Dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội: Rõ hơn mức giá và lộ trình tăng giá dịch vụ

Hai thông số quan trọng

UBND TP. Hà Nội vừa có Công văn số 3476/UBND-ĐT gửi Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT), UBND 2 tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên đề nghị thống nhất giá và lộ trình tăng giá dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc áp dụng cho Dự án thành phần 3: Đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức PPP thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội (Dự án thành phần 3 – cao tốc Vành đai 4 Hà Nội).

“Đây là cơ sở để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 3 – cao tốc Vành đai 4 Hà Nội, trong đó có phương án tài chính, hoàn vốn cho công trình”, Công văn số 3476, do ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội ký, nêu rõ.

Cụ thể, Dự án thành phần 3 – cao tốc Vành đai 4 Hà Nội có mức giá sử dụng dịch vụ đường cao tốc cơ sở là 1.900 đồng/xe tiêu chuẩn/km, thời gian dự kiến đưa vào khai thác là năm 2027; lộ trình giá dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc được điều chỉnh tăng 3 năm 1 lần cho đến thời điểm hoàn vốn.

Nếu chiểu theo lộ trình tăng giá dịch vụ do UBND TP. Hà Nội đề xuất, trong giai đoạn 2054 – 2056, thời điểm kết thúc quá trình thu phí hoàn vốn, mức giá sử dụng dịch vụ đường cao tốc tại Dự án thành phần 3 – cao tốc Vành đai 4 Hà Nội lên tới 5.400 đồng/xe tiêu chuẩn/km.

UBND TP. Hà Nội cho biết, mức giá và lộ trình điều chỉnh giá tại Dự án thành phần 3 – cao tốc Vành đai 4 Hà Nội được xây dựng theo phương pháp so sánh theo quy định tại Điều 5, Thông tư số 25/2014/TT-BTC.

Khung phí sử dụng dịch vụ đường cao tốc tại Dự án thành phần 3 – cao tốc Vành đai 4 Hà Nội có tham chiếu khung giá vé của các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông theo hình thức BOT giai đoạn 2017 – 2020 đang được triển khai và khung giá dịch vụ sử dụng đường bộ được quy định tại Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT.

Theo lãnh đạo Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam (Bộ GTGT), mức giá dịch vụ do UBND TP. Hà Nội đề xuất là cơ bản phù hợp với mức giá, phí tại thời điểm năm 2027 và lộ trình tăng giá từng thời kỳ của 3 dự án thành phần cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 được triển khai theo phương thức PPP là Diễn Châu – Bãi Vọt, Nha Trang – Cam Lâm, Cam Lâm – Vĩnh Hảo.

Xác định mức giá phù hợp

Mức giá và lộ trình tăng giá dịch vụ sử dụng đường cao tốc không chỉ là thông số được các nhà đầu tư rất quan tâm, mà cũng là nội dung được nhiều thành viên Hội đồng Thẩm định Nhà nước khuyến nghị cần sớm xác định cụ thể khi tiến hành thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 3 – cao tốc Vành đai 4 Hà Nội.

Tháng 8/2023, tại Tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thường trực của Hội đồng Thẩm định Nhà nước, UBND TP. Hà Nội đề xuất phân chia Dự án thành phần 3 – cao tốc Vành đai 4 Hà Nội (có tổng mức đầu tư là 55.052 tỷ đồng) thành các dự án thành phần hạng mục 3.1 (vốn ngân sách) và dự án thành phần 3.2 (vốn đầu tư BOT).

Trong đó, Dự án thành phần hạng mục 3.1 có tổng mức đầu tư 26.596 tỷ đồng sẽ đầu tư xây dựng cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở, cầu Hoài Thượng và các đoạn tuyến: từ trước nút giao Quốc lộ 6 đến hết nút giao cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đoạn tuyến nối 9,7 km.

Đối với Dự án thành phần hạng mục 3.2 có tổng mức đầu tư 28.456 tỷ đồng, UBND TP. Hà Nội đề xuất đầu tư xây dựng đường cao tốc các đoạn: từ nút giao cao tốc Nội Bài – Lào Cai đến trước nút giao Quốc lộ 6 (không bao gồm cầu Hồng Hà), từ sau nút giao cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đến trước nút giao cao tốc Nội Bài – Hạ Long (không bao gồm cầu Hoài Thượng) theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT.

Ông Dương Đức Tuấn cho biết, việc phân chia như vậy nhằm đảm bảo phù hợp với công tác quản lý 2 nguồn vốn tại Dự án thành phần 3 – cao tốc Vành đai 4 Hà Nội là vốn ngân sách và vốn do nhà đầu tư huy động.

Sau khi chuẩn xác lại số liệu theo kiến nghị của Hội đồng Thẩm định Nhà nước, tổng mức đầu tư Dự án thành phần 3 – cao tốc Vành đai 4 Hà Nội bao gồm cả lãi vay trong thời gian thi công được đề cập tại Công văn số 3476 là 56.293,5 tỷ đồng, trong đó vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là 26.767,88 tỷ đồng và vốn BOT bao gồm lãi vay là 29.525,65 tỷ đồng.

Với mức giá và lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ sử dụng đường bộ; lãi suất vốn vay trong thời gian xây dựng là 10,33%; lãi suất vốn vay trong thời gian khai thác là 10,33%; lợi nhuận kỳ vọng vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 11,55% (chiếm 15% tổng vốn BOT); chi phí sử dụng vốn bình quân 10,56%, Dự án thành phần 3 – cao tốc Vành đai 4 Hà Nội có thời gian hoàn vốn 26,8 năm.

Theo một nhà đầu tư đang quan tâm tới dự án này, tuyến Vành đai 4 Hà Nội bao gồm đường cao tốc ở giữa và đường song hành 2 bên, các phương tiện có sự lựa chọn giữa việc lưu thông trên đường cao tốc (có thu phí) và đường song hành (không thu phí),

“Vì vậy, mức giá sử dụng đường bộ sẽ ảnh hưởng tới lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông trên đường cao tốc Vành đai 4. UBND TP. Hà Nội cần nghiên cứu, tính toán kỹ để lựa chọn mức giá phù hợp với mức chi trả của người sử dụng dịch vụ, nhưng cũng đảm bảo để nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thu hồi vốn và có lợi nhuận”, nhà đầu tư nói trên cho biết.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích