Du lịch Ninh Bình: Hướng đến phục hồi bền vững sau đại dịch Covid-19

(TN&MT) – Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi tận gốc rễ xu hướng du lịch toàn cầu, buộc ngành du lịch phải tìm cách “sống chung với dịch” và “chủ động thích ứng trong trạng thái bình thường mới”. Trong bối cảnh đó, tỉnh Ninh Bình đang thúc đẩy mạnh mẽ việc đổi mới, tái cấu trúc và vận hành giúp du lịch phục hồi trở lại, chờ đón cơ hội “cất cánh” khi đại dịch Covid-19 đi qua.

Bão Covid-19 “tàn phá” ngành du lịch

Đại dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp từ đầu năm 2020 đến nay, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế – xã hội, trong đó ngành Du lịch, dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhiều doanh nghiệp du lịch “đóng băng” không thể duy trì hoạt động do cạn kiệt nguồn lực, một số doanh nghiệp lữ hành phải giải thể. Một số cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú vẫn gắng gượng duy trì hoạt động đón khách nhưng hiệu quả không cao, lượng khách và doanh thu toàn ngành thấp.

Chưa bao giờ ngành “công nghiệp không khói” lại đứng trước khó khăn và thách thức lớn đến vậy. Các hoạt động du lịch đã tạm ngừng để tập trung phục vụ công tác phòng, chống dịch. Điều này làm cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch phải gồng mình để chống chọi với tình trạng tài chính bị thâm hụt, hàng chục nghìn lao động ngành Du lịch bị mất việc hoặc cắt giảm ngày công, lực lượng lao động bị “thất thoát” do chuyển đổi sang các ngành nghề khác.

Từ ngày 1.12.2021, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình sẽ mở cửa đón khách nội địa. Ảnh: NT

Theo thống kê của Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, hiện nay, nhiều doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động. Ước tỉnh có khoảng 8.600 lao động/tổng số 14.500 lao động toàn ngành, chiếm 59,3% bị ngừng hoặc giãn công việc.

Cùng với đó, có khoảng 450/690 cơ sở lưu trú đóng cửa, với 2.500/3.800 lao động trong cơ sở lưu trú (bằng 65,7%) tạm thời không có việc làm; một số cơ sở lưu trú duy trì 100% nhân lực làm việc nhưng giảm số ngày công lao động, còn khoảng 1/3 – 1/2 tổng số ngày công.

Ngoài ra, toàn tỉnh có 16 doanh nghiệp lữ hành (trong đó có 3 lữ hành quốc tế) thì hơn một năm qua ước tính 90% số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành đóng cửa, dừng hoạt động và đây là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do thực trạng hủy tour hàng loạt và yêu cầu hoàn tiền của khách du lịch. Trong đó, từ đầu năm 2020 trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 3 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành làm thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Để phục hồi bền vững

Bức tranh phác họa về ảnh hưởng của cơn bão dịch COVID-19 đối với ngành Du lịch trong 2 năm qua mặc dù khá ảm đạm, song nhiều chuyên gia cho rằng “du lịch là ngành chịu ảnh hưởng đầu tiên nhưng cũng sẽ là ngành có sức phục hồi mạnh mẽ nhất”.

Từ đầu tháng 9/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành kế hoạch triển khai các chính sách, biện pháp kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành, trước mắt chỉ tập trung cho thị trường khách nội địa nhằm thực hiện “mục tiêu kép”. Việc khởi động lại các hoạt động du lịch có ý nghĩa quan trọng, nhất là đối với các doanh nghiệp, nhằm từng bước vượt qua khó khăn trong điều kiện bình thường mới.

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch, Sở Du lịch cho biết, với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, thời gian qua Ninh Bình đã phát triển nhiều loại hình du lịch, trong đó du lịch trải nghiệm gắn với giáo dục bảo vệ thiên nhiên được chú trọng phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn này tại các điểm du lịch như Vườn Quốc gia Cúc Phương, Khu du lịch sinh thái Vân Long, Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình, Thung Nham…

Ngành du lịch Ninh Bình đặt mục tiêu đón 10.000 lượt khách trong Qúy IV năm 2021. Ảnh: NT

Tiêu biểu như Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ – Vườn Quốc gia Cúc Phương cũng đang mở rộng các dịch vụ, đưa vào khai thác nhiều sản phẩm mới như các tour “Về nhà”, “Khám phá kỳ quan hang động, hệ karst độc đáo”, “Quan sát linh trưởng quý hiếm”, lễ hội đom đóm, lễ hội bướm… Các hoạt động du lịch trải nghiệm, giáo dục bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã ở đây đã trở thành một sản phẩm không thể thiếu trong các tour du lịch của du khách khi đến Ninh Bình.

Việc xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn và độc đáo đang được ngành Du lịch Ninh Bình kỳ vọng là giải pháp bứt phá để “hút khách”, nhất là trong giai đoạn vừa khai thác du lịch, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, vấn đề các doanh nghiệp quan tâm lúc này là làm sao để việc khôi phục hoạt động du lịch phải mang tính bền vững?

Cần hướng đến “du lịch an toàn”

Có thể nói, việc mở cửa du lịch sẽ giúp lan tỏa, kích thích phục hồi lại các ngành nghề khác trong nền kinh tế. Tuy nhiên, việc phục hồi du lịch như thế nào cần phải có lộ trình phù hợp, an toàn đến đâu, mở đến đó và phải có các tiêu chí chung để đảm bảo an toàn cho cả du khách và doanh nghiệp.

Theo thống kê của các cơ quan chuyên môn, tính đến thời điểm này, Ninh Bình không chỉ là một trong những tỉnh vùng xanh mà còn thuộc nhóm đứng đầu cả nước về độ bao phủ vắc xin cho người dân. Những nỗ lực để đạt miễn dịch cộng đồng là tiền đề quan trọng để Ninh Bình triển khai mạnh mẽ các kế hoạch phục hồi du lịch.

Mặc dù vậy, theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn nguy cơ khó lường, buộc ngành Du lịch phải nghiên cứu các giải pháp phục hồi du lịch một cách thấu đáo, phù hợp. Trong đó, yếu tố an toàn phải đặt lên hàng đầu, từ an toàn ở tuyến điểm, an toàn trong chuỗi dịch vụ, an toàn trong tổ chức, điều hành tour và trong cả công tác kiểm soát.

Ông Hoàng Bình Minh, Chi hội trưởng Chi hội Lữ hành, Hiệp hội Du lịch Ninh Bình cho rằng, việc mở cửa trở lại lúc này là rất cần thiết nhưng không phải nhiệm vụ cấp bách nên phải có những tiêu chí rõ ràng, quy định chặt chẽ, đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu. Chính vì vậy, trước khi mở cửa phục hồi du lịch trong trạng thái bình thường mới cần có quy định và tiêu chí rõ ràng như: khi xảy ra các tình huống xấu nhất là có ca F0 trong đoàn ai là người chịu trách nhiệm chi trả kinh phí khi cách ly? các công ty bảo hiểm có tham gia vào vấn đề này không?

Bên cạnh đó, điều các doanh nghiệp lữ hành quan tâm hiện nay là các tỉnh, thành phố cần làm rõ các tiêu chí cho phép đưa, đón khách, khoanh vùng xanh, vùng đỏ. Đặc biệt, cần lập bản đồ vùng an toàn cho du lịch để các đơn vị thuận tiện trong việc đưa khách, xây dựng tour khép kín và có chính sách kiểm soát tour phù hợp với tình hình, diễn biến dịch của các địa phương.

Với mục tiêu phục hồi an toàn, bền vững ngành Du lịch, tỉnh Ninh Bình đã đề ra lộ trình cụ thể, chi tiết để thực hiện. Theo đó, quý IV năm 2021, toàn tỉnh phấn đấu đón 10.000 lượt khách du lịch trong tỉnh Ninh Bình, đồng thời tổ chức thí điểm đón khách du lịch nội địa đến từ các tỉnh ngoài. Năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu đón 3,5 triệu lượt khách du lịch, doanh thu du lịch ước đạt 2.000 tỷ đồng.
Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Ninh Bình đã xây dựng phương án đón khách du lịch những tháng cuối năm 2021. Dự kiến các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh mở cửa đón và khách du lịch từ ngày 15/11 đến hết ngày 30/11/2021 và chỉ đón khách du lịch trong tỉnh với chủ đề “Người Ninh Bình đi du lịch Ninh Bình”.
Từ ngày 1/12 đến hết ngày 31/12/2021, bên cạnh tiếp tục đón khách du lịch trong tỉnh, sẽ tổ chức thí điểm đón khách du lịch ngoài tỉnh thông qua chương trình du lịch khép kín, an toàn do các doanh nghiệp du lịch tổ chức. Ngành Du lịch cũng sẽ lựa chọn, cho phép một số công ty lữ hành tổ chức chương trình du lịch an toàn, khép kín từ Hà Nội đến Ninh Bình để đánh giá mức độ an toàn du lịch trước khi mở cửa đón khách du lịch ngoài tỉnh.

Bạn cũng có thể thích