Dự án đường băng sân bay Nội Bài thi công theo lệnh khẩn cấp sắp vận hành
Đường cất – hạ cánh 1B và các đường lăn nối tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) sẽ được nghiệm thu có điều kiện để đưa vào khai thác. Đây là dự án triển khai theo lệnh khẩn cấp của Chính phủ.
Ông Lê Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) – vừa chỉ đạo nghiệm thu có điều kiện đối với đường cất – hạ cánh (CHC) 1B và các đường lăn nối. Các hạng mục này thuộc dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài (HKQT) và rà soát, xây dựng mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng cho ngành hàng không.
Thứ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long chủ động rà soát phát hiện các tồn tại, vướng mắc trong quá trình thi công bước 1.
“Ban QLDA Thăng Long cần rà soát lại công tác quản lý chất lượng, trình tự triển khai, tăng cường lực lượng có chuyên môn và kinh nghiệm tại công trường như nhà thầu, tư vấn giám sát, cán bộ giám sát của Ban để xử lý các vấn đề đang còn tồn tại theo đúng các quy trình, quy định về đầu tư xây dựng cơ bản” – Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nêu rõ.
Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài sẽ được nghiệm thu có điều kiện để đưa vào khai thác (Ảnh minh họa: Đỗ Linh). |
Đối với việc nghiệm thu có điều kiện phạm vi 532 m đầu đường CHC 11R và 193 m đầu 29L trên đường CHC 1B, Bộ GTVT thống nhất chủ trương chưa tiến hành thi công cắt xẻ rãnh 6x6x38 mm phạm vi 532 m đầu đường CHC 11R và 193 m đầu 29L trên đường CHC 1B trong thời gian thi công đường CHC 1A.
Với việc khai thác đường cất hạ cánh 1B, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long, tư vấn thiết kế phối hợp với nhà khai thác cảng, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam xây dựng phương án khai thác theo tình hình thực tế, trình Cục Hàng không Việt Nam cấp phép khai thác đảm bảo khai thác an toàn, liên tục.
Vụ Khoa học công nghệ được giao chủ trì cùng Cục Hàng không Việt Nam rà soát danh mục các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng ngành hàng không, báo cáo lãnh đạo Bộ GTVT trước ngày 1/9 về đề xuất các quy chuẩn, tiêu chuẩn cần điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng mới thực hiện trong năm 2021-2022 và các năm tiếp theo. Đặc biệt, cần biên soạn 3 tiêu chuẩn trọng điểm phục vụ thiết kế và thi công mặt đường sân bay.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cũng giao Vụ Kế hoạch – Đầu tư làm việc với Cục Hàng không Việt Nam xem xét tính cần thiết hình thành dự án hỗ trợ kỹ thuật nước ngoài nhằm khảo sát, đánh giá hệ thống tiêu chuẩn hiện có trong ngành hàng không, xây dựng bộ khung hệ thống tiêu chuẩn trong ngành hàng không.
Những năm 2017, 2018, do phải khai thác vượt tần suất thiết kế, tiếp nhận nhiều loại máy bay thế hệ mới với tải trọng lớn như A350-900, B787-9, B787-10 nên hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn của Cảng HKQT Nội Bài bị xuống cấp và ngày càng nghiêm trọng.
Dù việc sửa chữa, trám vá được thực hiện thường xuyên nhưng do quá tải khai thác nên bề mặt đường băng liên tục bị bong bật, hư hỏng. Với tình trạng xuống cấp kết cấu mặt đường băng thời điểm đó, nếu không được cải tạo, nâng cấp kịp thời có thể phải đóng cửa đường băng, dừng khai thác hoạt động bay.
Tháng 3/2020, Chính phủ đã thống nhất sử dụng một phần nguồn tăng thu và kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2019 để đầu tư dự án cải tạo đường cất hạ cánh và đường lăn các cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất nhằm bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình vận hành, khai thác.
Chính phủ quyết định là dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Trình tự, thủ tục thực hiện xây dựng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng đối với công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp.
Dự án có tổng mức đầu tư là 2.031 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 1.449 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Thời gian thi công theo 2 bước: Bước 1 – đảm bảo khai thác được 3.200 m đường cất hạ cánh 1B cho máy bay Code C nhằm phục vụ Tết Nguyên đán năm 2021. Bước 2 -bàn giao đưa công trình vào khai thác trước Tết Nguyên đán năm 2022.
Dự án sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ có tuổi thọ ít nhất 20 năm, thậm chí có thể lên tới 50 năm nếu như công tác bảo dưỡng định kỳ được làm thường xuyên theo đúng quy định.
Nguồn: Báo xây dựng