Du lịch xanh, thông minh và khác biệt

(Xây dựng) – Sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, các hoạt động kích cầu, hợp tác phát triển du lịch của thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) hiện đã sôi động trở lại. Ngành “công nghiệp không khói” ngày càng khởi sắc, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tác động sâu sắc tới nhiều lĩnh vực kinh tế khác của thị xã Sa Pa. Với mục tiêu phát triển du lịch bền vững, Sa Pa đang chú trọng xây dựng một ngành du lịch xanh, thông minh và khác biệt.

Du lịch xanh, thông minh và khác biệt
Ruộng bậc thang Sa Pa nằm trong Top 7 ruộng bậc thang kỳ vỹ nhất thế giới.

Phục hồi mạnh mẽ

Trong những năm qua, ngành Du lịch Sa Pa đã có những bước phát triển mạnh mẽ, thể hiện rõ rệt qua lượng khách du lịch tăng đều theo thời gian. Nếu năm 2011, Sa Pa mới đón 521.000 khách du lịch, thì đến năm 2016 đã tăng lên hơn 1,5 triệu lượt khách. Lượng khách tiếp tục tăng lên gần 3,3 triệu lượt vào năm 2019 – con số này gấp 50 lần dân số Sa Pa khi đó. Khách du lịch đến Sa Pa giảm sâu trong năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng đã phục hồi mạnh mẽ vào năm 2022.

Theo thống kê, trong năm 2022, lượng khách đến tham quan trên địa bàn thị xã Sa Pa ước đạt hơn 2,5 triệu lượt, đạt 101 % so với kế hoạch được giao, tăng hơn 1,9 triệu lượt so với năm 2021. Trong đó, lũy kế khách quốc tế đạt hơn 82 nghìn lượt, khách nội địa hơn 2,4 triệu lượt. Tổng doanh thu dịch vụ du lịch ước đạt 7.441 tỷ, đạt 104 % so với kế hoạch giao, tăng 5.509 tỷ so với năm 2021.

Trong năm 2023, tính đến ngày 15/6/2023, lượng khách đến tham quan trên địa bàn ước đạt hơn 1,5 triệu lượt, tăng hơn 950 nghìn lượt so với cùng kỳ năm 2022, đạt hơn 45 % kế hoạch năm, đạt hơn 27 % so với kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, lũy kế khách quốc tế đạt hơn 111 nghìn lượt, khách nội địa hơn 1,4 triệu lượt. Doanh thu từ dịch vụ du lịch đến ngày 15/6/2023 ước đạt hơn 5.400 tỷ, tăng 3.702 tỷ so với cùng kỳ năm 2022.

Bà Hoàng Thị Vượng – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin thị xã Sa Pa cho biết: Thế mạnh của du lịch Sa Pa đến thời điểm này là du lịch cảnh quan và du lịch văn hóa. Hiện Sa Pa có 1.286 cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ trên địa bàn. Trong đó, dịch vụ lưu trú có 766 cơ sở (355 cơ sở homestay), với trên 8.000 phòng, trên 14.000 giường, đảm bảo sức chứa từ 20.000 đến gần 40.000 lượt khách/đêm. Trong đó, có 2 khách sạn 5 sao; 6 khách sạn 4 sao; 11 khách sạn 3 sao, còn lại là khách sạn từ tiêu chuẩn 2 sao trở xuống và nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn. Sa Pa có 283 cơ sở dịch vụ ăn, uống với 18.507 chỗ ngồi. Tổng số lao động trong lĩnh vực du lịch là 4.654 lao động.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Lào Cai Hà Văn Thắng, Lào Cai nói chung và Sa Pa nói riêng luôn thể hiện sự sáng tạo trong việc phát huy nguồn tài nguyên nổi trội để làm du lịch. Nguồn tài nguyên này gồm tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn. Lào Cai xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, ngành kinh tế đột phá. Do đó, những năm qua, cơ sở hạ tầng phát triển du lịch của Sa Pa được đầu tư khá tốt. Ách tắc, tai nạn giao thông được giảm thiểu; ý thức người dân trong bảo vệ cảnh quan thiên nhiên đã tốt hơn; trách nhiệm nhà đầu tư đối với việc bảo tồn cảnh quan thiên nhiên được nâng tầm; các di tích văn hóa được đầu tư tôn tạo; nhiều trạm ngắm cảnh, “check in” được xây dựng; việc xâm lấn ruộng bậc thang được giảm thiểu. Lượng khách du lịch đến Lào Cai và Sa Pa không ngừng tăng lên, cho thấy sự phục hồi đáng kể sau dịch Covid -19.

Du lịch xanh, thông minh và khác biệt
Ông Hà Văn Thắng – Giám đốc Sở Du lịch Lào Cai trao đổi cùng đoàn văn nghệ dân tộc Dao đỏ Sa Pa.

Để thu hút khách du lịch đến Sa Pa, Giám đốc Sở Du lịch Lào Cai Hà Văn Thắng cho biết, bên cạnh việc tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển du lịch, Sa Pa cũng rất quan tâm phát triển các sản phẩm du lịch mới, lạ, có thể kể đến như: Lưu trú trên cây, trượt thác, chinh phục các đỉnh cao, chèo thuyền kayak, du lịch chợ phiên, các show diễn nghệ thuật văn hóa, lễ hội khèn hoa, lễ hội tình yêu và hoa hồng, lễ hội đua ngựa Bắc Hà, lễ hội “vó ngựa trên mây” ở Sa Pa… Hàng năm, các địa phương đã tổ chức trên 40 lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, tạo được ấn tượng tốt đẹp với du khách trong và ngoài nước.

Phát triển du lịch bền vững, khác biệt

Với những kết quả đạt được trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, trong thời gian tới, thị xã Sa Pa xác định tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch, đặc biệt là khai thác tiềm năng du lịch của từng vùng. Tăng cường xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá du lịch Sa Pa. Phấn đấu năm 2023, thị xã thu hút được 3,5 triệu lượt khách du lịch, đạt doanh thu trên 12.000 tỷ; đến năm 2025, thu hút 5,8 triệu lượt khách, đạt doanh thu 27.800 tỷ. Đồng thời, tiến hành cải tạo, chỉnh trang tổng thể khu vực đô thị hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm du lịch Sa Pa trong tháng 9/2023.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, trong 6 tháng cuối năm 2023, Sa Pa sẽ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến du lịch như: Hội thảo khoa học quốc tế “Sa Pa hành trình từ trạm nghỉ dưỡng đến Khu du lịch quốc gia”; ban hành Kế hoạch tổ chức Festival Yoga Quốc tế kết hợp sản phẩm du lịch “Chữa lành”. Đồng thời, tổ chức trại sáng tác văn học và nghệ thuật kỷ niệm 120 năm du lịch Sa Pa; xây dựng phương án đầu tư, nâng cấp tuyến leo núi Ngũ Chỉ Sơn; xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận di tích cấp tỉnh đối với đỉnh Ngũ Chỉ Sơn; lập hồ sơ đề nghị công nhận các danh hiệu du lịch đạt chuẩn ASEAN…

Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin thị xã Sa Pa Hoàng Thị Vượng cho biết: Thời gian tới, Sa Pa sẽ tập trung đầu tư, hoàn thiện hạ tầng thiết yếu phục vụ du lịch. Đặc biệt là bãi đỗ xe; nhà vệ sinh công cộng; hạ tầng viễn thông, điện, nước, dịch vụ tài chính phục vụ khách du lịch; cải thiện, nâng cấp dịch vụ vệ sinh môi trường. Đầu tư hệ thống đường giao thông kết nối khu du lịch Sa Pa với các địa phương trong tỉnh; mở mới đường lên đỉnh núi Cô Tiên. Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và các dịch vụ hỗ trợ phục vụ phát triển du lịch đạt chuẩn các tiêu chí ASEAN. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án lớn: Công viên văn hóa Mường Hoa; Công viên văn hóa Sa Pa; Khu quần thể du lịch, vui chơi giải trí ga đi Cáp treo; Dự án du lịch sinh thái Biển Mây Bát Xát…

“Bắt đầu từ giai đoạn này, thị xã Sa Pa sẽ nói “không” với các cơ sở du lịch có quy mô nhỏ. Với các dự án đầu tư mới, thị xã sẽ tập trung chào đón các cơ sở từ 4 sao trở lên, quy mô từ 400 lượt khách/đêm, hướng tới đối tượng khách có khả năng chi trả cao. Quan trọng hơn, điều này giúp tạo ra Sa Pa như một điểm đến có chất lượng thay vì số lượng” – bà Hoàng Thị Vượng cho biết.

Bên cạnh đó, Sa Pa sẽ chú trọng tạo ra các sản phẩm du lịch khác biệt để phục vụ du khách. Hiện nay, khu trung tâm thị xã Sa Pa khá chật chội, cần mở rộng phát triển các nhóm dịch vụ du lịch có chất lượng ra cộng đồng. Việc này giúp tạo ra sinh kế bền vững cho bà con các dân tộc nơi đây; tạo môi trường để người dân mở rộng giao tiếp với khách du lịch, từ đó nâng cao nhận thức, mở rộng hợp tác, giao lưu văn hóa với du khách. Theo đó, Sa Pa sẽ ưu tiên xây dựng 5 điểm du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, đạt tiêu chuẩn ASEAN. Trong đó, các giá trị về văn hóa sẽ được khai thác tối đa như ẩm thực, trang phục, nghệ thuật biểu diễn, không gian văn hóa, kiến trúc văn hóa và các nghề truyền thống. Để khách du lịch có nhiều trải nghiệm, không cảm thấy nhàm chán khi lưu trú dài ngày tại Sa Pa.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Lào Cai Hà Văn Thắng, Lào Cai nói chung và Sa Pa nói riêng cần hướng tới sự phát triển bền vững. Muốn vậy, phải đạt các chuẩn du lịch quốc tế, du lịch xanh, du lịch ASEAN. Sa Pa cũng như Lào Cai phải giữ được màu xanh của rừng, của núi, giữ và phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống. Không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách. Khuyến khích thu hút các nhà đầu tư có chất lượng để xây dựng các cơ sở lưu trú đẳng cấp, đạt tiêu chuẩn quốc tế. “Chiến lược phát triển du lịch của Sa Pa là phát triển du lịch xanh, thông minh và khác biệt. Muốn vậy phải ứng dụng công nghệ thông tin, phải giữ được nét “xanh” từ văn hóa đến môi trường sống, tạo ra những cảm xúc khác biệt cho du khách” – ông Hà Văn Thắng nhấn mạnh.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích