Dự án cao tốc đoạn Gia Nghĩa-Chơn Thành: Kết nối Tây Nguyên và Đông Nam Bộ
Chính phủ đề xuất phân chia dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Gia Nghĩa-Chơn Thành thành 5 dự án thành phần, gồm 1 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP và 4 dự án thành phần đầu tư công.
Quang cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Nguồn: TTXVN) |
Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước).
Tóm tắt tờ trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết mục tiêu đầu tư dự án trọng điểm quốc gia này là kết nối Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai và các địa phương khác trong vùng, tạo không gian phát triển mới; khai thác tiềm năng sử dụng đất, phát triển du lịch, công nghiệp chế biến, khai khoáng… góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và quốc gia theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Dự án có điểm đầu giao đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) tại Km1915+900, thuộc địa phận huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông; điểm cuối kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành-Đức Hòa, thuộc địa phận thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước với tổng chiều dài khoảng 128,8km.
Dự án sẽ có quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh; giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch 6 làn xe. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 25.540 tỷ đồng, bao gồm 12.770 tỷ đồng vốn Nhà nước và 12.770 tỷ đồng vốn do nhà đầu tư huy động.
Chính phủ đề xuất phân chia dự án thành 5 dự án thành phần, gồm 1 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP và 4 dự án thành phần đầu tư công.
Dự kiến, Dự án sẽ tiến hành chuẩn bị đầu tư từ năm 2023, thực hiện từ năm 2024 và phấn đấu hoàn thành vào năm 2026. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội cho phép dự án áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Cụ thể, chấp thuận bố trí 8.770 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách Trung ương năm 2022 và 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 để đầu tư Dự án; cho phép kéo dài thời gian giải ngân đến hết năm 2026 đối với số vốn bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách Trung ương năm 2022 để thực hiện dự án.
Về cơ chế chỉ định thầu, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện Dự án đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, áp dụng trong 2 năm kể từ ngày Dự án được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội cho phép trong giai đoạn triển khai Dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng. Việc khai thác khoáng sản quy định tại khoản này được thực hiện đến khi hoàn thành dự án. Trường hợp không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản thì không phải thực hiện thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết đầu tư dự án. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần đánh giá kỹ về khả năng bố trí nguồn lực, đánh giá tác động của việc triển khai cùng lúc nhiều dự án hạ tầng đối với khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, khả năng gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên vật liệu, để bảo đảm hiệu quả trong việc sử dụng vốn đầu tư.
Về quy mô đầu tư, Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với quy mô đầu tư của dự án, tuy nhiên một số ý kiến đề nghị cân nhắc mở rộng đầu tư đoạn kết nối 2 km của Dự án theo quy mô 4 làn xe tiêu chuẩn TCVN 5729:2012, để bảo đảm kết nối đồng bộ với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Chơn Thành đang triển khai đầu tư, phát huy hiệu quả đầu tư, giảm thiểu chi phí trong quá trình nâng cấp, mở rộng sau này.
Về phương thức đầu tư, có ý kiến đề nghị làm rõ hơn tính hấp dẫn của Dự án đối với các nhà đầu tư khi các chỉ số về hiệu quả tài chính của dự án là không cao.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho biết thực tế triển khai các dự án thời gian qua cho thấy tiến độ thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phụ thuộc vào sự chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền địa phương. Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan thực hiện và có chế tài gắn trách nhiệm đối với các cấp chính quyền địa phương bảo đảm tiến độ hoàn thành dự án…/.
Nguồn: Báo xây dựng