Dự án Richland Residence: Chủ đầu tư đang “cắm đầu”, nỗi lo chậm sổ đỏ trở lại
(Xây dựng) – Richland Residence là một trong những dự án đang được quảng bá rầm rộ tại Bình Dương. Thế nhưng, trong tình cảnh, doanh thu và lợi nhuận chủ đầu tư “cắm đầu đi xuống”, nỗi lo chậm sổ đỏ như Khu dân cư Cầu Đò, Khu dân cư Mỹ Phước 4B có nguy cơ trở lại.
Phối cảnh dự án Richland Residence. |
Richland Residence “nóng” hầm hập
Khu nhà phố thương mại Richland Residence đang là một trong những dự án được quảng bá rầm rộ nhất tại thị trường Bình Dương. Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thuận Lợi (Công ty Thuận Lợi). Dự án Richland Residence có quy mô 15,46ha, cung cấp ra thị trường gần 1.000 sản phẩm shophouse, nhà phố liền kề. Dự án được phát triển nhiều tiện ích như: các tuyến công viên cây xanh, khu thể thao đa năng, khu vui chơi trẻ em, trường mầm non…
Chủ đầu tư cho biết, Richland Residence dự kiến giới thiệu tới thị trường với mức giá từ 18,6 triệu/m2. Không chỉ được hưởng mức giá hấp dẫn, người mua còn có chế độ thanh toán linh hoạt. Theo đó, người mua dự kiến thanh toán trước 30%, phần còn lại chia nhỏ nhiều đợt thanh toán và được ngân hàng OCB hỗ trợ vay vốn lên đến 55% với lãi suất ưu đãi.
Sáng 6/6/2020, gần 1.000 môi giới (được chủ đầu tư coi là các chiến binh) đã tham gia Lễ ra quân dự án Richland Residence với chủ đề “Bứt tốc cự ly – Thống lĩnh thế trận”. Sự kiện diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Claris Palace (thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) trong không khí vô cùng sôi nổi.
Chủ đầu tư “cắm đầu”
Có thể thấy, Richland Residence đang rất “nóng” về mặt truyền thông. Thế nhưng, xét về bức tranh tài chính của chủ đầu tư Thuận Lợi, tình hình không được “tươi sáng” như vậy. Công ty Thuận Lợi đã có hành trình “lao dốc” rõ nét.
Công ty Thuận Lợi thành lập ngày 10/12/2012. Công ty có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, cổ đông sáng lập bao gồm bà Đặng Thị Kim Oanh (sở hữu 40% vốn công ty) và bà Nguyễn Thị Nhung (sở hữu 20% vốn công ty). Ông Nguyễn Thuận, chồng bà Đặng Thị Kim Oanh nắm giữ chức vụ Giám đốc Công ty Thuận Lợi.
Công ty Thuận Lợi đã có quãng thời gian hoạt động hiệu quả. 2018 là năm “đỉnh cao” khi doanh thu công ty tăng đột biến lên mức 1.585 tỷ đồng. Trước đó, chỉ tiêu này chỉ là 13,5 tỷ đồng (năm 2016) và 1.000 tỷ đồng (năm 2017). Nhờ đó, năm 2018, lợi nhuận sau thuế của công ty lên tới 203 tỷ đồng, tăng mạnh so với 120 tỷ đồng của năm 2017.
Thế nhưng, sang năm 2019, Công ty Thuận Lợi bất ngờ cắm đầu đi xuống. Từ lãi khủng 203 tỷ đồng, công ty chuyển sang lỗ 62,8 tỷ đồng. Con số này tăng lên lỗ 208 tỷ đồng vào năm 2020. Đây là điều khá bất ngờ vì Công ty Thuận Lợi có trong tay rất nhiều dự án.
Nỗi lo chậm sổ đỏ như ở Khu dân cư Cầu Đò, Khu dân cư Mỹ Phước 4B
Các chỉ tiêu kinh doanh “rơi tự do” nhưng nợ tại Công ty Thuận Lợi lại tăng mạnh. Tại ngày 31/12/2020, nợ phải trả của công ty đạt 6.354 tỷ đồng, tăng 1.643 tỷ đồng, tương đương 34,9% so với cuối năm 2019. Còn so với năm 2016, chỉ tiêu này tăng đến 5.373 tỷ đồng, tương đương 548%. Nợ phải trả cao gấp 5,8 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 85,2% tổng nguồn vốn. Con số này cho thấy nợ nần tại Công ty Thuận Lợi là rất lớn.
Việc nợ nần quá lớn có thể ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho cư dân. Khách hàng của Công ty đã có trải nghiệm không mấy vui vẻ này tại dự án Khu dân cư Cầu Đò và Khu dân cư Mỹ Phước 4B. Năm 2020, Công ty xin gia hạn thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại dự án Khu dân cư Cầu Đò và Khu dân cư Mỹ Phước 4B. Công ty đổ lỗi cho cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, căn cứ theo kết luận từ phía cơ quan có thẩm quyền thì Công ty Thuận Lợi đang có rất nhiều sai phạm tại dự án này, đặc biệt là sai phạm trong hành vi tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi chưa thực hiện các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật đất đai.
Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, hai dự án trên đều chưa có văn bản xác nhận chủ đầu tư được phép huy động vốn cho phát triển nhà ở thương mại. Hiện nay, hàng loạt các hành vi vi phạm pháp luật của công ty này cũng bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý.
Nguồn: Báo xây dựng