Dự án USAID LinkSME tăng cường kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian qua, thông qua dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (USAID LinkSME), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã hỗ trợ Chính phủ nhiều hoạt động nghiên cứu, rà soát và đưa ra nhiều khuyến nghị để thúc đẩy cải cách quy định kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Bà Aler Grubbs, Giám đốc USAID Việt Nam cho biết, USAID là đối tác kiên định của Việt Nam trong nỗ lực giải quyết những thách thức quan trọng về điều hành kinh tế, năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân và mức độ sẵn sàng của lượng lao động trước yêu cầu của nền kinh tế số.
“Những kết quả mà chúng ta cùng nhau đạt được thông qua hợp tác triển khai dự án USAID LinkSME là nền tảng giúp các doanh nhiệp nhỏ và vừa và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp của Việt Nam nâng cao năng lực, thúc đẩy giao thương, tăng cường kết nối và gặt hái những thành công mới trong tương lai”, bà Aler Grubbs cho hay.
Dự án LinkSME đã triển khai thành công các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật nhằm hỗ trợ Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan đối tác tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính.
Cùng với đó là đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; giúp tiết kiệm thời gian và chi phí tuân thủ của doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp kết nối và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, chuyển đổi số và tiếp cận tài chính.
Về cải thiện môi trường kinh doanh, dự án đã hỗ trợ trên 70 nghiên cứu khuyến nghị và tài liệu hướng dẫn nhằm triển khai hiệu quả nghị quyết cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025. Có 2.392 quy định kinh doanh đã được cắt giảm, đơn giản hóa tại 194 văn bản quy phạm pháp luật từ năm 2021 đến nay.
Bên cạnh đó, dự án đã hỗ trợ 24 nghiên cứu khuyến nghị và tài liệu hướng dẫn nhằm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; hiện thực hóa các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về hiệu quả tương tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp, dự án đã hỗ trợ triển khai thí điểm các nội dung đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại 14 tỉnh và 1 bộ.Mặt khác, dự án đã hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện các chức năng của Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.
Thông qua đó, dự án thúc đẩy các tương tác trực tuyến giữa các bộ ngành với cộng đồng doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh.Không những thế, dự án còn xây dựng báo cáo Chỉ số đánh giá Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI) các năm từ 2019 đến 2022 nhằm đánh giá tác động của cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ và đề xuất các khuyến nghị nhằm giảm bớt các rào cản đối với doanh nghiệp. Đặc biệt, dự án đã nâng cao năng lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu một cách bền vững.
Dự án USAID LinkSME đã đánh giá năng lực sơ bộ, sàng lọc 180 doanh nghiệp, đánh giá năng lực toàn diện 11 doanh nghiệp và hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu cho 41 doanh nghiệp để kết nối kinh doanh. Trong tổng số 318 đơn đặt hàng với doanh nghiệp đầu chuỗi được kết nối, đã có 280 đơn hàng được giao và thanh toán thành công với tổng giá trị lên tới hơn 200 tỷ đồng (gần 8,6 triệu USD).
Các sản phẩm đầu ra cung ứng cho các thị trường lớn như: Mỹ, Canada, Hong Kong (Trung Quốc) và các doanh nghiệp đầu chuỗi nước ngoài có nhà máy đặt tại Việt Nam.Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Duy Đông cho biết, dự án USAID LinkSME là nền tảng giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp của Việt Nam nâng cao năng lực, thúc đẩy giao thương, đạt được thành công mới./.
Theo TTXVN
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu