Dự báo, cà phê Việt Nam năm 2024 sẽ có giá cao nhất thế giới
Đầu tháng 12, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa tăng mạnh so với cuối tháng 11. Diễn biến này trái với quy luật mọi năm khi vùng Tây Nguyên đang bước vào thời điểm thu hoạch, giá thường giảm do áp lực nguồn cung tăng lên. Ngày 19/12, giá cà phê trung bình ở khu vực Tây Nguyên ở mức 67.300 đồng/kg, tăng mạnh 10.000 đồng/kg (tương đương 17%) so với cuối tháng 11.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, chưa bao giờ trong lịch sử xuất khẩu hơn 30 năm qua của Việt Nam và trong chính vụ thu hoạch, giá cà phê lại cao đến như vậy. Ông Hải lý giải nguyên nhân giá cà phê tăng cao xuất phát từ việc xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu sụt giảm.
Nguyên nhân do kinh tế toàn cầu gặp khó ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng. Xuất khẩu cà phê Việt Nam trong năm 2023 cũng giảm khá nhiều về lượng, với mức giảm dự kiến cả năm là 15%. Đặc biệt, do ảnh hưởng về hạn hán, sản lượng cũng giảm so với mọi năm, đẩy giá cà phê nhân tăng cao, lên tới 70.000 đồng/kg.
“Nếu năm 2023, đến tháng Sáu, gần như không còn cà phê trong dân để các doanh nghiệp có thể thu mua, sang năm 2024, chỉ đến tháng Năm, thậm chí tháng Tư là đã có thể hết hàng. Từ nay đến tháng 04/2024, Châu Âu gần như chỉ có thể trông vào Việt Nam để mua cà phê Rubusta. Nhiều khả năng giá cà phê ở Việt Nam sẽ tiếp tục tăng và có thể sẽ ở mức cao nhất thế giới trong năm 2024”, ông Hải dự báo.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group nhận định, việc giá cà phê nhân xuất khẩu tăng cao mang lại niềm vui cho doanh nghiệp và người trồng. Tuy nhiên, khi giá tăng lịch sử, nông dân không hưởng lợi được bao nhiêu vì khi giá cà phê lên, người dân đã ồ ạt bán cà phê ở mức 50.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia về thị trường cà phê, phân tích: thời gian qua, giá cà phê Robusta trong và ngoài nước “nhảy” như một con ngựa bất kham. Nhiều người nói nguyên nhân do nguồn cung khan hiếm, thời tiết bất lợi, dân “ghiền” cà phê cần một loại sản phẩm giá mềm hơn… nhưng đó chỉ là phần nổi của cơn sốt giá.
Theo ông Bình, nếu chúng ta đặt cà phê trong bối cảnh thị trường hàng hóa toàn cầu, đặc biệt là thị trường tài chính, thì có thể thấy những khía cạnh khác đầy thú vị. Đơn cử, các nước xuất khẩu cà phê như Brazil, mức lãi suất điều hành hiện tại là 13,75%, cao gấp 2 – 3 lần so với mức lạm phát. Ngược lại, các nước nhập khẩu như: EU và Mỹ, trước đây lãi suất 0%, nay lên 3 – 4%, bên cạnh đó các ngân hàng thắt chặt tín dụng làm cho các nhà nhập khẩu bị “ngộp” lãi suất.
“Tín dụng thu mua hàng xuất khẩu không còn rộng rãi. Rủi ro kinh doanh hàng hóa thương phẩm ngày càng lớn. Hàng thương phẩm không ra được chính là hệ lụy của thiếu vốn, ít tiền phục vụ công tác thu mua dẫn đến thị trường khan hàng. Hàng càng khan, giá càng tăng. Kết quả là giá cà phê Robusta trên thị trường xuất khẩu lẫn trên sàn kỳ hạn liên tục lập đỉnh mới. Các diễn biến trên thị trường thế giới cho thấy, các quỹ đầu tư tài chính đã chọn sàn Robusta làm nơi trú ẩn an toàn. Những đợt bán thanh lý trên các sàn kim loại vàng, cổ phiếu, tiền thu hồi được chuyển về sàn Robusta. Chính vì thế, khối lượng hợp đồng mua khống trên sàn cũng ở mức đỉnh trong thời gian gần đây”, ông Nguyễn Quang Bình dự đoán.
Với góc nhìn đó, ông Bình khuyến cáo: Đối với các doanh nghiệp Việt Nam hiện tại giá đang rất tốt nếu có người mua thì nên bán, vì thứ nhất điều kiện tài chính đang khó khăn; bên cạnh đó các chi phí về logistics đang có khả năng tăng theo giá dầu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến giá cà phê.
Theo Thương hiệu Công luận
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu