Dự án nạo vét hồ Khe Sanh tại Nghi Sơn (Thanh Hóa): Hơn 8 năm chưa hoàn thành

Mặc dù Dự án cải tạo nâng cấp đường và nạo vét hồ Khe Sanh tại phường Trúc Lâm, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) đã thực hiện được 8 năm và được gia hạn 2 lần. Thế nhưng, hiện nay khối lượng công việc vẫn chưa hoàn thành, thậm chí mục tiêu của Dự án có dấu hiệu không còn phù hợp.

Được biết, ngày 30/05/2014, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản số 4389/UBND-NN về việc chấp thuận phương án cải tạo nâng cấp đường và nạo vét hồ Khe Sanh, xã Trúc Lâm, huyện Tĩnh Gia (nay là phường Trúc Lâm, thị xã Nghi Sơn). Chủ đầu tư là Công ty TNHH xây dựng Hùng Sơn, sau đổi tên thành Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ thương mại Miền Tây Xanh (Công ty Miền Tây Xanh).

anh-1(2).jpg
Dự án nạo vét hồ Khe Sanh tại phường Trúc Lâm, thị xã Nghi Sơn sau 8 năm vẫn chưa hoàn thành

Dự án nạo vét hồ Khe Sanh với mục tiêu để tăng khả năng trữ nước của hồ phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước cho Khu Kinh tế Nghi Sơn. Cải tạo, nâng cấp đường Quốc lộ 1A vào hồ tạo điều kiện đi lại và sinh hoạt cho dân cư sinh sống khu vực hồ và được tận thu phế liệu đất, cát từ nạo vét lòng hồ để làm vật liệu san lấp.

Các hạng mục công trình chính gồm: Nạo vét lòng hồ trong phạm vi từ cao trình mực nước dâng bình thường (+9.5)m trở xuống với diện tích 17ha; khối lượng nạo vét khoảng 1,4 triệu m3 đất, cát. Cải tạo, nâng cấp đường bê tông từ Quốc lộ 1A vào hồ dài 1,355 km. Dự án được thực hiện trong 5 năm từ 2014 – 2019.

anh-2(2).jpg
5 năm nạo vét là 1,4 triệu m3 đất, cát nhưng không phân kỳ tận thu khối lượng khoáng sản và công việc thực hiện hằng năm

Sau 5 năm thực hiện Dự án, Công ty Miền Tây Xanh vẫn chưa hoàn thành khối lượng công việc theo phương án được phê duyệt. Sau đó, ngày 15/01/2019, Công ty Miền Tây Xanh đã có công văn số 28/BC-CT gửi UBND tỉnh Thanh Hóa xin gia hạn lần 1 để thực hiện hết khối lượng và đảm bảo mục tiêu của phương án. Ngày 25/4/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản số 5024/UBND-NN chấp thuận gia hạn thời gian thực hiện dự án cho Công ty Miền Tây Xanh đến ngày 30/05/2021.

UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Công ty Miền Tây Xanh tổ chức thi công, khắc phục các tồn tại trong quá trình thực hiện phương án, cụ thể: Tổ chức nạo vét phần lòng hồ phía hữu, tạo mái xung quanh lòng hồ và tạo mặt bằng khu vực nạo vét; thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt và có biện pháp lắng lọc phù hợp để hạn chế bùn, sét trở về hồ gây đục nước và ảnh hưởng chất lượng nước; hoàn thiện hồ sơ pháp lý quản lý chất lượng, báo cáo giám môi trường trong quá trình thi công theo quy định.

Sau khi Công ty Miền Tây Xanh được “ưu ái” thực hiện Dự án trong 2 năm tiếp theo, có thể thấy tính hiệu quả của Dự án vẫn không mấy khả quan và chưa đem lại hiệu quả rõ rệt. Để tiếp tục được triển khai Dự án, ngày 21/05/2021, Công ty Miền Tây Xanh có Tờ trình số 18/VB-CT gửi UBND tỉnh Thanh Hóa xin gia hạn lần 2 thực hiện nạo vét lòng hồ Khe Sanh.

anh-3(2).jpg
Dù đã được gia hạn 2 lần, nhưng hiện nay việc đảm bảo mục tiêu của Dự án không mấy khả quan

Ngày 24/05/2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang có văn bản số 6896/UBND-NN giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, nghiên cứu đề nghị của Công ty Miền Tây Xanh; có ý kiến tham mưu đề xuất, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trước ngày 31/5/2021. Ngày 05/7/2021, UBND tiếp tục có văn bản số 9636/UBND-NN về việc gia hạn thời gian thực hiện dự án cho Công ty Miền Tây Xanh đến ngày 31/12/2022.

Việc chấp thuận phương án nạo vét hồ Khe Sanh chỉ quy định chung chung khối lượng nạo vét là 1,4 triệu m3 đất, cát nhưng không phân kỳ tận thu khối lượng khoáng sản và công việc thực hiện hằng năm. Dẫn tới việc khó kiểm soát, đánh giá khối lượng công việc theo năm. Chính vì vậy, chủ đầu tư đã không đảm bảo về tiến độ công việc trong nhiều năm và khi hết hạn lại tiếp tục xin UBND tỉnh gia hạn.

Vậy vì sao hơn 8 năm trôi qua và được UBND tỉnh Thanh Hóa 2 lần gia hạn cho Công ty Miền Tây Xanh, nhưng hiện nay việc thực hiện Dự án chưa đem lại nhiều hiệu quả về mục tiêu tăng khả năng tích nước của hồ để phục vụ nhu cầu tưới, tiêu nước trong sản xuất nông nghiệp. Hay đây là một kiểu cách để doanh nghiệp lợi dụng khai thác tài nguyên khoáng sản?.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!

Bạn cũng có thể thích