Dù khó khăn nhưng ngành thủy sản xuất khẩu đạt 4,36 tỷ USD, tăng 4,9%
Trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 4,36 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2023. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong TOP 5 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, tăng trưởng mạnh nhất vẫn là thị trường Mỹ, tiếp đến là Trung Quốc, EU và Hàn Quốc. Về loại sản phẩm, nhóm cua ghẹ và giáp xác tăng trưởng mạnh nhất và tiếp đến là cá ngừ, tôm, cá tra. Các sản phẩm từ nuôi trồng thủy sản vẫn chiếm vị thế quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam khẳng định: Để xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt mục tiêu 10 tỷ USD trong năm nay, các doanh nghiệp cần thích nghi và điều chỉnh kế hoạch hoạt động phù hợp với bối cảnh của thị trường. Doanh nghiệp cũng phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, để tránh sự phụ thuộc, đồng thời mở rộng thị trường mới, hướng đến phát triển thị trường nội địa.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu tăng nhẹ so với cùng kỳ là tín hiệu tích cực của ngành hàng này. Tuy nhiên, ngành hàng tôm vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức khi tình hình kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi, lạm phát vẫn cao…
Ông Đỗ Ngọc Tài, Chủ tịch Ủy ban Tôm Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thủy sản Tài Kim Anh chia sẻ, tại thị trường Mỹ, lạm phát vẫn cao, cộng với cước tàu tăng đột biến từ tháng 5 nên tôm Việt Nam còn phải cạnh tranh mạnh về giá với tôm Ecuador, Ấn Độ, Indonesia. Điều này cũng khiến tôm Việt Nam chỉ tăng 1% so với cùng kỳ tại thị trường này.
Nhìn chung, các thị trường vẫn đang bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tồn kho nên nhập khẩu thủy sản vẫn có tính thận trọng. Điển hình thị trường Trung Quốc liên tục sụt giảm từ tháng Hai, sau khi tăng mạnh vào tháng Một để phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán. Thị trường Trung Quốc có nhiều nguồn cung cấp, giá cạnh tranh nên các đối tác Trung Quốc nhiều lựa chọn và tìm cách mua vào với giá thấp.
“Kỳ vọng vấn đề tồn kho và dư cung sẽ giảm dần và có chiều hướng thuận lợi hơn cho các nhà nhập khẩu thủy sản trong nửa cuối năm, khi đó xuất khẩu có thể hồi phục trở lại nếu nút thắt về nguyên liệu hải sản và cả tôm, cá tra được cởi mở”, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhận định.
Dự báo về xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới các chuyên gia cho rằng, xuất khẩu thủy sản trong nửa cuối năm nay sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, song song với những khó khăn từ cước tàu biển, doanh nghiẹp thủy sản cũng phải đối diện với nhiều khó khăn khác. Cụ thể, thủy sản là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các biện pháp phòng vệ thương mại.
Cuối năm 2023, Hiệp hội các Nhà chế biến tôm Hoa Kỳ đã đệ đơn yêu cầu điều tra chống trợ cấp đối với tôm nước ấm từ 4 nước: Ấn Độ, Ecuador, Indonesia và Việt Nam. Theo đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ điều tra chống trợ cấp đối với tôm Việt Nam với hơn 40 chương trình. Kết quả điều tra sơ bộ đã có ở mức 2,84% và các doanh nghiệp xuất khẩu tôm phải ký quỹ từ tháng 4/2024. Dự kiến tháng 8/2024 sẽ có kết quả cuối cùng và tháng 10/2024, Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) sẽ bỏ phiếu đánh giá kết quả điều tra.
Theo Thương hiệu và Công luận
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu