Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM: Nhiều gói thầu ì ạch

Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM: Nhiều gói thầu ì ạch

MTĐT –  Thứ tư, 20/10/2021 10:02 (GMT+7)

Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2 đang gặp nhiều khó khăn phát sinh từ những gói thầu trọng yếu. Dù nhà tài trợ liên tục thúc giục, nhà thầu tha thiết họp khẩn xử lý, nhưng tiến độ triển khai của tổng thể Dự án có dấu hiệu chững lại.

Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2 có mốc hoàn thành năm 2021 nhưng phải lùi đến năm 2024, vì nhiều gói thầu chậm tiến độ. Ảnh: Lê Tiên
Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2 có mốc hoàn thành năm 2021 nhưng phải lùi đến năm 2024, vì nhiều gói thầu chậm tiến độ. Ảnh: Lê Tiên

Chấm dứt hợp đồng gói thầu dù mới đạt hơn 50%

Theo UBND TP.HCM, Nhà thầu thi công Gói thầu XL-03 Xây dựng hệ thống thoát nước chung cấp 2, cấp 3 thuộc lưu vực 6 Dự án thi công ì ạch, Chủ đầu tư đã tạm dừng hợp đồng và báo cáo Ngân hàng Thế giới (WB) hướng xử lý. Đây là gói thầu mà Ban Quản lý đầu tư Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM (nay là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM) công bố kết quả vào tháng 7/2017, Công ty CP Lạc An trúng thầu với giá 204.696.970.544 đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng là 24 tháng.

Theo hợp đồng, Gói thầu sẽ hoàn thành vào năm 2019, tuy nhiên, trong quá trình thi công, Nhà thầu liên tục xin gia hạn đến tháng 1/2021. Đến tháng 6/2020, khối lượng thi công của Lạc An chưa đáp ứng 50% khối lượng công việc. Sau thời điểm gia hạn, Nhà thầu mới hoàn thành được 56%. Theo đánh giá của Tư vấn giám sát, Nhà thầu Lạc An không đủ nguồn lực tài chính để triển khai thi công, tiến độ rất chậm. Đặc biệt, năng lực, chất lượng thi công yếu, ảnh hưởng đến toàn bộ Dự án. Thực tế, từ ngày 11/1/2021, Nhà thầu đã ngưng thi công gói thầu này.

Sau rất nhiều cảnh báo từ Tư vấn giám sát, Nhà tài trợ cũng như hệ lụy xấu của tiến độ thi công chậm tại Gói thầu XL-03, Chủ đầu tư đã quyết định chấm dứt hợp đồng với Nhà thầu Lạc An.

Gói thầu xử lý xong kiến nghị, mỏi mòn đợi thi công

Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2 không chỉ ngổn ngang với Gói thầu XL-03, tình hình càng tệ hơn tại Gói thầu XL-02. Đặc biệt, đây là gói thầu quan trọng nhất, có giá trị lớn nhất và quyết định lớn đến thành công của toàn Dự án. Cụ thể, Gói thầu Thiết kế, xây dựng, vận hành Nhà máy Xử lý nước thải Nhiêu Lộc, Thị Nghè (XL-02) có giá trị hơn 307 triệu USD, trong đó vốn vay của WB là hơn 278 triệu USD và khoảng 29 triệu USD từ ngân sách Thành phố.

Quá trình chuẩn bị đấu thầu, mời thầu, xử lý kiến nghị của các nhà thầu dự thầu Gói thầu XL-02 mất rất nhiều thời gian. Thông qua đấu thầu rộng rãi quốc tế, Liên danh Acciona – Vinci (liên danh giữa nhà thầu Tây Ban Nha và nhà thầu Pháp) được trao hợp đồng. Do phát sinh kiến nghị, đến tháng 3/2019, Gói thầu mới được ký hợp đồng. Tuy nhiên, hơn 2 năm qua, tiến độ triển khai rất đáng quan ngại.

Theo tìm hiểu, ngày 1/10/2021, Liên danh Acciona – Vinci có văn bản khẩn gửi Chủ đầu tư đề nghị tổ chức cuộc họp quản lý cấp cao để giải quyết nhiều vướng mắc tại Gói thầu.

Theo Liên danh, đến hết tháng 9/2021, toàn bộ quy trình phê duyệt thiết kế của Gói thầu vẫn bị gián đoạn. Hiện tại, 100% thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật đã được trình cho Tư vấn nhưng vẫn chưa có bản vẽ nào được phê duyệt. Một điểm bất cập nữa là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 từ tháng 5/2021 đến nay, việc huy động nhân sự của Nhà thầu gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, mặt bằng thi công chưa được bàn giao đầy đủ.

Trong khi đó, theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM, vướng giải phóng mặt bằng và các thủ tục xây dựng đang là rào cản lớn nhất của Gói thầu XL-02.

Hồ sơ thiết kế kỹ thuật các hạng mục phụ trợ (san nền, nắn chỉnh rạch, chống ngập…) cần được Sở Xây dựng thẩm định sớm. Liên quan đến công nghệ thi công của Liên danh trúng thầu, cần ý kiến chuyên môn của Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM để Chủ đầu tư trình UBND Thành phố chấp thuận. Trong khi đó, quy hoạch chi tiết 1/500 của Nhà máy chưa được Sở Quy hoạch – Kiến trúc hướng dẫn kịp thời…

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 524 triệu USD, trong đó vốn vay của WB là 450 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách TP.HCM. Dự án gồm 8 gói thầu xây lắp. WB luôn đốc thúc TP.HCM có biện pháp kịp thời đẩy nhanh tiến độ Dự án. Trước đây, Dự án có mốc hoàn thành năm 2021 nhưng phải lùi đến năm 2024, vì nhiều gói thầu chậm tiến độ.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích