Dự kiến ban hành QCVN về cấu trúc thông điệp dữ liệu trao đổi với Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia
Trung tâm dữ liệu quốc gia là trung tâm dữ liệu do Chính phủ xây dựng, quản lý, khai thác và vận hành; Tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, chia sẻ, phân tích, khai thác, điều phối dữ liệu của các cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật nhằm hình thành kho dữ liệu về con người và kho dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia.
Dữ liệu tại Trung tâm dữ liệu quốc gia là nền tảng cốt lõi cung cấp các dịch vụ liên quan đến dữ liệu, hỗ trợ hoạch định chính sách, kiến tạo phát triển, xây dựng Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đồng thời, cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin cho các tổ chức chính trị – xã hội, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ quan có nhu cầu sử dụng để khai thác, vận hành, nâng cao hiệu quả, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, có các nhiệm vụ về “khuyến khích đầu tư, phát triển xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn” (Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị); “Hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu quốc gia, các trung tâm dữ liệu vùng và địa phương kết nối đồng bộ và thống nhất” (Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị); “đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm dữ liệu khu vực. Xây dựng các trung tâm dữ liệu gắn với các vùng động lực, cực tăng trưởng, hành lang kinh tế; phát triển các cụm trung tâm dữ liệu quốc gia tại khu vực phía Bắc và khu vực phía Nam” (Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội); “Bộ Công an chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia” (Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03/02/2023 của Chính phủ)…
Ngày 30/10/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 175/NQ-CP phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia. Nghị quyết đã xác định: Trung tâm dữ liệu quốc gia là trung tâm dữ liệu do Chính phủ xây dựng, quản lý, khai thác và vận hành; tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, chia sẻ, phân tích, khai thác, điều phối dữ liệu của các cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật nhằm hình thành kho dữ liệu về con người và kho dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia; dữ liệu tại Trung tâm dữ liệu quốc gia là nền tảng cốt lõi cung cấp các dịch vụ liên quan đến dữ liệu, hỗ trợ hoạch định chính sách, kiến tạo phát triển, xây dựng Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số, bảo đảm quốc phòng an ninh. Đồng thời cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin cho các tổ chức chính trị – xã hội, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ quan có nhu cầu sử dụng để khai thác, vận hành, nâng cao hiệu quả, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.
Trung tâm dữ liệu quốc gia là nơi tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, khai thác, chia sẻ, phân tích và điều phối tất cả các dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu liên quan đến con người (bao gồm người có quốc tịch Việt Nam và người có liên quan đến hoạt động kinh tế – xã hội tại Việt Nam) theo quy định của pháp luật để tạo dựng kho dữ liệu về con người; dữ liệu liên quan đến con người. Trong đó, việc định hướng xây dựng, phát triển Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia với vai trò là trụ cột dữ liệu chính để tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ số, thúc đẩy kinh tế số và hình thành xã hội số ở nước ta là rất cần thiết; giúp tạo lập, hình thành các hệ thống dữ liệu tin cậy, ổn định của Nhà nước từ đó triển khai các giải pháp kết nối để chia sẻ, sử dụng lại và phát triển các mô hình/ứng dụng phân tích dữ liệu chuyên sâu để tạo ra nhiều giá trị mới, sản phẩm dịch vụ mới và động lực mới cho phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn chuyển đổi số.
Ngày 09/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 47/2024/NĐ-CP quy định về danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia; việc xây dựng, cập nhật, duy trì, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia. Trong đó quy định Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia là một trong 10 cơ sở dữ liệu quốc gia, là nơi tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, khai thác, chia sẻ và điều phối dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia và thực hiện việc phân tích chuyên sâu các dữ liệu, hỗ trợ công tác xây dựng các cơ chế chính sách, quy hoạch, chiến lược phát triển quốc gia; tạo điều kiện phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ mới trên nền các dữ liệu số được khai thác góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Mặt khác, hiện nay một số cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành có quy định về cấu trúc dữ liệu trao đổi, kết nối, chia sẻ riêng như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá; Cơ sở dữ liệu về cán bộ công chức, viên chức, Cơ sở dữ liệu về giáo dục đào tạo…
Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia gồm các thông tin được tổng hợp từ các Cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, dữ liệu khác. Vì vậy, để tạo lập kho dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia cần phải có sự kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin khác. Do đó, cần phải có một quy chuẩn kỹ thuật chung, thống nhất về cấu trúc thông điệp dữ liệu để các cơ quan, tổ chức, cá nhân kết nối, cung cấp, khai thác dữ liệu với Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia.
Vì vậy, việc ban hành “Thông tư ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc thông điệp dữ liệu trao đổi với Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia” là cần thiết.
Theo đó, dự thảo Thông tư gồm 03 Điều; kèm theo là dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về cấu trúc thông điệp dữ liệu trao đổi với Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia với nội dung cơ bản như quy định chung; quy định kỹ thuật các nhóm dữ liệu (Nhóm dữ liệu con người; Nhóm dữ liệu pháp nhân; Nhóm dữ liệu về tài sản; Nhóm dữ liệu về địa chính; Nhóm dữ liệu về nền địa lý; Nhóm dữ liệu về địa chỉ); Phương pháp đánh giá tuân thủ; Tổ chức thực hiện; Các phụ lục kèm theo…
Khánh Mai