Dự án Thuỷ điện Sông Âm đã có cơ sở triển khai bước tiếp theo

Dự án Thuỷ điện Sông Âm đã có cơ sở triển khai bước tiếp theo

Công ty Cổ phần Đầu tư năng lượng Việt Nam sẽ nộp hơn 1,6 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế khi thực hiện dự án Thủy điện Sông Âm sau khi được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt phương án nộp tiền trồng rừng thay thế.

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định số 3259/QĐ-UBND ngày 24/8/2021, phê duyệt phương án nộp tiền trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích thực hiện dự án Thủy điện Sông Âm tại huyện Lang Chánh.

Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt phương án nộp tiền trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích thực hiện dự án Thủy điện Sông Âm tại huyện Lang Chánh đối với Công ty Cổ phần Đầu tư năng lượng Việt Nam (chủ đầu tư).

tm-img-alt
UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định số 3259/QĐ-UBND ngày 24/8/2021, phê duyệt phương án nộp tiền trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích thực hiện dự án Thủy điện Sông Âm

Cụ thể, trong số diện tích đất rừng chuyển đổi mục đích sử dụng có 0,1ha diện tích rừng tự nhiên và 37,54 ha rừng trồng. Đơn giá nộp tiền ủy thác trồng rừng thay thế là 43,641 triệu đồng/ha. Riêng diện tích rừng tự nhiên là rừng sản xuất phải nộp tiền trồng rừng thay thế bằng ba lần diện tích rừng bị chuyển mục đích sử dụng theo quy định tại Khoản 1, Điều 21, Luật Lâm nghiệp 2017.

Như vậy, Công ty Cổ phần Đầu tư năng lượng Việt Nam sẽ nộp hơn 1,6 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng 37,64 ha rừng sang mục đích thực hiện dự án Thủy điện Sông Âm tại huyện Lang Chánh và có 30 ngày để nộp số tiền trên kể từ ngày 24/8/2021.

Dự án Thủy điện Sông Âm được chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 11/2009 theo văn bản số 6057 /UBND-CN ngày 18/11/2009 của UBND tỉnh Thanh Hóa. Dự án nằm ở địa bàn hai xã Yên Thắng và xã Tam Văn, huyện Lang Chánh, tổng công suất là 12MW.

Dự án được Công ty Cổ phần Đầu tư năng lượng Việt Nam khởi công vào tháng 7/2010. Tuy nhiên, sau khi khởi công dự án, doanh nghiệp đã thấy một số điểm chưa tối ưu, trong đó có diện tích chiếm rừng của nhà máy. Để đảm bảo tính khả thi của dự án và tránh tác động đến môi trường, đặc biệt giảm thiểu tối đa rừng tự nhiên, đồng thời đáp ứng những quy định liên quan của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm đơn vị tư vấn tốt nhất, đưa ra thiết kế tối ưu nhất. Mặc dù giải pháp này khiến thời gian triển khai phải kéo dài và đã tiêu tốn mức ngân sách tương đối lớn cho quá trình tư vấn thiết kế, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn kiên trì trong suốt quá trình lựa chọn, kiểm tra chéo 03 đơn vị tư vấn dự án có kinh nghiệm lâu năm (Công ty Tư vấn Thủy điện 1, CTCP Tư vấn Đầu tư Thiết kế và Xây dựng Sông Đà, Công ty Tư vấn Monova), chấp nhận tăng chi phí đầu tư để tránh tối đa tổn hại tới diện tích rừng tự nhiên đồng thời đáp ứng các yêu cầu khắt khe về kỹ thuật, kinh tế, hiệu quả đầu tư đồng thời yếu tố bảo tồn rừng tự nhiên, môi trường cho địa phương.

Thiết kế sau cùng đã giảm thiểu tối đa thiệt hại tới môi trường và chỉ còn 0,1ha diện tích rừng tự nhiên phải chuyển đổi mục đích. Diện tích rừng tự nhiên này lại là rừng tự nhiên nghèo kiệt nằm trên vách đá trên bờ sông có trữ lượng rừng rất thấp, chất lượng kém, khả năng tăng trưởng và năng suất rừng thấp. Nếu để rừng phục hồi tự nhiên sẽ không đáp ứng được yêu cầu về kinh tế, yêu cầu phòng hộ.

Tuy nhiên, dự án cũng gặp phải vướng mắc khách quan trong quá trình chuyển đổi mục đích 0,1ha diện tích đất rừng tự nhiên này, do thẩm quyền phê duyệt rừng tự nhiên trước đây được giao cho UBND các tỉnh, sau đó việc phê duyệt này được chuyển lên Thủ tướng Chính phủ. Luật lâm nghiệp mới ban hành dẫn đến khi xem xét thẩm duyệt, các cơ quan phải tiếp tục chờ Nghị định hướng dẫn. cho tới ngày 22/02/2021, sau nhiều lần khảo sát điều tra quy hoạch rừng của các cơ quan nhà nước Thủ tướng Chính phủ mới có văn bản số 204/TTg-NN về việc chuyển đổi mục đích khác để thực hiện một số dự án theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Sau khi Chính phủ chính thức phê duyệt, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản số 4202/UBND-NN ngày 02/04/2021 giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan căn cứ quy định của pháp luật, chỉ đạo, chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản 204/TTg-NN để hướng dẫn chủ đầu tư, UBND huyện Lang Chánh tiếp tục thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục về chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên, chuyển mục đích sử dụng đất và trồng rừng thay thế hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế để thực hiện dự án Thủy điện Sông Âm theo đúng quy định của pháp luật về lâm nghiệp. Và mới đây là Quyết định số 3259/QĐ-UBND ngày 24/8/2021 phê duyệt phương án nộp tiền trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích thực hiện dự án.

Đại diện chủ đầu tư cho biết, luôn cam kết đảm bảo tuân thủ đầy đủ các hướng dẫn, quy định của các Cơ quan Nhà nước trong suốt quá trình triển khai dự án Thủy Điện Sông Âm. Mặc dù tính chất của Dự án Thuỷ điện phải khảo sát địa chất (khoan địa chất trên khu vực đồi núi phức tạp), đánh giá thuỷ văn kỹ lưỡng, đòi hỏi thời gian triển khai dài và độ yêu cầu kỹ thuật phức tạp hơn so với các công trình dân dụng tại khu vực đồng bằng, song trong thời gian tới, chủ đầu tư sẽ đảm bảo mọi nguồn lực cần thiết, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ dự án, góp phần phát triển vùng kinh tế phía Tây của tỉnh Thanh Hoá, khu vực còn rất nhiều khó khăn do địa hình hiểm trở và hạ tầng cơ sở chưa phát triển.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích