Dự án The Nine Tower: Hô biến đất cơ quan thành chung cư, văn phòng

(Xây dựng) – Quy hoạch phân khu xác định chức năng là đất cơ quan nghiên cứu, trường đào tạo. Thế nhưng, sau một loạt các quyết định của UBND Thành phố Hà Nội, khu đất có địa chỉ số 9 Phạm Văn Đồng đã “mọc” lên một tòa nhà hỗn hợp nhà ở, dịch vụ, thương mại, văn phòng cho thuê. Điều này khiến dư luận không khỏi hoài nghi về việc có hay không sự “ưu ái” cho chủ đầu tư?

du an the nine tower ho bien dat co quan thanh chung cu van phong
Khu đất số 9 Phạm Văn Đồng (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội) “mọc” lên cao ốc GP Tower.

Tìm hiểu được biết, ngày 2/4/2018, UBND Thành phố Hà Nội có Quyết định chủ trương đầu tư số 1560/QĐ-UBND chấp thuận dự án đầu tư Tòa nhà hỗn hợp GP Tower (khu hỗn hợp nhà ở, dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê tại địa điểm số 9 đường Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy).  Nhà đầu tư thực hiện dự án là Công ty TNHH đầu tư kỹ thuật công trình Toàn Cầu (MST 0107977736).

Tới thời điểm có quyết định trên, doanh nghiệp này mới chỉ được thành lập có 7 tháng (28/8/2017), sử dụng cùng địa chỉ trên và có người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Tiến Dũng.

Điều đáng nói, theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BB 916899 thì chủ sử dụng khu đất lại là Công ty Cổ phần kỹ thuật công trình Việt Nam.

du an the nine tower ho bien dat co quan thanh chung cu van phong
Chủ sử dụng là Công ty Cổ phần Kỹ thuật Công trình Việt Nam, nguồn gốc là đất Nhà nước cho thuê đất, thu tiền sử dụng hàng năm.

Theo quy định tại Điều 22 Luật Nhà ở 2014 thì việc lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại được thực hiện thông qua một trong ba hình thức: Đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; Đấu thầu dự án có sử dụng đất và chỉ định chủ đầu tư.

Tuy nhiên, việc chỉ định chỉ được thực hiện trong trường hợp nhà đầu tư có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 21 (là doanh nghiệp, hợp tác xã; có vốn pháp định, vốn kỹ quỹ và chức năng kinh doanh bất động sản), có quyền sử dụng đất hợp pháp theo quy định tại khoản 1, khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở.

Điều này khiến dư luận không khỏi băn khoăn, vì sao không có quyền sử dụng đất hợp pháp nhưng Công ty TNHH đầu tư kỹ thuật công trình Toàn Cầu lại được chấp thuận là nhà đầu tư? Theo tìm hiểu của phóng viên thì tới thời điểm hiện tại, doanh nghiệp này đã dừng hoạt động.

Mặt khác đối chiếu với quy định tại khoản 1, khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở thì chủ đầu tư phải có quyền sử dụng đất ở. Thế nhưng tại thời điểm phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, loại đất mà Công ty Cổ phần kỹ thuật công trình Việt Nam có quyền sử dụng là đất nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm, mục đích làm trụ sở văn phòng.

Ngày 17/10/2019, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội khi đó là ông Nguyễn Thế Hùng lại ký Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Tại quyết định này, Công ty TNHH đầu tư kỹ thuật công trình Toàn Cầu bất ngờ “biến mất”, nhà đầu tư được điều chỉnh gồm hai doanh nghiệp gồm: Nhà đầu tư thứ 1 – Công ty Cổ phần kỹ thuật công trình Việt Nam (đại diện là ông Lê Hồng Minh) và Nhà đầu tư thứ 2 – Công oty Cổ phần đầu tư bất động sản Toàn Cầu (đại diện là ông Nguyễn Quốc Hiệp).

Và tới ngày 18/12/2019, Hà Nội mới có quyết định cho phép Công ty Cổ phần kỹ thuật công trình Việt Nam chuyển mục đích hơn 4900m2 để thực hiện dự án Tòa nhà hỗn hợp GP Tower theo chủ trương đầu tư đã cấp. Hay nói cách khác tại thời điểm điều chỉnh chủ trương đầu tư, nhà đầu tư cũng vẫn chưa có “đất ở thuộc quyền sở hữu hợp pháp” theo quy định của Luật Nhà ở.

Liên quan đến nguồn gốc khu đất số 9 Phạm Văn Đồng, trước đó ngày 9/11/2004, Thành phố Hà Nội có Quyết định số 7624/QĐ-UB, Công ty Cơ khí và Tàu thuyền Thuỷ sản được thuê đất (Nhà nước cho thuê trả tiền hàng năm) tại thửa đất số 37 Km9 đường Phạm Văn Đồng để làm trụ sở văn phòng.

Trong đó có hơn 4500m2 là đất thuê 20 năm (tính từ ngày 1/1/2004) mục đích làm trụ sở văn phòng, phần đất còn lại nằm trong hành lang bảo vệ tuyến điện cao thế và mở đường theo quy định là đất thuê hàng năm.

Tìm hiểu thêm được biết, công ty này vốn có tiền thân là Cục cơ khí tàu thuyền thuộc Bộ Thủy sản. Tới ngày 8/12/2004 (nghĩa là sau Quyết định 7264 gần 1 tháng) công ty mới được Bộ Thủy sản quyết định cho chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang Công ty Cổ phần với tên gọi Công ty Cổ phần kỹ thuật công trình Việt Nam (2T CORPORATION, Quyết định số 1142/QĐ-BTS). Ngày 24/4/2007 diễn ra lễ bàn giao doanh nghiệp nhà nước.

Mặt khác, theo Văn bản số 5800/QHKT-P1 ngày 25/9/2018 thì hiện trạng trên khu đất đã có các công trình cao 1 – 5 tầng. Vậy nguồn gốc tài sản gắn liền với đất này có phần của ngân sách nhà nước không, đã được xử lý như thế nào? Việc xác định giá trị khi cổ phần hóa, xác định giá đất để thu tiền sử dụng đất, xác định lợi thế thương mại đã được thực hiện ra sao để không thất thoát ngân sách, tạo cơ hội cho “trục lợi” chính sách?

Ngoài ra, theo bản đồ Quy hoạch phân khu đô thị H2-1 tỷ lệ 1/2000 đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 6632/QĐ-UBND ngày 02/12/2015, khu đất tại số 9 đường Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy được xác định có chức năng là đất cơ quan nghiên cứu, trường đào tạo. Vậy, căn cứ nào để UBND thành phố Hà Nội cho phép thực hiện Dự án nhà ở thương mại?

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích