Dự kiến cuối tháng 8, dự án xe đạp công cộng tại Hà Nội có thể đi vào hoạt động sau 2 lần trễ hẹn
Với mục tiêu đa dạng hóa vận tải hành khách công cộng, thúc đẩy phát triển du lịch, tháng 6/2022, thành phố Hà Nội chấp thuận để Sở Giao thông vận tải Hà Nội và nhà đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam triển khai dự án xe đạp công cộng giai đoạn 1 tại 6 quận nội thành.
Theo dự kiến, ngày 20/1/2023, tại 6 quận của Hà Nội sẽ thí điểm dịch vụ cho thuê xe đạp đô thị. Tại đề xuất trước đó, Công ty CP Tập đoàn Trí Nam (đơn vị thực hiện và xây dựng đề án xe đạp đô thị công cộng ở Hà Nội) sẽ triển khai giai đoạn 1 trong năm nay với 1.000 xe (50% là xe đạp điện) và 94 vị trí đặt xe. Tổng vốn đầu tư dịch vụ này khoảng 30 tỷ đồng, bằng nguồn vốn xã hội hóa. Doanh nghiệp này cũng xin miễn phí vỉa hè và phí dịch vụ trong 12 tháng..
Đến nay đã 5 tháng sau lần lỡ hẹn thứ 2, dịch vụ cho thuê xe đạp vẫn chưa hoạt động. Tất cả mới chỉ là một số khu vực đã kẻ vạch sơn dự kiến làm bãi xe.
Tuy nhiên, dịch vụ này bị trì hoãn đến tháng 1/2023 và đến nay chưa thực hiện.
Sáng 05/7, ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Trí Nam cho biết: do doanh nghiệp muốn phát triển thêm xe đạp điện trợ lực, có tay ga – mô hình mới, chưa từng triển khai trong nước nên cần nghiên cứu để tối ưu phương án vận hành, thiết kế. Bên cạnh đó, khí hậu Việt Nam nóng ẩm nên xe đạp điện thiết kế cũng cần phù hợp để chống han gỉ.
“Chúng tôi cũng phải nghiên cứu tìm ra những loại xe đáp ứng tiêu chuẩn về trọng lượng, điều kiện vận hành khi đang giữa đường hết pin vẫn có thể đạp bằng cơ để di chuyển về bến đỗ gần nhất”, ông Dân cho biết thêm.
Hiện tại, Trí Nam đã chạy thử nghiệm xe đạp điện trợ lực và cho kết quả tốt. Xe được thiết kế gần giống với xe đạp thông thường, nhưng là vành đúc, có thêm pin và tay ga. Khi đi hết pin, xe vẫn có thể đạp để di chuyển tới bến đỗ. Để tránh đổ mồ hôi, kịp giờ đến cơ quan, công sở, người thuê có thể sử dụng xe đạp điện tốc độ nhanh hơn để đi làm vào buổi sáng, song buổi chiều có thể sử dụng xe đạp thông thường nhằm rèn luyện sức khỏe.
Thông tin thêm về tiến độ dự án, ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc phụ trách cho hay, tính tới thời điểm đầu tháng 7/2023, 6 quận trung tâm Hà Nội (Ba Đình, Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng) đã bố trí và bàn giao đủ các trạm xe. Trí Nam đã thi công hoàn thiện 16 trạm và đang tiếp tục tăng cường nhân lực để đẩy nhanh tiến độ 63 trạm còn lại. Dự kiến tới ngày 10/8, toàn bộ 79 trạm xe sẽ được hoàn tất. Hiện mặt bằng tại 79 trạm này đã được UBND các quận tạo điều kiện, bàn giao để Trí Nam kẻ ô, lắp bảng thông tin. Nhiều trạm đã kẻ ô, lắp bảng thông tin từ năm trước, sau đó xe chưa hoạt động hiện đã bị mờ, những ngày qua công ty đã cử người đi chỉnh trang, kẻ lại.
100 xe đạp điện đạt quy chuẩn hiện đang trên đường về Việt Nam. Dự kiến, ngày 20/7, số xe này sẽ có mặt tại Hà Nội, sau đó sẽ phân bổ đều tới các điểm cho thuê, bên cạnh 500 xe đạp thông thường, theo đó, Trí Nam sẽ tiến hành kiểm tra, lắp đặt, vận hành thử trong vòng 2 tuần. Tiếp đó, tới cuối tháng 8/2023, dự án có thể được chính thức khai trương để phục vụ người dân Thủ đô ngay trong dịp lễ 2/9.
Để tiếp cận xe đạp điện, sau thời gian khai trương dự án, tại các trạm vận hành Trí Nam sẽ bố trí nhân viên hướng dẫn khách hàng tiếp cận, trải nghiệm xe đạp điện, trong đó có việc hướng dẫn khách cài đặt app đăng ký, sử dụng và thanh toán phí thuê xe.
Giá vé để người dân tiếp cận xe đạp công cộng là 5.000 đồng/lượt 30 phút với xe đạp cơ; 10.000 đồng đối với xe đạp điện. Người thuê xe cả ngày sẽ trả 60.000 đồng với xe đạp và 120.000 đồng với xe đạp điện. Ngoài ra, đơn vị vận hành cũng bán vé tháng, quý và năm; hệ thống thanh toán ưu tiên thực hiện qua các ứng dụng ngân hàng, ví điện tử.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu