Dự án nhà ở cho công nhân: Vướng đủ thứ
Các dự án nhà ở cho công nhân hiện có hầu hết do các doanh nghiệp đầu tư để cho chính công nhân đang làm việc tại doanh nghiệp thuê hoặc cho ở miễn phí. Trong khi đó, các dự án nhà ở công nhân do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam triển khai, hoặc doanh nghiệp đầu tư để cho công nhân thuê, mua đều gặp khó khăn, vướng mắc, khó triển khai.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Lợi, Phó trưởng Ban quản lý dự án dự án thiết chế công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho biết, các dự án thiết chế công đoàn có nhà ở cho công nhân được làm thí điểm theo quyết định năm 2017 của Thủ tướng. Các dự án thí điểm tại Hà Nam và Tiền Giang nhằm rút kinh nghiệm, chỉ ra các vướng mắc để đề xuất các cấp ngành sửa đổi, bổ sung quy định, chính sách liên quan nhà ở cho công nhân, nên mỗi dự án triển khai theo những mô hình đầu tư khác nhau. Theo ông Lợi, giá bán và cho thuê các căn hộ trong khu thiết chế công đoàn đều rẻ, vì phần hạ tầng cơ bản do Tổng LĐLĐ đầu tư không tính vào giá bán.
Căn hộ 45m 2 của chị Mè Thị Thu trong Khu thiết chế công đoàn tỉnh Hà Nam – Ảnh: Phạm Thanh |
Qua thực tế triển khai khu thiết chế công đoàn Hà Nam, ông Lợi cho hay, 5 tòa nhà hoàn thành năm 2019, nhưng phải tới đầu năm 2022 mới cho thuê được do gặp nhiều vướng mắc trong các luật. Cụ thể như: Tổng LĐLĐ không có chức năng đầu tư, quản lý, kinh doanh bất động sản; chưa có quy định giao đất cho công đoàn làm nhà ở; Không được sử dụng tài chính công đoàn để đầu tư nhà kinh doanh. Do đó, dự án xong giai đoạn 1 cũng chưa thể cho thuê ngay, Tổng LĐLĐ phải đợi báo cáo Chính phủ cho phép đưa vào khai thác tạm cho công nhân thuê, tránh lãng phí trong thời gian chờ sửa luật. “Dự án làm xong đã được thanh tra, kiểm toán đầy đủ, đã xin ý kiến các bộ ngành, địa phương mới cho thuê được”, ông Lợi nói.
Ngoài ra, Tổng LĐLĐ cũng không được chọn nhà đầu tư các dự án nhà công nhân, dù tham gia đầu tư một phần hạ tầng, nên giai đoạn 2 của dự án tại Hà Nam và dự án tại Tiền Giang, phải thông qua địa phương để đấu thầu tìm nhà đầu tư.
Đại diện Tổng LĐLĐ cho rằng, hiện công nhân chỉ xếp vào nhóm được thuê, mua nhà ở xã hội như các nhóm khác, không có quy định riêng việc phải xây về nhà ở cho công nhân. Công nhân lại thường xuyên chuyển nơi ở, nơi làm, thậm chí nhiều công nhân tăng ca có thu nhập tới ngưỡng phải chịu thuế thu nhập cá nhân, nên không tiếp cận được nhà ở xã hội thông thường. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có các văn bản gửi cấp ngành đề xuất sửa đổi các Luật: Đất đai, Xây dựng, Kinh doanh bất động sản, Nhà ở, Đầu tư công, Luật Công đoàn (thêm chức năng nhiệm vụ cho Tổng LĐLĐ).
Thời gian tới, dự kiến quỹ tài chính công đoàn góp vào mỗi dự án nhà ở công nhân ở các địa phương khoảng 50 tỷ đồng để làm phần hạ tầng thiết yếu. Mục tiêu tới năm 2025 đầu tư 5 dự án thiết chế công đoàn có nhà ở cho công nhân, giai đoạn 2025-2030 thực hiện thêm 50 dự án.
Giá quá cao
Tại Hải Dương, dự án Khu dân cư dịch vụ công nghiệp (xã Ái Quốc, TP.Hải Dương) cạnh khu công nghiệp Nam Sách đã được đầu tư 1 tòa nhà ở xã hội. Tòa nhà có 82 căn hộ diện tích từ 40-68m2. Tòa nhà bắt đầu mở bán từ năm 2015, nhưng tới nay chỉ bán được 40 căn. Trong khi một số dự án khác đã giao đất nhưng chưa xây dựng.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Sở Xây dựng Hải Dương cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực tế còn ít dự án nhà ở cho công nhân, hoặc dự án không hấp dẫn cả với nhà đầu tư và công nhân. Ông Đoàn dẫn chứng, giá nhà ở xã hội còn cao, nếu công nhân có tiền họ sẽ lựa chọn mua đất thay vì mua nhà vì giá đất ở các địa phương cũng chỉ tương đương giá nhà chung cư; lợi nhuận xây nhà ở công nhân không cao, nhưng chịu nhiều ràng buộc… “Để giải quyết nhà ở cho công nhân, cần ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư khu công nghiệp phải đầu tư nhà ở cho công nhân”, ông Đoàn nói.
Ông Nguyễn Trung Dũng, Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng Hải Dương) cho biết, dù thực tế đã có dự án nhà ở cho công nhân nhưng rất ít người mua. Cụ thể, dự án Khu dân cư dịch vụ công nghiệp Nam Sách, chung cư bán giá hơn 6,7 triệu đồng/m2, trong khi giá đất trong làng chỉ khoảng 8 triệu đồng/m2, nên người có khả năng sẽ chọn mua đất. Cùng với đó, đa số lao động ngoài tỉnh chỉ tính làm công nhân một thời gian, sau đó sẽ về quê, nên không tính chuyện mua nhà để gắn bó lâu dài ở nơi làm việc.
Theo khảo sát của Ban Dân vận tỉnh ủy Hải Dương vào tháng 3 vừa qua với hơn 82.500 công nhân trên toàn tỉnh cho thấy, số công nhân muốn thuê nhà chỉ chiếm 3,2%, nhu cầu mua nhà chung cư để ở chỉ chiếm 3,1% tổng số công nhân được hỏi. Tới hết năm 2020, Hải Dương có 11 khu công nghiệp, hiện có 30 doanh nghiệp xây dựng nhà để cho công nhân của mình.
Tổng LĐLĐ Việt Nam cho hay, hiện cả nước có 122 dự án nhà ở cho công nhân đã hoàn thành, đáp ứng chưa tới 30% nhu cầu về nhà ở của công nhân. Tháng 2/2022, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa đổi Luật Nhà ở 2014, trong đó đã có các chính sách riêng đối với nhà công nhân khu công nghiệp. |
Nguồn: Báo xây dựng