Dự thảo Luật Cấp, thoát nước: Gấp rút hoàn thiện trình Quốc hội

(Xây dựng) – Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá Dự án Luật Cấp, thoát nước đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào dự kiến chương trình xây dựng Luật năm 2025. Trình Quốc hội thông qua vào tháng 10/2025.

Dự thảo Luật Cấp, thoát nước: Gấp rút hoàn thiện trình Quốc hội

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, nguyên nhân ngành cấp, thoát nước chưa phát triển tương xứng với nhu cầu xuất phát từ cơ sở hạ tầng yếu kém, quy hoạch chưa đồng bộ và đặc biệt là vẫn thiếu hành lang pháp lý xuyên suốt trong lĩnh vực cấp, thoát nước nói chung hay thoát nước và xử lý nước thải nói riêng. Theo đó, nguồn nước ngầm đang có xu hướng xấu đi và ngày càng cạn kiệt. Nguồn nước mặt ngày càng ô nhiễm. Nhiều khu vực người dân phải sử dụng nước ngầm từ giếng khoan hoặc nước mặt từ sông suối, ao hồ để sinh hoạt, ăn uống trực tiếp không qua xử lý trong khi nước không đạt chuẩn để sử dụng trực tiếp.

Muốn xử lý để đạt chuẩn thì chi phí sản xuất nước tăng cao. Nguồn nước bị phụ thuộc vào ao hồ sông suối. Hầu hết các con sông lớn ở nước ta đều bắt nguồn từ nước ngoài nên không chủ động về trữ lượng. Bên cạnh đó, tình trạng xâm lấn của nước biển, hạn mặn kéo dài khiến thiếu nước trầm trọng một vài thời điểm trong năm. Do đó, ảnh hưởng đến vấn đề chi phí để xử lý nguồn nước dẫn tới giá nước tăng cao gây khó khăn cho người dân trong việc tiếp cận nguồn nước sạch để sử dụng trong việc sinh hoạt, hoạt động sản xuất kinh doanh từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế chung của vùng.

Về vấn đề xây dựng hạ tầng như xử lý về đường ống, công trình cấp nước đã trải qua một quá trình và thời gian dài mà theo quy hoạch về việc sử dụng đất thì chồng chéo lên những công trình cấp nước đã xây dựng. Nhưng khi giải toả thì không được đền bù cho DN cấp, thoát nước, ảnh hưởng đến nguồn vốn tái cơ cấu để làm lại những hệ thống cấp nước gây khó khăn cho DN về việc phục hồi và phát triển.

Thực tế, giải pháp của DN là phải tự chủ động trong các vấn đề, nên hiện tại các DN đang hết sức khó khăn. Còn những khu vực thưa thớt dân cư, công ty cấp nước đầu tư vì nhiệm vụ chính trị, vì an sinh xã hội, không có lợi nhuận nhưng vẫn phải đầu tư. Hiện nay, vùng nông thôn dân cư tự phát không theo quy hoạch, trong khi hoạt động cấp nước phải theo quy hoạch. Vì vậy, 2 vấn đề này vênh nhau, công ty cấp nước không thể kéo bao phủ hết tuyến ống cấp đến các vùng dân cư thưa thớt, vùng sâu vùng xa, hải đảo nên cần quy hoạch dân cư chuẩn để quy hoạch cấp nước chuẩn theo.

Để thấy rõ sự cần thiết ban hành Luật Cấp, thoát nước, Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước do Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) đề xuất đã đánh giá cụ thể việc thực thi pháp luật lĩnh vực cấp, thoát nước trong thời gian qua về những kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân. Nhìn chung, phát triển cấp nước đô thị đã đầu tư được hệ thống các nhà máy nước cùng với mạng đường ống cấp nước cơ bản phủ kín khu vực đô thị, khu công nghiệp và khu vực nông thôn phụ cận cơ bản đáp ứng chất lượng dịch vụ tốt, ổn định; trong khi khu vực nông thôn, đầu tư manh mún, nhỏ lẻ với chất lượng đầu tư, chất lượng dịch vụ không đồng đều.

Dự thảo Luật Cấp, thoát nước: Gấp rút hoàn thiện trình Quốc hội
Trong khi nguồn nước mặt đang ngày càng ô nhiễm thì nước ngầm đang dần cạn kiệt.

Đối với lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải, khối lượng đầu tư công trình thu gom, xử lý nước thải quá thấp chỉ đạt khoảng 15% so với nhu cầu; tình trạng ngập úng trong điều kiện khí hậu cực đoan diễn ra ngày càng nặng nề.

Có thể thấy, xây dựng Luật Cấp, thoát nước là một trong những nhiệm vụ hoàn thiện, đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành; làm công cụ quản lý, phát triển cấp, thoát nước từ chiến lược, quy hoạch, đầu tư xây dựng đến khai thác vận hành nhằm cung cấp nước sạch ổn định, bền vững, bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ sức khỏe con người, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế. Qua đó, tăng cường quản lý, đáp ứng khả năng tiếp cận hiệu quả quản lý nhà nước về cấp thoát nước và bảo đảm quyền được tiếp cận nguồn nước sạch của người dân, quyền xả thải có kiểm soát.

Vừa qua, ngày 22/3/2024, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường vừa có báo cáo tham gia thẩm tra đề nghị đưa dự án Luật Cấp, thoát nước vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Báo cáo gửi Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội.

Theo đó, thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trên cơ sở nghiên cứu Tờ trình số 82/TTr-CP ngày 05/3/2024 của Chính phủ (gọi tắt là Tờ trình), Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường có ý kiến như sau: Nhất trí tán thành với sự cần thiết đề nghị đưa dự án Luật Cấp, thoát nước vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 với các lý do như trong Tờ trình số 59/TTr-BXD, ngày 26/12/2023 của Bộ Xây dựng trình Chính phủ và đề cập trong Tờ trình số 52/TTr-CP, ngày 06/3/2024 của Chính phủ trình Quốc hội. Việc đưa dự án Luật vào Chương trình là cụ thể hóa chủ trương, định hướng của Đảng đã được đề cập trong Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Kế hoạch số 11-KH/TW ngày 28/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW; Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị; khắc phục tồn tại trong thực tế quản lý về cấp, thoát nước và đáp ứng yêu cầu về hội nhập quốc tế.

Việc ban hành Luật Cấp, thoát nước còn góp phần hoàn thiện, tạo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật về nước mà Luật Tài nguyên nước, Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Thủy lợi… hiện đang có điểm “chờ”, dẫn chiếu sang pháp luật về cấp, thoát nước; khắc phục những tồn tại, bất cập lĩnh vực cấp, thoát nước do đang được quản lý ở tầm văn bản dưới luật, tạo sự đồng bộ, tương thích trong hệ thống pháp luật về nước; bảo đảm an ninh nguồn nước cho lĩnh vực thiết yếu về sinh hoạt và sản xuất.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đánh giá, hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Cấp, thoát nước được chuẩn bị khá công phu, đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Điều 37 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Qua rà soát, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đánh giá, các chính sách được đề nghị trong hồ sơ đề nghị dự án Luật về cơ bản phù hợp với quy định của luật hiện hành có liên quan và có tính khả thi.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, ngay sau khi Hồ sơ Dự án Luật Cấp, thoát nước trình Chính phủ để đề nghị đưa vào Chương trình Xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2025, Bộ Xây dựng đã tích cực, khẩn trương thực hiện Kế hoạch số 114/QĐ-BXD, ngày 19/02/2024 về nghiên cứu xây dựng dự án Luật Cấp, thoát nước.

Dự án Luật Cấp, thoát nước đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào dự kiến chương trình xây dựng Luật năm 2025.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích