Dự án cao tốc Bắc-Nam: Cát nhiễm mặn trộn bê tông len lỏi vào nhiều gói thầu?
Dự án cao tốc Bắc-Nam: Cát nhiễm mặn trộn bê tông len lỏi vào nhiều gói thầu?
Nhiều ngày qua, lượng lớn cát nhiễm mặn dùng san lấp nền được đưa về các trạm bê tông Trung Nam và Na Sa trộn thành bê tông rồi vận chuyển đến công trình cao tốc Bắc-Nam để thi công nhiều hạng mục.
Các hoạt động vận chuyển cát nhiễm mặn này diễn ra liên tục từ khu vực bờ kè phía Nam thành phố Tuy Hòa đến 3 trạm trộn bê tông được lắp đặt tại địa bàn xã An Phú, thành phố Tuy Hòa và xã An Dân, huyện Tuy An thuộc tỉnh Phú Yên.
Cát thải nhiễm mặn “phù phép” thành cát xây dựng
Suốt nhiều tháng qua, dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 qua Phú Yên có tổng chiều dài hơn 90 km, gồm 2 dự án thành phần: đoạn Quy Nhơn – Chí Thạnh và đoạn Chí Thạnh- Vân Phong. Tổng mức đầu tư dự án trên 20.848 tỉ đồng, trong đó sẽ có 60 cầu và 61 hầm chui dân sinh, 1 công trình hầm đường bộ được thi công. Hiện tại các đơn vị thi công, nhà thầu đang tích cực đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình và an toàn xuyên suốt trong quá trình từ thi công đến hoàn thành dự án.
Chính tầm quan trọng của tuyến đường huyết mạch Bắc-Nam và mở ra sự phát triển kinh tế của các địa phương. Thời qua qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương quan tâm, thường xuyên thành lập đoàn kiểm tra, động viên và đề nghị các đơn vị thi công đảm bảo chất lượng công trình, tiến độ theo cam kết.
Sự quan tâm về dự án Quốc gia là vậy, tại mỗi công trình đều có sự giám sát chặt chẽ từ các bộ phận kỹ sư, đơn vị tư vấn, giám sát, thi công và các mẫu bê tông khi sử dụng thi công các hạng mục công trình đều được lấy mẫu, đánh số để phân tích, đánh giá chất lượng cho từng mẫu bê tông. Nhưng việc đưa cát nhiễm mặn dùng san lấp công trình lại được các bên “bắt tay” phù phép “cát thải” thành “cát xây dựng” đạt chất lượng 100%.
Cát nhiễm mặn “chạy” về đâu
Từ những thông tin ban đầu từ người dân cung cấp về việc hàng trăm ngàn mét khối cát nhiễm mặn là sản phẩm của quá trình nạo vét cửa biển Đà Diễn nhiều năm trước, vị trí nạo vét chỉ cách biển chưa đến 300m, đang có các đơn vị vận chuyển cát nhiễm mặn đến nhiều nơi để phối trộn thành bê tông để phục vụ các công trình tại dự án cao tốc Bắc-Nam qua địa bàn tỉnh Phú Yên. Việc dùng cát nhiễm mặn thi công công trình cao tốc có ảnh hưởng đến chất lượng công trình trọng yếu của Quốc gia? Để tìm hiểu vấn đề này, PV đã tìm cách thâm nhập, theo dõi từng chuyến xe vận chuyển “cát thải”, đến việc ghi nhận từng khối bê tông được “phù phép” đổ vào tận chân công trình thi công tuyến cao tốc Bắc-Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Phú Yên.
Trung tuần tháng 9/2023, PV đã có mặt tại khu vực bãi tập kết cát nhiễm mặn thuộc khu vực bờ kè phía Nam, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Để trực tiếp ghi nhận hoạt động khai thác, vận chuyển cát tại đây là vô cùng khó bởi sự giám sát chặt chẽ của nhóm người đứng canh, khi thấy sự phát hiện của người lạ, họ sẽ tìm cách tiếp cận và đề nghị đi nơi khác.
Để thuận lợi cho việc tác nghiệp, PV lựa chọn một vị trí xa nơi khai thác để ghi nhận. Theo quan sát, tại đây nơi đang tập kết hàng trăm ngàn mét khối cát nhiễm mặn, từ sáng sớm đã có nhiều phương tiện cơ giới và người vận hành thiết bị tập trung đào, chuyển cát lên các xe ben với đủ màu sắc để chuyển đi nơi khác.
Theo đó, một máy đào hiệu Huyndai màu vàng có dán nhãn Công ty Xây dựng hạ tầng Phú Yên được lái xe vận hành đưa từng gàu cát nhiễm mặn lên từng xe ben. Trong đó, lần lượt các xe ben của công ty Tuấn Tú (màu sơn đỏ) mang biển kiểm soát: 78C.043.48, 78C.047.94, 78C.041.92, 78C.083.89, 78C.036.40… đến các xe ben của công ty Gia Bảo mang biển kiểm soát: 78C.112.21, 78C.112.34…
Sau khi nhận đầy cát lên xe, từng chiếc di chuyển ra tuyến QL1A rồi lưu thông tiếp tục về hướng thị trấn Chí Thạnh, đến đây xe tiếp tục rẽ vào đổ cát cho hai trạm trộn bê tông thuộc các Công ty Cổ phần TMDV bê tông Trung Nam và Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng NaSa tại thôn Phú Mỹ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên
Từ đây, số cát nhiễm mặn sau khi “cập bến” an toàn tại trạm trộn bê tông, sẽ được “phù phép” biến cát thải thành cát xây dựng theo đúng quy trình pha trộn bê tông thành phẩm đưa đến phục vụ công trình xây dựng. Ghi nhận trong buổi sáng ngày 22/9/2023, tại trạm trộn bê tông thuộc Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng NaSa đã cấp 10 xe bê tông cung cấp đến phục vụ cung cấp cho hạng mục cọc nhồi tại Km61+170 do công ty CP Bắc Trung Nam thi công.
Trong khi đó, tại trạm bê tông của Công ty Cổ phần TMDV bê tông Trung Nam, trong khoảng 40 phút ghi nhận, đã có 5 chuyến xe rời trạm trộn hướng về khu vực đang thi công đường hầm do Tổng công ty xây dựng Lũng Lô đang thi công cùng nằm trên địa phận huyện Tuy An.
Theo một hướng khác, ngày 27/9/2023 PV lại ghi nhận xe Tân Hiệp với các xe mang biển kiểm soát: 78C.028.86, 78C.057.04 liên tục nhận cát tại bãi tập kết cát khu dân cư phía nam TP.Tuy Hòa và di chuyển về cấp cho trạm bê tông thứ số 2 của Công ty Cổ phần TMDV bê tông Trung Nam đóng tại xã An Phú, TP.Tuy Hòa. Số cát những xe này vận chuyển, tập kết về khu vực trạm trộn cũng là số cát nhiễm mặn như 2 trạm bê tông đã nêu trên.
Những gì PV ghi nhận, từ trung tuần tháng 9/2023 đến tháng 10/2023 đã có khoảng vài trăm xe ben vận chuyển cát nhiễm mặn đến các trạm trộn bê tông để phục vụ cho công trình trọng điểm Quốc gia cao tốc Bắc-Nam. Theo tính sơ bộ, từ vài trăm xe cát đã vận chuyển đến trạm trộn bê tông sẽ có đến hàng ngàn khối cát san lấp, nhiễm mặn phục vụ công trình san lấp mặt bằng từ khu đô thị phía Nam TP.Tuy Hòa được vận chuyển đến 3 trạm bê tông nêu trên. Với khối lượng cát được cấp đến trạm thì cũng từng ấy cát được đưa vào từng mẻ bê tông thành phẩm sau đó được đưa đến phục vụ thi công các hạng mục như nền móng, trụ móng, cửa hầm đường giao thông của dự án cao tốc Bắc-Nam với số lượng lên đến hàng trăm lượt xe.
Từ cát thải nhiễm mặn, những chiếc xe chở cát và bê tông tiếp tục “lọt” qua sự giám sát từ trạm trộn đến công trình thi công để cung cấp hàng ngàn mét khối bê tông vào công trình trọng điểm Quốc gia một cách trót lọt mà không có một sự sàng lọc, kiểm tra nào? Liệu có hay không sự bắt tay giữa các đơn vị với nhau?
Các đơn vị nói gì?
Để làm rõ về nguồn gốc cát nhiễm mặn sau khi được “phù phép” lọt vào trạm trộn biến thành từng mẻ bê tông thành phẩm cấp, phục vụ công trình trọng điểm cao tốc Bắc-Nam, sáng 04/10 PV đã đến trạm trộn Công ty Cổ phần TMDV bê tông Trung Nam, tại đây một cán bộ kỹ thuật tên Tuấn cho biết: Việc nhận cấp nguyên liệu phục vụ tại trạm do Giám đốc công ty nắm, hiện tại lãnh đạo đã đi kiểm tra công trình. Riêng về việc mỏ nguyên liệu cấp cho trạm đã được Ban quản lý dự án cao tốc chấp thuận.
Tiếp tục làm việc tại trạm trộn bê tông do Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng NaSa vận hành, tại đây ông Trần Công Chánh – phụ trách trạm bê tông cho biết: Công ty đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Xây dựng thương mại và vận tải Khôi Nguyên Phú Yên và công ty TNHH Đầu tư và xây dựng Bảo Phúc cung cấp. Riêng về nguồn cát xây dựng được lấy tại mỏ cát của Công ty TNHH cát Thiên Phúc tại xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên. Các nhà thầu, nhà chung cấp phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc hợp pháp của các nguồn vật liệu. Nguyên liệu đầu vào được kiểm soát rất chặt chẽ, riêng với cát cung cấp xây dựng của Phú Yên tôi đảm bảo phải đạt gần 100%.
Có hay không nguồn cát nhiễm mặn được khai thác từ việc nạo vét giáp cửa biển Đà Diễn để phục vụ san lấp được “phù phép” tuồn vào các trạm bê tông để từ đó len lỏi cung cấp đến các công trình thi công thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam?
Nhằm làm rõ hơn về tính pháp lý của hàng ngàn khối cát nhiễm mặn tập kết tại khu vực bờ kè phía Nam, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên có được khai thác, vận chuyển và sử dụng vào các công trình trọng yếu Quốc gia.
Sáng 4/10, PV có tìm đến Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên, lãnh đạo Sở và chuyên viên cho rằng việc này hỏi bên UBND TP Tuy Hòa. Tiếp tục đến nơi được hướng dẫn thì không liên hệ được bộ phận chuyên môn và lãnh đạo của địa phương này do bận họp.
Về việc sử dụng cát nhiễm mặn phục vụ cho các công trình đang triển khai trên địa bàn tỉnh Phú Yên có đúng hay không và những công trình nào được sử dụng cát nhiễm mặn? Qua trao đổi sáng 5/10, Chánh văn phòng Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên đề nghị PV để lại nội dung và sẽ báo cáo lãnh đạo, chỉ đạo bộ phận chuyên môn trả lời chính thức bằng văn bản.
Làm việc với Ban quản lý dự án 85 – Bộ Giao thông Vận tải đặt tại tỉnh Phú Yên (BQLDA85), qua trao đổi với ông Minh – Giám đốc ban hiện trường BQLDA85 cho biết: Mỏ cát và vật liệu đầu vào thì Ban nhiệm vụ chấp thuận nguồn cho tư vấn giám sát, Ban có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá, kiểm soát trong quá trình thực hiện của nhà thầu.
Tiếp tục trao đổi vấn đề trên, ông Liễn – Trưởng Tư vấn giám sát gói XL13, BQLDA85 nói: Thủ tục mỏ cát cấp cho tuyến nhà thầu vẫn đang tiến hành, hoàn thiện thủ tục, chưa được khai thác. Thời gian qua, cát phục vụ lấy từ sông Đà Rằng, tên công ty tôi không nhớ?.
Về việc cát nhiễm mặn có được đưa vào sử dụng thi công công trình hay không? Đại diện giám sát BQLDA85 cho rằng: “chắc chắn là không rồi”. Nếu có lượng lớn cát nhiễm mặn cấp vào dự án thì thế nào? Cát nhiễm mặn trước đó chúng tôi có lấy mẫu cấp vào dự án để thí nghiệm, kết quả vẫn đạt yêu cầu? không nhiễm mặn?
Sau 20 ngày theo dõi, len lỏi theo từng chuyến xe chở cát, vận chuyển bê tông có cát nhiễm mặn đến công trường, PV đã thu thập hàng ngàn tấm ảnh, video ghi nhận việc cát nhiễm mặn từ khu vực bờ kè phía Nam, TP. Tuy Hòa lên xe chuyển đến trạm trộn và trạm trộn đi công trình cao tốc Bắc Nam.
Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, cũng như làm rõ nguồn nguyên vật liệu cát nhiễm mặn đưa vào dự án thi công công trình trọng điểm Quốc gia là đúng hay sai? Đề nghị Bộ GTVT tiến hành xác minh, điều tra, làm rõ trách nhiệm của Ban quản lý dự án Bắc Nam đoạn Quy Nhơn – Chí Thạnh, đoạn Chí Thạnh – Vân Phong.
Đề nghị UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo Cơ quan điều tra Công an tỉnh Phú Yên tiến hành điều tra, xác minh khối lượng cát nhiễm mặn tại bờ kè phía Nam, TP. Tuy Hòa đã cấp đến các trạm bê tông là đúng hay sai? đơn vị nào đã khai thác, vận chuyển cát nhiễm mặn phục vụ công trình?
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị