Dự thảo Luật đất đai sửa đổi còn nhiều ý kiến

Sáng 01/11, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật đất đai sửa đổi.

Nhiều điểm mới trong dự thảo luật sửa đổi

Sáng 01/11, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật đất đai sửa đổi. Và hôm nay (ngày 03/11) đại biểu Quốc hội đã thảo luận tổ, góp ý xây dựng dự Luật Đất đai sửa đổi với hàng loạt chính sách mới trong thu hồi, xác định giá đất…

Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo luật đã nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Dự luật cũng hoàn thiện quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất; quy định cụ thể thẩm quyền, mục đích, phạm vi, tiêu chí thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng…

Chính phủ xác định, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư. Giá đất phải xác định theo nguyên tắc thị trường, song song với cơ chế kiểm tra, giám sát của Trung ương và HĐND trong việc xây dựng bảng giá đất.

Dự thảo đề xuất áp dụng mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang; xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai; đồng thời có chế tài ngăn chặn các trường hợp giao dịch không đăng ký tại cơ quan nhà nước.

Đại biểu đề nghị cân nhắc việc thu hồi đất làm sự án nhà ở thương mại

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đề nghị cơ quan soạn thảo hết sức cân nhắc việc quy định thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Thảo luận tại tổ và sáng nay, nhiều đại biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ nội dung Nhà nước thu hồi đất, giá đất, chuyển mục đích sử dụng đất….

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đề nghị cơ quan soạn thảo hết sức cân nhắc việc quy định thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại. Bởi việc thực hiện dự án nhà ở thương mại, mục tiêu đầu tiên mà chủ đầu tư hướng tới là lợi nhuận. Trong khi đó, dự thảo lại cho thu hồi để thực hiện dự án loại này có “nguy cơ dẫn đến doanh nghiệp lợi dụng, kéo theo khiếu nại, khiếu kiện”.

Từ đó ông đề nghị thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp đối với chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Với các dự án có nguồn vốn tư nhân, đại biểu tỉnh Trà Vinh lưu ý, phải có quy định đánh giá tác động về mặt xã hội khi thu hồi đất của người dân, đảm bao minh bạch, tránh lạm dụng gây bức xúc đối với người bị thu hồi đất.

Ông Tuấn cũng đề nghị dự luật quy định rõ ràng hơn điều kiện, tiêu chí thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội đất nước. Điều này để tránh trường hợp hôm nay thu hồi đất của người dân để xây chợ dân sinh, nhưng ngày mai trong khu chợ lại mọc ra nhà, khu phố nằm trong khu chợ vừa xây dựng.

“Tình trạng thu hồi đất hoặc người dân hiến đất để thực hiện công trình công cộng, nhưng sau đó hoạt động không hiệu quả, hoặc dừng hoạt động bị chuyển công năng sử dụng”, ông nhấn mạnh, đây là thực trạng đã xảy ra ở một số địa phương thời gian qua.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương).

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) nêu kinh nghiệm từ các dự án ngân hàng thế giới, ADB, họ quy định bắt buộc báo cáo đánh giá tác động môi trường; báo cáo xã hội tái định cư. Các báo cáo này phải được phê duyệt cùng với báo cáo khả thi thì dự án ấy mới được triển khai.

“Còn ở ta quy định có báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo khả thi, còn công tác tái định cư thì chủ yếu giao cho địa phương, cho nên có nhiều bất cập”, ông Huân so sánh.

Ông Huân bày tỏ băn khoăn về Điều 92 quy định về tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng; quản lý, khai thác sử dụng quỹ đất đã thu hồi, nhưng lại giao Chính phủ quy định chi tiết.

“Trong khi tôi thấy, điều này là khởi đầu cho tái định cư và khiếu kiện cũng bắt đầu tư đầu tư khâu tổ chức thực hiện. Chúng ta đưa ra luật để mọi người bình đẳng với nhau, các cơ quan công quyền có khuôn pháp lý để dễ dàng thực hiện, nhưng lại giao Chính phủ quy định chi tiết điều này thì sẽ chẳng khác gì với trước”, ông Huân đề nghị Ban soạn thảo phải quy định rõ.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng, Điều 93 quy định trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất, có khoản nêu, sau khi vận động, thuyết phục mà người dân không hợp tác thì cưỡng chế là “rất nguy hiểm”.

Ông ví dụ, người dân đang sống gần nơi có kế sinh nhai, đơn giản nhất là vỉa hè để bán nước chè, giờ chuyển họ vào căn hộ rất đẹp nhưng không bán được nước chè, hàng ngày, không có kế sinh nhai thì họ không thể chuyển đi được.

“Mà khi người ta chưa chuyển đi, chưa tìm được công ăn việc làm mới mà tiến hành cưỡng chế thì nguy hiểm. Cái này là mất tính nhân văn và có thể phát sinh điểm nóng trên địa bàn”, ông Huân cảnh báo.

Ngoài ra, đại biểu tỉnh Bình Dương cũng đề nghị cần có một đơn vị chuyên nghiệp đánh giá độc lập khu vực bị ảnh hưởng để bảo đảm thông tin minh bạch vì nguyên tắc là người dân bị thu hồi đất sau khi di dời có cuộc sống “ít nhất bằng, hoặc tốt hơn”. Bởi, nếu không đánh giá kỹ thì làm sao biết bằng hoặc tốt hơn để người ta nhận tiền đền bù.

“Có rất nhiều trường hợp, chúng ta đền bù, người dân nhận tiền xong tiêu hết, cuối cùng thì vô gia cư”, đại biểu nêu thực tế.

Khó quyết định giá đất sát thị trường khi ủy ban tham gia vào các khâu

Đại biểu Trần Công Phàn.

Đại biểu Trần Công Phàn, nguyên Phó Viện trưởng VKSND tối cao nêu quan điểm, sửa luật theo tôi phải cân đối các lợi ích”, đại biểu lưu ý và nhấn mạnh giá đất hết sức quan trọng. Thay đổi giá đất dẫn đến mọi việc sẽ khác, liên quan đến vấn đề quy hoạch, thay đổi mục đích sử dụng… có thể đang từ 1 triệu thành 1 tỷ, tất cả giàu lên vì đất, chết vì đất, rơi vào lao lý cũng vì đất. Đây là những vấn đề đang hiện hữu và chúng ta phải xử lý”, đại biểu nhấn mạnh.

Theo ông Phàn, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất cần quy định chặt chẽ, không phải “thích một cái là chuyển” vì khi chuyển mục đích sử dụng đất thì giá trị sẽ khác.

Về việc bỏ khung giá đất, ông Phàn bày tỏ quan điểm “mọi người đang ủng hộ việc này nhưng tôi thấy chưa hẳn”.

“Tìm giá sát thị trường thì giá thị trường là giá nào? Trong đất của chúng ta có các loại đất khác nhau, nếu không có một định hướng về giá, việc xác định giá đất là rất khó”, ông nói.

Việc này phải có người tư vấn, có người định ra giá đất, có người thẩm định, có người quyết định rõ ràng. Người đã tham gia định giá thì không tham gia thẩm định, không tham gia quyết định.

“Ở ta, ông UBND tham gia ở tất cả thì quyết định giá sát thị trường khó lắm. Tôi cho rằng đây là “cái gốc”, dù chúng ta thảo luận nhưng không gỡ cái này ngay từ đầu thì sau này nhiều kỳ họp rồi vẫn thế, vẫn vướng”, nguyên Phó Viện KSND tối cao lưu ý.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TP.HCM) cũng băn khoăn về việc, dự thảo Luật Đất đai quy định hàng năm UBND địa phương có trách nhiệm phải xây dựng bảng giá đất và giá đất cụ thể phù hợp với thị trường, không còn sử dụng khung giá đất.

Vì thế, bà lưu ý, Chính phủ cần phải đưa ra khung ổn định mức thu không để mức giá lên cao gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Bởi người dân đang nộp 500.000-1.000.000 đồng hàng năm đối với thuế thửa đất nông nghiệp thì sang năm 2 hoặc năm 3 lên đến chục lần, người dân sẽ không thể chịu được.

“Cần phải có cơ chế điều chỉnh hệ số đi xuống, Chính phủ cần xây dựng quy định càng sớm càng tốt”, đại biểu Nguyễn Thị Lệ đề nghị.

Bên cạnh đó, cần phải đảm bảo giá phải ổn định với thị trường, nhưng vẫn phải đủ hợp với việc thu hút đầu tư. Điều chỉnh giá đất để chi phí đầu vào cho doanh nghiệp không bị cao quá, có thể có khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp không chỉ trong nước mà còn nước ngoài.

Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ nhiều vấn đề trong dự thảo luật

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – cơ quan thẩm tra đánh giá, đây là dự án luật phức tạp, phạm vi tác động rộng, nên yêu cầu Chính phủ làm rõ điều kiện trưng dụng, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Cần tách bạch mục đích kinh tế đơn thuần, tránh bị lạm dụng, gây bức xúc cho người sử dụng đất, dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện.

Về nguyên tắc bồi thường khi thu hồi đất, Điều 97 dự thảo quy định “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”. Ủy ban Kinh tế cho rằng nguyên tắc này cần được định lượng cụ thể, có hướng dẫn chi tiết; có cơ chế và phân công trách nhiệm giám sát, đánh giá việc thi hành nguyên tắc này để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị ban soạn thảo quy định hạn chế việc giao đất, cho thuê đất không đấu giá, đấu thầu; nghiên cứu quy định hình thức giao đất, cho thuê đất trong trường hợp chấp thuận nhà đầu tư; bổ sung đối tượng giao đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất là các công trình văn hóa, di tích lịch sử, di sản văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Dự thảo Luật quy định một trong các nguyên tắc định giá đất là “phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ định nghĩa giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường là gì, đồng thời quy định rõ phương pháp định giá đất và trường hợp áp dụng cụ thể.

Dự án luật Đất đai sửa đổi sẽ được Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình ba kỳ họp. Ngày 14/11, dự luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại hội trường.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích