Dự án cầu Rạch Miễu 2 gặp khó vì nguồn cát và mặt bằng thi công
Dự án cầu Rạch Miễu 2 gặp khó vì nguồn cát và mặt bằng thi công
Theo báo cáo, tính đến nay, diện tích giải phóng mặt bằng (GPMB) phía Bến Tre bàn giao được cho Dự án đạt khoảng 93%, phía Tiền Giang mới bàn giao được hơn 47%.
Thông tin về tình hình triển khai dự án cầu Rạch Miễu 2, Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, tính đến trung tuần tháng 5/2023, dự án đã triển khai thi công 6/6 gói thầu xây lắp, sản lượng thi công đạt hơn 13,6% giá trị hợp đồng.
Mặc dù tiến độ tổng quan dự án cơ bản đáp ứng yêu cầu, song, xét trên từng gói thầu xây lắp, các gói: XL-01, XL-03, XL-04 và XL-06 vẫn chậm hơn yêu cầu do khó khăn về nguồn cát, đặc biệt là mặt bằng thi công.
“Theo báo cáo, tính đến nay, diện tích GPMB phía Bến Tre bàn giao được cho dự án đạt khoảng 93%, phía Tiền Giang mới bàn giao được hơn 47%. Phạm vi bàn giao mặt bằng không liên tục, một số vị trí đã nhận tiền nhưng chậm bàn giao,… ảnh hưởng lớn đến công tác tổ chức thi công”, Cục Quản lý đầu tư xây dựng thông tin, đồng thời yêu cầu Ban QLDA Mỹ Thuận phối hợp chặt chẽ với địa phương để kịp thời giải quyết các vướng mắc, sớm bàn giao mặt bằng cho dự án.
Trên cơ sở đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án do kinh phí GPMB tăng, Bộ GTVT đang xem xét để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo phương án được duyệt trước đó, dự án cầu Rạch Miễu 2 có tổng chiều dài hơn 17 km. Trong đó, phần cầu dài gần 2 km, rộng 21,5 m, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết 80 km/h.
Phần đường dẫn được thiết kế với quy mô đường cấp 3 đồng bằng, tốc độ thiết kế 80 km/h, mặt cắt ngang đáp ứng quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp.
Tổng mức đầu tư dự án là hơn 5.175 tỷ đồng được đầu tư từ ngân sách Trung ương. Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ năm 2021 đến năm 2025.
Tại Tờ trình điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án được Ban QLDA Mỹ Thuận trình Bộ GTVT, tổng mức đầu tư dự án là hơn 6.600 tỷ đồng, tăng hơn 1.426 tỷ đồng so với phê duyệt trước đó.
Trong cơ cấu chi phí các hạng mục được đề nghị điều chỉnh, chi phí GPMB tăng hơn 1.900 tỷ đồng; Chi phí xây dựng, thiết bị giảm hơn 96 tỷ đồng; Chi phí QLDA, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác giảm gần 90 tỷ đồng; Chi phí dự phòng giảm hơn 352 tỷ đồng.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị