Du lịch Đồng Tháp nhanh chóng hồi phục

(Xây dựng) – Năm 2022, hậu Covid-19 nhưng ngành Du lịch Đồng Tháp đã nhiều nỗ lực quyết tâm vượt qua thách thức tổ chức nhiều hoạt động sự kiện lễ hội, tham gia xúc tiến quảng bá du lịch “Đất Sen Hồng” đến mọi miền đất nước, để mời gọi du khách đến Đồng Tháp tham quan, khám phá trải nghiệm… Kết quả năm qua, Đồng Tháp thu hút khoảng 3,4 triệu lượt khách đạt 113,33% kế hoạch năm, tăng 128,56% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng thu 1.500 tỷ đồng, đạt 150% kế hoạch năm, tăng 165,78% so với cùng kỳ năm 2021.

Du lịch Đồng Tháp nhanh chóng hồi phục
Cánh đồng hoa Hoàng đầu ấn.

Nhằm thích ứng với “trạng thái bình thường mới”, ngay sau hậu Covid-19, ngành Du lịch Đồng Tháp triển khai nhiều giải pháp như: Xây dựng Chương trình phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, chủ đề “Du lịch an toàn – Trải nghiệm trọn vẹn”. Theo đó, ngành Du lịch Đồng Tháp tích cực triển khai thực hiện tổ chức lại các hoạt động đón tiếp và phục vụ khách du lịch, đảm bảo các điều kiện an toàn phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định, với phương châm “An toàn mới mở cửa – Mở cửa phải an toàn”. Huy động sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch nhằm xây dựng các chương trình du lịch đặc sắc, hấp dẫn thu hút được du khách. Phát huy liên kết hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long với phương châm “Liên kết – Hành động – Phát triển”. Chương trình nhằm phục hồi hoạt động du lịch theo lộ trình từ thị trường khách nội tỉnh, khách vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh, đến khách trong nước, từng bước khôi phục lại hoạt động du lịch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong năm 2022, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch của du khách và người dân.

Du lịch Đồng Tháp nhanh chóng hồi phục
Tham quan khám phá Vườn quốc gia Tràm Chim.

Các điểm đến, tham quan, vui chơi sẵn sàng mở cửa trở lại. Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Khu di tích Xẻo Quít, Khu Di tích Gò Tháp, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, Khu du lịch Tràm Chim, Khu du lịch Văn hóa Phương Nam; các điểm du lịch cộng đồng ở Làng hoa Sa Đéc (Điểm du lịch cánh đồng Hoa Hồng, Điểm du lịch Vườn hồng Tư Tôn, Điểm du lịch Khu vui chơi giải trí miệt vườn Happy Land – Hùng Thy, Điểm du lịch Sa nhiên Garden, Điểm du lịch Hoa kiểng Sa Đéc, Điểm du lịch Vườn Kiểng Ngọc Lan, Điểm du lịch Hương Quê, Điểm dừng chân Cánh đồng Hoa Hồng, Homestay Flower & Fog Hùng Trang, Homestay Phong Levent); khởi động vận hành các cơ sở lưu trú du lịch có xếp hạng sao, Việt Mê Kông Farmstay, Farmstay Ao Nhà… đã thu hút khá đông khách đến tham quan trải nghiệm.

Du lịch Đồng Tháp nhanh chóng hồi phục
Làng hoa Sa Đéc.

Song song đó, Đồng Tháp tổ chức nhiều sự kiện lễ hội văn hóa, du lịch thường niên như: Lễ giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Lễ giỗ Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều, Lễ giỗ Ông, Bà Đỗ Công Tường và các hoạt động của Diễn đàn kết nối du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long, Lễ hội hoa Sa Đéc, đặc biệt Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ I-2022 đã thu hút đông du khách.

Bà Võ Thị Tuyết Ngoa -Trưởng phòng Quản lý du lịch-Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp cho rằng: “Việc tổ chức thành công Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ I năm 2022 đã quảng bá thương hiệu du lịch “Đất Sen Hồng” Đồng Tháp lan tỏa mạnh mẽ. Góp phần vào khôi phục các hoạt động du lịch, kích thích nhu cầu đi du lịch của người dân sau thời gian dài đóng băng do đại dịch Covid-19”.

Với kết quả khả quan năm 2022, Đồng Tháp đón khoảng 3,4 triệu lượt khách đạt 113,33% kế hoạch năm, tăng 128,56% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng thu 1.500 tỷ đồng, đạt 150% kế hoạch năm, tăng 165,78% so với cùng kỳ năm 2021. So với năm 2020, với tổng lượt khách chỉ đạt hơn 2,7 triệu lượt; tổng thu du lịch thực hiện năm 2020 đạt hơn 840 tỷ đồng, cho thấy tình hình Du lịch Đồng Tháp đã được cải thiện đáng kể và nhanh chóng phục hồi.

Với tín hiệu lạc quan ngành Du lịch đang phục hồi mạnh mẽ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp tự tin đề ra kế hoạch năm 2023: “Phấn đấu thu hút 3.600.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, trong đó có 50.000 khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch đạt 1.600 tỷ đồng”.

Để đạt mục tiêu này, ngành Du lịch Đồng Tháp sẽ nỗ lực tập trung khai thác hiệu quả lợi thế về sản phẩm đặc trưng, thị trường khách nội địa, khách quốc tế. Thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển du lịch góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, hình ảnh địa phương, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp của vùng đất “Sen Hồng”; Tập trung phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch trang trại, thân thiện với môi trường, gia tăng trải nghiệm cho khách. Hình thành các tour, tuyến du lịch mới nội tỉnh, liên tỉnh; các mô hình kinh tế mới trong lĩnh vực du lịch; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch; Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch trong giai đoạn mới; Mời gọi đầu tư phát triển các công trình dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, hoạt động trải nghiệm phù hợp tại các khu di tích, điểm du lịch, đặc biệt là các hoạt động giải trí về đêm; trung tâm tổ chức hội nghị, triển lãm, giải trí hiện đại tại thành phố Cao Lãnh, thành phố Sa Đéc và khu vực động lực phát triển du lịch…

Phát triển sản phẩm du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng; du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP kết hợp trải nghiệm làng nghề; du lịch văn hóa lịch sử (Đình làng – Nhà cổ) kết hợp Lễ hội; du lịch ẩm thực Sen – sự kiện/MICE kết hợp mua sắm. Tiếp tục củng cố, nâng cấp chất lượng các Chương trình du lịch trải nghiệm mùa nước nổi tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, Chương trình du lịch trải nghiệm một ngày làm nông dân ở Xẻo Quít, Chương trình du lịch trải nghiệm mỗi ngày một nghề tại thành phố Sa Đéc, Chương trình du lịch đi trong màu xanh của vườn trái cây đặc sản như Quýt hồng Lai Vung, Xoài Cao Lãnh, Nhãn Châu Thành; Triển khai dự án Làng văn hóa du lịch Sa Đéc sau khi được phê duyệt và xây dựng Làng văn hóa du lịch Sen Tháp Mười gắn với phát triền ngành hàng Sen.

Phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khai thác tuyến du lịch mới Sắc màu vùng biên (Thành phố Hồ Chí Minh – Long An – Đồng Tháp – An Giang – Kiên Giang). Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An và Tiền Giang tiếp tục hoàn thiện Chương trình du lịch “Hành trình ba địa phương một điểm đến” nhằm gia tăng tính hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Phối hợp với An Giang phát triển tuyến du lịch văn hóa tâm linh, văn hóa lịch sử…

Với những nỗ lực quyết tâm, tin rằng ngành Du lịch Đồng Tháp sẽ lấy lại đà tăng trưởng trong điều kiện bình thường mới. Du lịch Đồng Tháp sẽ hấp dẫn du khách hơn. Đồng Tháp sẽ đạt được mục tiêu phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 là “Điểm đến du lịch đặc trưng-an toàn-thân thiện-chất lượng”, tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp; từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích