Dự án Luật Đất đai (sửa đổi): Đánh giá kỹ lưỡng để hoàn thiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi): Đánh giá kỹ lưỡng để hoàn thiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6
Tiếp tục phiên họp thứ 26, chiều 28/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo).
“Những Bộ có liên quan trực tiếp đến các nội dung đang còn vướng, còn 2 phương án hoặc những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần “họp sâu, bàn kỹ, lập luận cho đầy đủ để chúng ta có một dự thảo luật tốt nhất” – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 28/9.
Tiếp tục phiên họp thứ 26, chiều 28/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo).
Hồ sơ dự án luật hiện tại đã đủ điều kiện để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6
Cho ý kiến về dự án luật này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đây là dự án luật có tầm quan trọng đặc biệt, phạm vi rộng, nội dung khó, có ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng, đối nội, đối ngoại, tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Do đó, Chính phủ cũng như các cơ quan của Quốc hội đã rất nỗ lực, cố gắng trong quá trình xây dựng dự án luật này. Hồ sơ dự án luật hiện tại đã đủ điều kiện để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Hiện nay một số nội dung quan trọng của dự án luật vẫn đang trong quá trình xem xét để lựa chọn phương án tối ưu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, với những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tham mưu cho Chính phủ, căn cứ vào báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế, để đưa ra ý kiến, quan điểm, phối hợp giải trình, tiếp thu đầy đủ.
Đánh giá cao nỗ lực của cơ quan thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan hữu quan để xem xét, nêu rõ quan điểm, chính kiến về những vấn đề có ý kiến khác nhau. Cần làm rõ nội dung, ưu nhược điểm của từng phương án quy định, làm rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn, đánh giá khách quan và đầy đủ tác động, để đưa ra quy định sát với thực tiễn, đạt được sự đồng thuận cao. Ủy ban Kinh tế cần sớm tổng hợp các nội dung còn ý kiến khác nhau, các phương án để hoàn thiện báo cáo, xin ý kiến Đảng đoàn Quốc hội, trình Bộ Chính trị trước khi tiến hành kỳ họp.
Bổ sung nội hàm phương pháp định giá đất
Trước đó, báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được rà soát, chỉnh sửa, bổ sung nhiều nội dung nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
Báo cáo một số nội dung lớn, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nêu rõ, về các phương pháp định giá đất, tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật lồng ghép phương pháp chiết trừ vào phương pháp so sánh, không còn là một phương pháp định giá độc lập; bổ sung trở lại phương pháp thặng dư.
Về nội hàm các phương pháp định giá đất, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, thực tế thời gian vừa qua cho thấy những bất cập trong công tác định giá đất cần phải có quy định ở khung pháp lý cao hơn quy định tại Nghị định để điều chỉnh các nội dung về nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất.
Về nội dung, đối với mỗi phương pháp cần có quy định rõ về nội hàm và trường hợp áp dụng, tránh vướng mắc, gây rủi ro trong quá trình tổ chức thực hiện. Đây cũng là ý kiến đề xuất của nhiều đại biểu Quốc hội, vì vậy, trên cơ sở nội dung do Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất, dự thảo Luật đã được chỉnh sửa theo hướng bổ sung nội hàm các phương pháp định giá đất, bỏ quy định tại khoản 5 Điều 158 dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 về việc lựa chọn phương pháp theo nguyên tắc “có lợi nhất cho ngân sách nhà nước”, thay thế bằng nguyên tắc cơ bản về việc áp dụng đối với từng phương pháp cụ thể.
Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật thiết kế quy định cụ thể tại dự thảo Luật nội hàm của từng phương pháp định giá đất và trường hợp áp dụng từng phương pháp cụ thể, tuy nhiên, về nội hàm và trường hợp áp dụng từng phương pháp cụ thể cũng còn ý kiến khác nhau (có phương án được thiết kế trên cơ sở báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, phương án khác được thiết kế theo ý kiến chuyên gia).
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng đây là nội dung quan trọng, vì vậy, cần có đề xuất chính thức của Chính phủ. Một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng nội hàm các phương pháp đã có sự thay đổi so với quy định của pháp luật hiện hành, vì vậy, chưa có cơ sở thực tiễn để đánh giá tính hợp lý về nội hàm và nguyên tắc áp dụng các phương pháp xác định giá đất, do đó đề nghị chỉ quy định tên phương pháp và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Ngoài ra, một số vấn đề lớn khác được Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh báo cáo gồm: Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm; về các chỉ tiêu sử dụng đất tại nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; Về thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng…
Cần phối hợp chặt chẽ, đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng các phương án trong dự thảo luật
Tham gia ý kiến tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, về quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai ở Mục 3 Chương II. Dự thảo có quy định 7 nhóm quyền và 4 nhóm nghĩa vụ của công dân đối với đất đai được quy định tại các Điều 23, 24 và 25. Đồng thời, dự thảo của luật dành riêng Chương III để quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất với nhiều điều luật rất cụ thể.
Trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết, Luật Đất đai hiện hành không có quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai mà chỉ có quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Dự thảo luật đã bổ sung 3 điều là Điều 23, Điều 24, Điều 25 để quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai. Đại biểu bày tỏ tán thành về việc bổ sung các điều luật này, nhằm quy định cụ thể các quyền và nghĩa vụ của công dân với tư cách là người chủ sở hữu đất đai. Tuy nhiên, do dự thảo đã thiết kế một chương là Chương III quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất với nhiều điều luật cụ thể. Với tư cách là người sử dụng đất, do đó Trưởng Ban Công tác đại biểu cũng đề nghị trong mục 3 Chương I, các Điều 23, 24, 25 chỉ nên quy định các quyền và nghĩa vụ của công dân với tư cách là người chủ sở hữu đất đai, không quy định cụ thể các quyền và nghĩa vụ với tư cách là người sử dụng đất.
Cụ thể, Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị rà soát lại khoản 5 Điều 23 các quyền cụ thể như quyền mua bán, nhận chuyển nhượng cổ phần phần vốn góp giá trị quyền sử dụng đất là quyền của người sử dụng đất nên đưa sang điều chỉnh tại Chương III là quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị Thường trực Ủy ban Kinh tế có quan điểm rõ ràng và đề xuất cụ thể về lộ trình tiếp theo đối với dự án luật này, trong đó dự kiến về tiến độ gửi tài liệu đến với đại biểu Quốc hội. Đây là một yêu cầu bắt buộc theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng như là Nội quy kỳ họp.
Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm b khoản 2 và điểm a khoản 3 của Điều 75, khoản 4 và khoản 5 Điều 76 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan trình dự án có ý kiến bằng văn bản về những nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, trong đó nêu rõ những vấn đề có ý kiến khác với dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và đề xuất phương án để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, tại kỳ họp dự kiến thông qua dự án luật thì trường hợp cơ quan trình dự án, dự thảo có ý kiến khác thì báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. Trên cơ sở quy định của pháp luật, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị Chính phủ có văn bản báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thể hiện rõ ý kiến như yêu cầu trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời cân nhắc báo cáo trước Quốc hội, nếu ý kiến khác với ý kiến trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình tại kỳ họp nhằm đảm bảo rõ trách nhiệm, đúng quy định và có đủ căn cứ cho Quốc hội xem xét quyết định.
Về quyền, nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm, quy định tại Điều 34 của dự thảo luật, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bày tỏ tán thành với phương án 1 như đã được thể hiện trong dự thảo luật. Theo đó, đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước cho thuê đất, thu tiền thuê đất hàng năm không có quyền bán, quyền thế chấp, quyền góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất và quyền cho thuê trong hợp đồng thuê. Quy định như vậy nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ, phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và tránh phát sinh những vấn đề phức tạp trong quá trình xử lý liên quan đến đất và tài sản trên đất nếu cho phép thế chấp tài sản trên đất.
Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận nỗ lực của các cơ quan trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật sửa đổi. Để tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6 tới đây, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Pháp luật cũng như các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát kỹ lưỡng dự thảo luật, đảm bảo thể chế hóa đầy đủ chủ trương lớn của Đảng về quản lý, sử dụng đất đai, đặc biệt là các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Nghị quyết 18 Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Đối với các vấn đề còn ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ủy ban Kinh tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng, xây dựng bộ tiêu chí cũng như lựa chọn phương án tối ưu để báo cáo Quốc hội. Trường hợp có từ 2 phương án trở lên thì cần có thuyết minh, lập luận cho từng phương án, đánh giá cụ thể căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn cũng như tác động của từng phương án, tuy nhiên cần tối ưu hóa để báo cáo Quốc hội thảo luận cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế sớm hoàn thiện báo cáo chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và dự thảo luật cũng như các tài liệu cần thiết kèm theo báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình xem xét dự thảo luật tại kỳ họp thứ 6.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị