Du lịch cộng đồng gắn với xóa đói giảm nghèo
(TN&MT) – Du lịch cộng đồng đang dần trở thành điểm nhấn tại huyện vùng cao Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Từ chỉ làm nông, chăn nuôi nhỏ lẻ đủ ăn, những người dân nơi đây dần học cách làm du lịch, đời sống khấm khá hơn. Thành công bước đầu đang mở ra hướng phát triển kinh tế mới gắn với bảo tồn, phát huy giá trị thiên nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc nơi đây.
Huyện Lâm Bình được thiên nhiên ban tặng cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, sơn thủy hữu tình, ruộng bậc thang trải dài cùng với những cung đường đèo ấn tượng. Đặc biệt, hồ sinh thái Na Hang – Lâm Bình được ví như Hạ Long trên cạn, trở thành điểm nhấn du lịch của huyện nói riêng và tỉnh Tuyên Quang nói chung.
Ban đầu, hình thức du lịch cộng đồng tại đây mang tính tự phát, nhằm phục vụ nhu cầu nhỏ lẻ của khách nước ngoài hoặc những người muốn khám phá thiên nhiên hoang dã. Dần dần, cùng với đường giao thông được cải tạo thuận lợi hơn, ngày càng có nhiều du khách tìm về thăm quan và muốn trải nghiệm cuộc sống và văn hóa của cộng đồng dân tộc. Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch, thời gian qua, chính quyền huyện Lâm Bình đã tiên phong khuyến khích người dân nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng. Nhờ vậy, người dân đã từng bước nâng cao thu nhập từ việc cho thuê cơ sở lưu trú, phục vụ ăn uống, trải nghiệm thiên nhiên, giải trí, bán đồ lưu niệm…
Theo ông Nguyễn Thành Trung, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình: Đến nay, huyện triển khai xây dựng mô hình du lịch cộng đồng (homestay) với gần 50 hộ tham gia. Đặc biệt, mô hình xây dựng làng văn hóa gắn với du lịch tại thôn Nà Tông (Thượng Lâm), thôn Nặm Đíp (Lăng Can) đã thu hút khách đến với Lâm Bình ngày một đông. Bên cạnh đó, Lâm Bình đã và đang xây dựng, phát triển nhiều sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; hỗ trợ cơ sở kinh doanh, hợp tác xã, hộ gia đình homestay trong việc nâng cao kỹ năng, tay nghề, kiến thức về du lịch, để họ “sống được với du lịch”, qua đó có động lực để tiếp tục phát triển.
Bắt đầu từ năm 2023, huyện Lâm Bình có kế hoạch thu hút du khách vào tất cả các mùa trong năm, thay vì chỉ có 1 mùa cao điểm du lịch hè như các năm trước. Ông Cao Văn Minh, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Lâm Bình, mỗi quý của năm 2023, Lâm Bình sẽ tổ chức một hoạt động du lịch. Trong đó, quý I là tổ chức các lễ hội xuân đầu năm, quý II sẽ tổ chức hoạt động đua thuyền Kayak, quý III tổ chức Tuần văn hóa du lịch và quý IV sẽ tổ chức giải bóng đá nữ. Đồng thời, phối hợp tổ chức các hoạt động hưởng ứng Năm du lịch Tuyên Quang tổ chức vào tháng 4 năm nay.
Nhằm hình thành một điểm du lịch kiểu mẫu, từ cuối năm 2022, Ban chỉ đạo Phát triển du lịch Lâm Bình đã ban hành kế hoạch sắp xếp các hoạt động du lịch cộng đồng tại thôn Nà Tông (xã Thượng Lâm). Mục tiêu là sẽ xây dựng Nà Tông từng bước đạt chuẩn ASEAN về du lịch trên cơ sở khai thác bền vững tài nguyên du lịch và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc sắc. Hiện, xã đã triển khai đến tất cả các hộ dân trong thôn, cam kết xây dựng, chỉnh trang nhà cửa theo đúng khung nhà sàn truyền thống thay vì nhà xây trong thôn.
Khi chính quyền bắt tay cùng người dân làm du lịch, lợi trước hết cho du khách bởi đã có một sự thống nhất trong việc triển khai các hoạt động. Thôn Nà Tông có 11 homestay thì tất cả đều có chung 1 mức giá cho các dịch vụ như ăn, nghỉ, lửa trại, tắm thảo dược, thuê phương tiện di chuyển, dịch vụ đi thuyền thăm quan trên hồ sinh thái, dịch vụ trải nghiệm sinh hoạt cộng đồng… Trên một mặt bằng giá chung, các chủ hộ kinh doanh homestay “cạnh tranh” với nhau bằng chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ, các ý tưởng trải nghiệm đa dạng, phong phú gắn với truyền thống và bản sắc văn hóa các dân tộc.
Theo anh Hỏa Đức Phủ, chủ homestay A Phủ (thôn Nà Tông), ba nguyên tắc làm du lịch của địa phương là: Giữ bản sắc dân tộc, giữ giá dịch vụ và không được chèo kéo khách. Hình thức du lịch cộng đồng với người dân ở đây còn khá mới nên các chủ homestay vừa làm vừa san sẻ, giúp đỡ nhau. Chính tôi cũng vừa kinh doanh vừa học hỏi: Học từ các khóa tập huấn do địa phương tổ chức, học từ chính du khách tới đây, lắng nghe những phản hồi để đưa ra các dịch vụ hợp ý du khách.
Đời sống người dân cải thiện nhờ du lịch, thôn bản càng khang trang, sáng đẹp. Một điểm đặc biệt nữa là tại Nà Tông, các hộ gia đình đều có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường cảnh quan, tạo không khí thoải mái nhất cho du khách thư giãn, cảm nhận thiên nhiên trong lành. Đặc biệt, năm 2022, UBND huyện Lâm Bình đầu tư trồng gần 400 cây mận cổ thụ dọc theo hai bên vỉa hề trên tuyến đường từ trung tâm thôn đến bến thủy, có chiều dài hơn 2km. Đến với Thượng Lâm vào đúng dịp hoa mận nở, du khách sẽ được ngắm nhìn và chụp những bức ảnh đẹp với sắc trắng của hoa mận nở rộ ở 2 bên đường. Cảnh quan môi trường nông thôn được chăm chút, góp phần xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, góp phần đưa huyện Lâm Bình trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
Nhờ những cách làm bài bản này mà chỉ trong 2 tháng đầu năm 2023, Lâm Bình đã đón trên 20 nghìn lượt khách du lịch trong mục tiêu 151 nghìn lượt khách trong năm nay. Đây cũng là động lực để chính quyền và người dân Lâm Bình tiếp tục phát triển kinh tế du lịch, góp phần nâng cao đời sống cho người dân và xóa đói giảm nghèo bền vững.
Du lịch Lâm Bình, du khách có thể thưởng thức các món ngon mang đậm nét văn hóa dân tộc nơi đây như: Thịt lợn bí, cá nướng, cá suối lam ống nứa, bánh trứng kiến, bún cổ truyền, ốc suối, rêu suối, thịt trâu treo gác bếp, thịt lợn chua, xôi ngũ sắc, rượu ngô men lá hay rau rừng tươi ngon. Vào mùa lễ hội, du khách có thể tham gia hoạt động như lễ xuống đồng, hội tung còn, đánh yến, đẩy gậy, kéo co hay nghệ thuật múa khèn của người Mông; lễ nhảy lửa huyền bí của người Pà Thẻn, các hoạt động giã cốm, làm bánh trứng kiến của dân tộc Tày…
Cùng với du lịch phát triển, nghề dệt thổ cẩm truyền thống cũng đang được phục dựng. Chính quyền địa phương đã phối hợp với các nghệ nhân, tổ chức các lớp truyền dạy dệt thổ cẩm cho thanh thiếu niên trên địa bàn. Hàng năm, huyện cũng tổ chức các cuộc thi dệt thổ cẩm để nâng cao tay nghề, giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Điều này không chỉ giữ gìn được giá trị văn hóa, mà còn tạo sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc.