Dự án hồ chứa nước ngọt tại Cà Mau chậm tiến độ hơn 9 tháng: Chưa hoàn thành đã sụt lún
(Xây dựng) – Ngoài việc chậm tiến độ hơn 9 tháng, các cơ quan chức năng phát hiện, công trình hồ chứa nước ngọt có dấu hiệu kém chất lượng.
Đại diện đơn vị thi công ủng hộ địa phương tại buổi lễ khởi công. |
Kéo dài thời gian sẽ tăng chi phí xây dựng
Liên quan đến hồ nước ngọt sử dụng 120ha với vốn đấu tư 180 tỷ đồng, chậm tiến độ 9 tháng nhưng được chủ đầu tư là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau xin gia hạn đến ngày 30/4/2023 nhưng không được sự đồng ý, ngày 03/10, chúng tôi phát hiện thêm nhiều khuất tất tại dự án này. Vì sao dự án không được gia hạn theo đế xuất của chủ đầu tư? Một cán bộ tỉnh cho biết, việc kéo dài thời gian thêm sẽ tăng chi phí xây dựng. Trong khi đó, đây là hạng mục công trình thuộc Tiểu dự án 8 “Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phòng, chống xói lở bờ biển, cung cấp nước ngọt và phục vụ nuôi tôm – rừng vùng ven biển tỉnh Cà Mau” của Dự án chống chịu khí hậu bền vững và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (Dự án ICRSL), được đầu tư bằng vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới. Nếu tăng thời gian, nhà thầu là Liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Thới Bình – Công ty Cổ phần Xây dựng Thủy lợi Cà Mau tăng chi phí xây dựng, đơn vị đầu tư không chấp nhận, ai chịu trách nhiệm.
Thực tế, thời gian qua, tại Cà Mau, một số công trình chậm tiến độ so với hợp đồng thì đơn vị thi công đề nghị tăng chi phí theo giá thực tế gây khó khăn sử dụng nguồn vốn ngân sách. “Còn Dự án hồ chứa nước ngọt sử dụng vốn vay ODA nên khó khăn việc thay đổi. Khi thực hiện dự án, tất cả từ khâu thiết kế, tư vấn phải thông qua đơn vị cho vay. Nếu gia hạn thời gian, chi phí phát xin có được vay bổ sung hay sử dụng nguồn vốn ngân sách chưa được quy định rõ”, một cán bộ cho biết. Ngoài ra, không ít cơ quan ngạc nhiên khi nhận được đề nghị gia hạn thời gian thi công xây dựng công trình đến ngày 30/4/2023 của chủ đầu tư từ đề nghị của Tổ Tư vấn giám sát là Ban Quản lý các dự án ODA và NGO tỉnh Cà Mau, Tổ Tư vấn thiết kế không có ý kiến.
Hồ chứa nước ngọt Cà Mau với vốn đầu tư hơn 184 tỷ đồng và 120ha đất ở xã Khánh An, huyện U Minh. |
Có dấu hiệu kém chất lượng
Theo Công văn số 1722/SNN-XD ngày 05/5/2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chủ đầu tư không nêu về việc có bị phát sinh tăng chi phí xây dựng do gia hạn tăng thời gian thi công, nhưng tại thời điểm hiện nay, nhà thầu chậm tiến độ so với hợp đồng, khối lượng xây dựng chưa hoàn thành nên không thể không tăng thêm thời gian thi công. Các cơ quan chức năng thống nhất gia hạn đến ngày 22/10/2023 để tạo điều kiện cho chủ đầu tư, đơn vị thi công và các đơn vị liên quan khác có cơ sở thực hiện hoàn thành các công việc theo các hợp đồng đã ký.
Về chất lượng công trình hồ chứa nước ngọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau có báo cáo cho rằng: “Thời gian qua, tại một số vị trí khu vực mái hồ, bờ bao quanh hồ xuất hiện một số dấu hiệu cho thấy mái hồ có nguy cơ bị sụt lún, trượt sâu và mất ổn định đường bờ bao kết hợp đường giao thông quanh hồ… Nếu không điều chỉnh các thông số kỹ thuật như giảm cao trình mặt đất quanh hồ, tăng hệ số mái hồ, tăng chiều rộng lưu không, dời bờ bao, đường giao thông ra xa mép bờ hồ, thay đổi biện pháp thi công để phù hợp với thời tiết, địa hình cục bộ khu vực mái hồ, đường bờ bao quanh hồ”.
Một cán bộ Sở Xây dựng lý giải: “Đề nghị điều chỉnh cần phải xem xét. Các cơ quan có liên quan cần đánh giá lại các hồ sơ thiết kế đã được thẩm tra thiết kế để làm cơ sở cho thẩm định và phê duyệt. Nếu thi công xảy ra nội dung trên thì phải xem xét trách nhiệm của các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra, thi công xây lắp cùng các đơn vị liên quan khác đối với chất lượng hiện tại công trình. Trong việc thanh quyết toán khối lượng công việc đã thực hiện, chủ đầu phải chịu trách nhiệm nghiệm thu khối lượng, chất lượng các công việc hoàn thành theo đúng nội dung các hợp đồng đã ký (về thiết kế, thi công, giám sát…) và các quy định Nhà nước quản lý xây dựng hiện hành. Nhà thầu cho rằng, trời mưa khó thi công, đặc thù công trình bùn, mùa mưa kéo dài 6 tháng nên chậm tiến độ. Như vậy, thiết kế ban đầu, đơn vị thi công lập cho công trình nào?”.
Hiện dư luận người dân Cà Mau chờ các cơ quan chức năng kiểm tra từ khâu lập hồ sơ đến quá trình thi công hồ chứa nước ngọt. Bởi đây là công trình sử dụng bằng nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới thì rất cần sự công khai, minh bạch.
Nguồn: Báo xây dựng