trong thu hồi đất
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau gần 8 năm thi hành Luật Đất đai 2013, nguồn lực đất đai đã được quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả cho phát triển kinh tế – xã hội; việc cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền quản lý và sử dụng đất được đẩy mạnh, bước đầu khắc phục tình trạng lãng phí tài nguyên đất…
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế như: quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, hệ thống; thiếu tầm nhìn dài hạn; chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững; việc tiếp cận đất đai của tổ chức, cá nhân còn nhiều bất cập; thị trường quyền sử dụng phát triển chưa ổn định; cải cách hành chính trong quản lý đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; tài chính đất đai và giá đất chưa phản ánh đúng thực tế thị trường…
(Ảnh minh họa) |
Do đó, thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để trình Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW về thu hồi đất; việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thực hiện có hiệu quả việc đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người có đất bị thu hồi; khai thác hiệu quả quỹ đất phụ cận các công trình kết cấu hạ tầng; quy định cơ chế góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại đất đai…
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, các nội dung này được thể chế hóa theo hướng: cụ thể hóa các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, bổ sung trường hợp dự án được hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua sự cần thiết phải thu hồi tại điểm c, điểm e khoản 3, khoản 4, 5, 6, 7 Điều 67 dự thảo luật. Bổ sung, quy định cụ thể hơn một số trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai tại điểm b, c, d, h, i khoản 1 Điều 69 dự thảo luật.
Việc sửa đổi, bổ sung nguyên tắc theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường về đất đối với hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi để phù hợp với nhu cầu và điều kiện cụ thể của từng địa phương như: bồi thường bằng đất khác hoặc nhà ở nếu địa phương còn quỹ đất, quỹ nhà ở và người sử dụng đất có nhu cầu (khoản 4 Điều 79). Quy định việc tổ chức xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất tại khoản 5 Điều 79 dự thảo luật.
Đồng thời, dự thảo bổ sung quy định đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân thì được thường theo bằng giá trị xây dựng mới của nhà ở, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương mà không phân biệt mức độ bị thiệt hại nhà ở, công trình và trách nhiệm ban hành bảng đơn giá bồi thường thiệt hại thực tế về nhà, công trình xây dựng tại khoản 1, khoản 4 Điều 89 dự thảo luật.
Các quy định của dự luật quan tâm đảm bảo sinh kế, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người có đất bị thu hồi: bổ sung quy định về Quỹ hỗ trợ cho người bị hạn chế khả năng lao động khi Nhà nước thu hồi đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập. Nguồn tài chính của quỹ được trích từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của địa phương; đóng góp của các tổ chức, cá nhân và các nguồn khác theo quy định của pháp luật (khoản 3 Điều 94).
Việc quyết định tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án riêng đồng thời với phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Quy định này nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư thông qua việc tách nội dung thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thành dự án riêng để thực hiện trước khi thực hiện dự án đầu tư.
Nguồn: Báo lao động thủ đô