Dự án Hamubay bị Bộ Công an vào cuộc: Hé lộ về Công ty Xây dựng Trường Phúc Hải và ông chủ

(Xây dựng) – Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thông báo đến địa phương và chủ đầu tư nội dung kết luận định giá trong tố tụng hình sự cấp Bộ đối với 3 dự án bất động sản tại thành phố Phan Thiết, Bình Thuận, trong đó có Harmubay. Ông chủ đứng sau dự án này là doanh nhân Nguyễn Hải.

Ba dự án trên gồm: Khu đô thị du lịch biển thành phố Phan Thiết; dự án lấn biển, bố trí, sắp xếp lại khu dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long và xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết (Hamubay và dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 (Tân Việt Phát 2).

du an hamubay bi bo cong an vao cuoc he lo ve cong ty xay dung truong phuc hai va ong chu
Phối cảnh dự án Hamubay Phan Thiết tại Bình Thuận (ảnh: Internet).

Trong đó, đáng chú ý nhất, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố 5 bị can nguyên là các Chủ tịch, phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận và Giám đốc, phó Giám đốc các sở ngành để điều tra về hành vi “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” tại dự án Tân Việt Phát 2.

Tại dự án Hamubay, Hội đồng định giá cấp Bộ đã công bố kết quả đối với phần diện tích hơn 26ha tại thời điểm ngày 28/2/2018 là hơn 476 tỷ đồng và thời điểm ngày 10/5/2021 hơn 1.382 tỷ đồng.

Hamubay là một trong số 4 dự án mà công dân Bình Thuận có đơn tố cáo gửi đến Thanh tra Chính phủ về việc UBND tỉnh Bình Thuận giao đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Ông Nguyễn Hải – Cổ đông lớn nhất Công ty Xây dựng Trường Phúc Hải

Hamubay có chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Trường Phúc Hải (Công ty Trường Phúc Hải).

Công ty Trường Phúc Hải thành lập ngày 24/5/2004 tại phường Tân Thành, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh với người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Hải. Ông Hải đồng thời là cổ đông lớn nhất tại công ty với tỷ lệ sở hữu lên đến 57% vốn điều lệ, tương đương 570 tỷ đồng (tại thời điểm tháng 5/2021).

Các cổ đông còn lại gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Trường Phúc Hải (sở hữu 35% vốn điều lệ) và bà Đỗ Thị Kim Hạnh (sở hữu 8% vốn công ty). Đáng chú ý, công ty Đầu tư Trường Phúc Hải là thành viên của Trường Phúc Hải, bà Kim Hạnh có cùng địa chỉ với ông Hải.

Công ty Cổ phần Đầu tư Trường Phúc Hải cũng liên quan nhiều đến ông Hải là Công ty Trường Phúc Hải. Tại thời điểm thành lập, Công ty Cổ phần Đầu tư Trường Phúc Hải có vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm: Công ty Trường Phúc Hải (sở hữu 70% vốn), ông Nguyễn Đăng Khoa (sở hữu 27% vốn), bà Phạm Thị Kim Anh (sở hữu 1% vốn) và bà Bùi Thụy Pha Lê (sở hữu 2% vốn).

Ông Nguyễn Đăng Khoa, cổ đông lớn thứ hai của Đầu tư Trường Phúc Hải có cùng địa chỉ với ông Nguyễn Hải.

Như vậy, các cá nhân có địa chỉ ở 481/23/6 đường Tân Kỳ Tân Quý, phường Tân Quý, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh cùng với ông Nguyễn Hải nắm giữ đa số cổ phiếu tại cả Trường Phúc Hải và Đầu tư Trường Phúc Hải.

Hiện Công ty Trường Phúc Hải có 7 công ty thành viên, bao gồm: Công ty Đầu tư Trường Phúc Hải; Công ty Cổ phần Đầu tư Hồng Hạc; Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Hải Nam; Công ty Cổ phần Xây dựng Nam Bờ Đông; Công ty TNHH Bắc Tà Zôn; Công ty Cổ phần New Brich Trading và Công ty Cổ phần Bất động sản TPH.

Chủ đầu tư kinh doanh yếu kém, nhiều tài sản thế chấp tại Ngân hàng

Công ty Trường Phúc Hải là chủ đầu tư của dự án “tai tiếng” Hamubay. Dù thành lập đã lâu, dù có quy mô vốn hàng trăm tỷ đồng nhưng bức tranh tài chính của công ty rất yếu kém.

Cụ thể, năm 2019, công ty tăng vốn chủ sở hữu từ 196 tỷ đồng lên 491 tỷ đồng. Tuy nhiên, do không thu được lợi nhuận nên chỉ tiêu này sụt giảm dần xuống 470 tỷ đồng (năm 2020) và 469 tỷ đồng (năm 2021).

Vốn trăm tỷ nhưng Trường Phúc Hải có quy mô doanh thu vô cùng khiêm tốn, lần lượt đạt 0 đồng (năm 2018), 6,1 tỷ (năm 2019), 2,6 tỷ (năm 2020) và 225 triệu đồng (năm 2021).

Kết quả là công ty triền miên thua lỗ với các khoản lỗ 2,1 tỷ đồng (năm 2018), 7,2 tỷ đồng (năm 2019) và 1,2 tỷ đồng (năm 2021). 2020 là năm hiếm hoi Trường Phúc Hải có lãi với khoản lãi khiêm tốn chỉ 4,1 tỷ đồng.

Trong khi Công ty Trường Phúc Hải ghi nhận doanh thu èo uột, thường xuyên thua lỗ, “hệ sinh thái” doanh nhân Nguyễn Hải phải thế chấp nhiều tài sản để vay vốn tại ngân hàng.

Cụ thể, ngày 12/1/2021, ông Nguyễn Hải vay vốn tại Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh – Chi nhánh Bình Thuận.

Tài sản đảm bảo là Toàn bộ phần vốn góp của Bên bảo đảm tại Công ty TNHH Xây dựng đầu tư Trường Phúc Hải (trị giá 736 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nắm giữ 92% vốn) và toàn bộ các quyền của Bên bảo đảm được hưởng từ Phần vốn góp nêu trên tại Công ty, toàn bộ lợi tức, phần giá trị/tài sản/lợi ích phát sinh tăng thêm/tài sản hình thành (bao gồm cả hình thành trong tương lai) từ phần vốn góp của Bên bảo đảm tại Công ty.

Trước đó, vào ngày 8/2/2018, ông Nguyễn Đăng Khoa, cổ đông lớn tại Công ty Đầu tư Trường Phúc Hải, người có cùng địa chỉ với ông Nguyễn Hải đã vay vốn tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) – Chi nhánh Gò Vấp, phòng giao dịch Huỳnh Thúc Kháng. Tài sản đảm bảo là ôtô Volkswagen Touareg.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích