Du lịch tâm linh – không thể không đến Tây Ninh Tết này
(Xây dựng) – Từ một vùng đất thiêng thưa vắng bóng người, Tây Ninh đã trở thành điểm đến hàng đầu Đông Nam Bộ nhờ sản phẩm du lịch văn hoá tâm linh đặc sắc. Mỗi dịp Tết đến xuân về, những điểm đến tâm linh hàng đầu như Núi Bà Đen lại nô nức du khách trẩy hội xuân, chiêm bái cầu an.
Tây Ninh – vùng đất của tín ngưỡng
Có đến 5 tôn giáo chính và gần 70% người dân có tôn giáo, Tây Ninh được xem là vùng đất của tín ngưỡng mà bạn phải ghé đến ít nhất một lần trong đời. Đặc biệt, đối với các Phật tử thập phương, núi Bà Đen chính là nơi hội tụ linh khí đất trời với những truyền thuyết linh thiêng về Linh Sơn Thánh Mẫu.
Chùa Bà linh thiêng nằm trên lưng chừng núi Bà Đen. |
Nhiều nhà nghiên cứu nhận định Núi Bà Đen là nơi phát tích của tục thờ Thánh Mẫu trong cộng đồng cư dân Nam Bộ. Còn với người dân bản xứ, Chùa Bà với 300 năm tuổi gắn liền với những huyền tích về Bà Đen là ngôi chùa vô cùng linh thiêng, luôn đem lại sức khỏe và bình an cho bá tánh, là trái tim, điểm tựa tâm linh vững chãi. Diễn ra từ ngày Mùng 4 đến 16 tháng Giêng âm lịch, Lễ hội Xuân núi Bà Đen là lễ hội lớn nhất và quan trọng nhất đối với người Tây Ninh, thu hút hàng triệu lượt khách, Phật tử bốn phương.
Chị Thái Hoà (45 tuổi, TP.HCM) chia sẻ: “Mấy năm gần đây, hầu như Tết năm nào gia đình tôi cũng về Núi Bà Đen để cầu nguyện bái Bà và tham dự hội Xuân Núi Bà Đen. Đầu năm, được đứng trên “nóc nhà Nam Bộ” phóng tầm mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp chốn bồng lai tiên cảnh và chiêm bái trong cõi hư hư thực thực, đấy là một cảm giác rất tuyệt vời”.
Kiến trúc nguy nga của Toà Thánh Tây Ninh. |
Không chỉ nổi tiếng với Núi Bà, Tây Ninh còn được gọi là vùng đất thánh bởi nơi đây được xem là khởi nguồn của đạo Cao Đài tại Việt Nam, với công trình mang tính biểu tượng – Toà Thánh Cao Đài. Được xây dựng từ hơn 100 năm trước, Tòa Thánh Cao Đài là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, nguy nga tráng lệ, hòa quyện giữa kiến trúc Châu Âu và Châu Á, và cũng là một công trình gần như không chịu ảnh hưởng của thời gian. Bởi cho đến nay, sau hơn 100 năm, từng nét kiến trúc của công trình vẫn còn đó một vẻ đẹp bất biến.
Hàng năm Tòa Thánh Tây Ninh đón hàng ngàn du khách, đặc biệt vào hai ngày Đại lễ vía Đức Chí Tôn và Hội yến Diêu trì cung. Cùng với quần thể Chùa Bà, thánh thất Cao Đài tại Tây Ninh đã trở thành điểm nhấn du lịch, điểm đến tâm linh hàng đầu Nam Bộ cho đến ngày nay.
Khai thác du lịch nhờ văn hoá tâm linh
Núi Bà Đen và Toà Thánh đã là biểu tượng văn hoá tâm linh của Tây Ninh từ hàng thế kỷ, nhưng nó vẫn chỉ là mạch nguồn âm ỷ chảy trong nếp sống, nếp sinh hoạt tâm linh của người Nam bộ. Kể từ năm 2020, khi tập đoàn Sun Group khánh thành một quần thể tâm linh kỳ vĩ và quy mô trên đỉnh Bà Đen, văn hoá tâm linh đã thực sự trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng hút hàng triệu du khách đến với Tây Ninh mỗi năm, đưa Tây Ninh thành một trong số ít điểm đến hấp dẫn nhất và đông khách nhất khu vực Nam bộ.
Không gian đậm sắc xuân trên đỉnh núi Bà Đen dịp Tết này. |
Năm 2019, lượng khách đến với Tây Ninh chỉ đạt hơn 2 triệu người, thì năm 2022 Tây Ninh đã đón 4,5 triệu lượt khách, với doanh thu 1,400 tỷ đồng. Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán 2022, Tây Ninh dẫn đầu cả nước về lượng khách, vượt xa các điểm đến vốn rất nổi tiếng như Quảng Ninh, Phú Quốc, Đà Nẵng.
Giờ đây, hành trình đến khu du lịch núi Bà Đen không chỉ là đến với chùa Bà để cầu lộc, cầu an, mà còn là hành trình thỏa mãn khát khao chinh phục ngọn núi cao nhất Nam Bộ, trải nghiệm và khám phá nét văn hóa bản địa đặc sắc của vùng đồng bằng trù phú. Tại đây, các chương trình nghệ thuật quy mô được Sun World Ba Den Mountain tổ chức còn giúp du khách hòa mình vào những phong tục độc đáo của tín ngưỡng thờ Mẫu, tín ngưỡng Phật giáo, và cả những nét văn hoá đặc trưng của người Khmer trong các điệu múa trống Chhay-dăm, nhạc ngũ âm…
Chương trình nghệ thuật đặc sắc tại Lễ hội Xuân núi Bà Đen năm 2023. |
Lễ Hội Xuân núi Bà Đen giờ đây đã trở thành một lễ hội hoành tráng và có quy mô lớn với rất nhiều hoạt động văn hoá nghệ thuật đặc sắc được tổ chức xuyên suốt tháng Giêng. Riêng ngày Khai mạc Lễ hội (diễn ra vào Mùng 4 Tết) năm nay, tại đây tổ chức một chương trình nghệ thuật hoàng tráng với sự góp mặt của nhiều nghệ sỹ tên tuổi với các các màn trình diễn nghệ thuật cổ truyền như hát dân ca, múa mâm vàng, trống Xà Dăm, múa Tây Ninh… cùng rất nhiều điệu nhảy sôi động, các màn rap trẻ trung.
Đặc biệt, năm nay du khách còn có thể lên chiêm bái Núi Bà cả ngày lẫn đêm khi cáp treo lên đỉnh núi Bà mở cửa từ 5h sáng đến 22h hàng ngày, và quần thể các chùa Núi Bà sẽ mở cửa 22 tiếng mỗi ngày.
Anh Nguyễn Văn Thuỳ (thành phố Tây Ninh) cho biết: “Tôi đang rất háo hức đợi được lên đỉnh Núi Bà vào đêm mùng 4 Tết vừa để cầu nguyện cho năm mới, vừa được ngắm pháo hoa từ trên đỉnh núi. Đây chắc chắn là một tầm view cực đỉnh và rất ý nghĩa trong ngày đầu xuân năm mới”.
Núi Bà Đen thắp sáng trong đêm sẽ là nơi ngắm pháo hoa lý tưởng trong dịp Lễ hội Xuân năm nay. |
Bên cạnh đầu tư cho các hoạt động tín ngưỡng và lễ hội, khu du lịch núi Bà Đen còn liên tục đầu tư nhiều hạng mục mới để mở rộng trải nghiệm và nâng tầm khu du lịch. Chỉ trong những ngày đầu năm 2023, hai hạng mục mới nhất cũng đã được ra mắt để phục vụ du khách dịp Tết. Đó là tuyến cáp treo Tâm An nối thẳng từ chùa Bà lên đỉnh núi có độ dốc lớn hàng đầu thế giới, và cụm Cột kinh bằng đá đá granite đen kim sa, điêu khắc tâm kinh Bát Nhã bằng chữ Tây Tạng nằm ngay trung tâm của quần thể tâm linh trên đỉnh Núi.
Với cách lan toả vẻ đẹp của văn hoá Phật giáo vào trải nghiệm du lịch tâm linh từ không gian cảnh quan, trải nghiệm văn hoá nghệ thuật đậm bản sắc truyền thống cho đến cách làm dịch vụ ngày càng chuyên nghiệp và nâng tầm, Tây Ninh đang dần trở thành một hình mẫu cho việc đưa văn hoá tâm linh thành một sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt./.
Nguồn: Báo xây dựng