“Đu đỉnh” sốt đất, nhiều nhà đầu tư “khóc ròng”
(TN&MT) – Trong cơn sốt đất của những năm trước đây, nhiều nhà đầu tư (NĐT) đã đổ tiền đi săn đất vùng ven TP.HCM và các tỉnh lân cận khiến giá đất được đẩy lên cao chót vót.
Thế nhưng, khi cơn sốt đất qua đi, thị trường nhà đất ảm đạm, nhiều NĐT chật vật thoát hàng dù chấp nhận bán giá thấp, cắt lỗ, giảm lãi.
Nỗi lòng NĐT “đu đỉnh”
Anh Nguyễn Thanh Tuấn (nhân viên văn phòng) không rành về đầu tư bất động sản (BĐS). Tuy nhiên, đầu năm 2022, thấy bạn bè rần rần đầu tư đất, sẵn có 800 triệu đồng của ba mẹ nhờ gửi tiết kiệm giúp, anh Tuấn rút ra rồi hùn với bạn đầu tư đất. Thời điểm đó, thông tin các huyện Bình Chánh, Củ Chi (TP.HCM) có lộ trình lên thành phố nên NĐT đổ xô về những khu vực này săn đất khiến giá tăng “dựng đứng”.
Anh Tuấn cùng hai người bạn đã nhanh chóng mua được lô đất diện tích 500m2 với giá gần 3 tỷ đồng. Dự định sẽ “lướt sóng” vài tháng để kiếm lời. Thế nhưng, cho tới nay, nhóm anh Tuấn đã bị “mắc cạn” vì thị trường BĐS gần như bị “đóng băng”. Gần đây, anh Tuấn cần tiền để lo cho gia đình, dù đã gửi nhiều môi giới và chấp nhận bán lỗ 100 triệu đồng lô đất này so với giá ban đầu nhưng vẫn chưa bán được.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Mỹ (TP.HCM) đã lên tỉnh Bình Phước để mua đất. Chị Mỹ cho biết: Lúc đó, đất khắp nơi tăng giá. Bạn bè tôi có tiền tích lũy đều đổ vào đất, không đủ tiền thì vay thêm ngân hàng để mua. Lô đất tôi mua ở Bình Phước có diện tích 200m2 giá 1,7 tỷ đồng. Do cần tiền gấp nên cách đây 3 tháng, tôi đã rao bán lô đất trên. Ban đầu tôi dự định bán với giá 2 tỷ, sau hạ xuống giá vốn 1,7 tỷ, rồi xuống 1,6 tỷ nhưng nhiều khách hàng sau khi xem xong đã “một đi không trở lại”.
Nhiều nhà NĐT đã phải rao bán cắt lỗ đất khi thị trường hạ nhiệt do áp lực tài chính
Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, trong giai đoạn năm 2020 – 2021, thị trường BĐS liên tục bị khuấy đảo bởi các đợt sóng đất, khiến BĐS càng trở thành kênh đầu tư chiếm ưu thế, được nhiều NĐT lựa chọn so với kênh khác. Bên cạnh TP.HCM, thị trường BĐS tỉnh cũng liên tục nổi sóng theo đà nóng sốt chung của thị trường. Câu chuyện mua phải đất giá cao trong cơn sốt đất cũng là thực trạng chung và khi sốt đất đi qua, nhiều NĐT bị “mắc cạn”, nhất là các NĐT lỡ “ôm” nhiều đất ở tỉnh.
Bán cắt lỗ, cắt lãi cũng khó
Theo nhận định của các chuyên gia, cơn sốt đất thời gian trước đã đánh vào lòng tham của nhiều NĐT, khiến nhiều người dù không có hiểu biết, không có kiến thức về BĐS cũng lao vào đầu tư, mua đất với niềm tin cứ mua là sẽ có lời. Trong đó, nhiều NĐT đã chọn đầu tư thị trường BĐS tỉnh nhưng không hiểu biết về thị trường, khu vực đó, đầu tư theo đám đông khi thị trường sốt nên mua phải đất có mức giá “đu đỉnh” hoặc mua phải đất “dính” quy hoạch, pháp lý không rõ ràng. Khi cơn sốt đi qua, giá đất lao dốc, họ buộc phải bán đáy nếu muốn thoát được hàng.
Các đợt xả hàng, giảm giá trong năm 2022 chỉ là bước khởi đầu. Năm 2023, dự kiến các khó khăn tài chính có thể sẽ trở nên nặng nề hơn và các NĐT dùng đòn bẩy tài chính mất khả năng thanh toán sẽ phải giảm giá bán BĐS để tái cơ cấu danh mục đầu tư. Năm 2023 có thể là giai đoạn mà nhiều NĐT giữ tiền mặt để chủ động nắm bắt cơ hội săn được các sản phẩm BĐS có giá tốt, hợp lý”
Ông Trần Khánh Quang – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư BĐS Việt An Hòa
Thực tế cho thấy, thị trường BĐS càng ngày càng khó khăn, dù cắt lỗ, lãi và giá đã giảm so với thời kỳ đỉnh giá, thanh khoản lại vô cùng chậm chạp. Phần lớn những NĐT có dòng tiền nhàn rỗi đều có tâm lý chờ đợi giá giảm thêm mới mua vào. Chính vì vậy, các sản phẩm cắt lãi, cắt lỗ vẫn rơi vào cảnh ế ẩm. Khi thị trường BĐS đang ở giai đoạn bất định như hiện tại, chính NĐT hay đầu cơ cũng không muốn mua vào.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng, thị trường BĐS sẽ tiếp tục gặp khó trong năm 2023, dù thanh khoản giảm mạnh, giá vẫn duy trì mức cao và giảm mang tính cắt lãi thì nay làn sóng cắt lỗ bắt đầu manh nha từ cuối tháng 11/2022 và có xu hướng tăng mạnh trong tháng 12/2022. Nhiều NĐT có nguồn tiền nhàn rỗi đã bắt đầu săn hàng giá rẻ. Một số NĐT vẫn đang nghe ngóng thị trường, kỳ vọng giá BĐS sẽ lao dốc sâu hơn và khi đó mới lên kế hoạch mua vào.
Còn ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhận định, thời gian qua, thị trường BĐS đã trải qua nhiều cơn sốt đất liên tục khiến NĐT phải thận trọng hơn trong việc ra quyết định xuống tiền. Thực tế giao dịch thấp, hạn chế bởi giá bị đẩy lên quá cao, giá không phản ánh đúng giá trị thực. Các NĐT, người mua cũng tính được giá trị ở mức độ nào hợp lý. Vì vậy, người có nhu cầu thực sẽ không mua những sản phẩm bị thổi giá quá cao, dẫn đến tình trạng khó thanh khoản.