Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long nhân dịp lễ Quốc khánh 2/9: Nơi tăng khách tham quan, nơi giảm đáng kể
(Xây dựng) – Theo báo cáo của các địa phương, do ảnh hưởng cơn bão số 3, trong 4 ngày nghỉ có 03 ngày mưa liên tiếp đã làm ảnh hưởng tới lượng khách du lịch tới tham quan nghỉ dưỡng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Du khách tham quan mô hình Cá lóc bay là một trải nghiệm du lịch sinh thái hấp dẫn tại Cồn Sơn, Cần Thơ. |
Khách tham quan tăng trong điều kiện khí hậu bất thường
Báo cáo của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Cà Mau, mặc dù ảnh hưởng bão số 3 nên thời tiết, mưa lớn kéo dài từ những ngày đầu kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, đã làm ảnh hưởng đến hoạt động du lịch. Tuy nhiên, 4 ngày của kỳ nghỉ lễ (từ ngày 1/9 đến 11 giờ ngày 4/9), tổng lượt khách du lịch trong dịp Lễ Quốc khánh 2/9 tới Cà Mau ước đạt hơn 57.300 người, tăng 8% so với cùng kỳ 2022.
Chỉ tính riêng khách đến tham quan tại các khu, điểm du lịch, di tích trong dịp Lễ 2/9 (từ ngày 01/9 đến 10h ngày 4/9) là 44.021 lượt khách, trong đó: Khu du lịch Mũi Cà Mau đón 9.667 lượt khách; Khu du lịch Khai Long đón 6.548 lượt khách; Điểm du lịch sinh thái Hương Tràm đón 6.100 lượt khách; Các hộ du lịch cộng đồng tại Đất Mũi đón 4.889 lượt khách; Hòn Đá Bạc đón 4.771 lượt khách; Khu du lịch sinh thái Cà Mau Eco đón 2.513 lượt khách; Khu du lịch sinh thái Thư Duy đón 2.380 lượt khách; Điểm du lịch sinh thái Hoa Rừng đón 885 lượt khách; Khu Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đón 640 lượt khách; Các điểm di tích đón 571 lượt khách; Vườn Quốc gia U Minh Hạ đón 419 lượt khách; Các điểm du lịch khác (Vườn chim Tư sự; Đầm Thị Tường, 10 Ngọt, Sông Trẹm…) đón 4.638 lượt khách.Tổng thu du lịch 74,5 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ 2022.
Ông Trần Hiếu Hùng – Giám đốc Sở Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết, năm 2023, tỉnh dự kiến thu hút 1.750.000 lượt khách trong năm 2023, đây cũng là mục tiêu được đề ra trong Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Cà Mau được Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành. Theo Kế hoạch, tỉnh tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ các khu điểm du lịch, các cơ sở dịch vụ du lịch có điều kiện phát triển; xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch mới phù hợp với tiềm năng, lợi thế; đa đạng hóa chủ thể và huy động nguồn lực địa phương; quản lý, tổ chức các hoạt động du lịch chu đáo, an toàn, thân thiện, hiệu quả. Bên cạnh đó, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cần thiết để các sở, ngành, địa phương chủ trì, phối hợp thực hiện với tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, phối hợp đồng bộ trong thực hiện để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu mà Kế hoạch đã đề ra.
Tại Bạc Liêu, trong dịp lễ vừa qua, số lượng du khách đến các khu điểm du lịch Bạc Liêu đạt khoảng 69.850 lượt người tăng khoảng 5% so với năm 2022, khách quốc tế khoảng 1.125 lượt người. Trong đó, khách lưu trú đạt khoảng 17.200 lượt. Tổng thu từ các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch của tỉnh trong kỳ nghỉ lễ đạt khoảng 56 tỷ đồng; doanh thu nhà hàng khách sạn đạt khoảng 22 tỷ đồng. Công suất phòng khách sạn đạt 70 – 80%. Ngành Văn hóa khẳng định, do nhiều sản phẩm du lịch nên đã níu chân du khách.
Khách tham quan khu rừng sinh thái mũi Cà Mau. |
Nhiều nơi khách du lịch giảm đáng kể
Trong các tỉnh khu vực miền Tây, có 2 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu số lượng khách tham quan tăng thì các địa phương phương còn lại khách giảm từ 5-15% do ảnh hưởng thường tiết. Nhiều lãnh đạo tiếc nuối khi tổ chức nhiều sự kiện phục vụ du khách nhưng đành gác lại vì ảnh hưởng mưa bão. Trong những ngày nghỉ lễ vừa qua, thành phố Cần Thơ đạt khoảng 180.000 lượt khách, giảm 4% so với dịp Lễ quốc khánh năm 2022. Các cơ sở lưu trú ước phục vụ khoảng 69.800 lượt khách, tăng 6% so với cùng kỳ, trong đó, khách quốc tế ước khoảng hơn 900 lượt khách. Tổng thu từ du lịch ước đạt 198 tỉ đồng, tăng 5% dịp Lễ quốc khánh năm 2022.
Tại An Giang, Công ty CP du lịch An Giang, dù cố gắng rất nhiều so với năm trước lượng khách du lịch giảm từ 10-15%, lý do năm nay 4 ngày nghỉ lễ thì mưa bão đến 3 ngày. Công ty du lịch giới thiệu cho du khách các chuyến khám phá hang, động, điện gắn liền với những câu chuyện truyền thuyết ly kỳ và huyền bí trên núi Cấm như: Hang Điện 13, hang Bác vật Lang, hang Ông Hổ… Chinh phục nóc nhà miền Tây: Vồ Bồ Hong – đỉnh cao nhất của núi Cấm và của miền Tây Nam Bộ. Tham gia các chương trình tour du lịch khám phá núi Cấm như trải nghiệm du lịch sinh thái theo mùa, du lịch khám phá thiên nhiên, cắm trại kết hợp lửa trại và tiệc ngoài trời, săn cua núi Cấm… Bên cạnh đó, nhiều công ty du lịch tại Phú Quốc, Kiên Giang, vào những ngày sắp tới Lễ Quốc khánh phải hủy tour theo yêu cầu của khách vì thông tin cơn bão. So với năm trước, số lượng khách ra đảo Phú Quốc giảm từ 30-40%.
Nguồn: Báo xây dựng