Dự án biến gạo thành nhựa phát thải thấp cho thị trấn ở Nhật Bản sau thảm họa hạt nhân
Dự án biến gạo thành nhựa phát thải thấp cho thị trấn ở Nhật Bản sau thảm họa hạt nhân
Theo dõi MTĐT trên
Dự án biến gạo thành nhựa carbon thấp mang lại hy vọng cho một thị trấn đang gặp khó khăn ở Fukushima, Nhật Bản sau thảm họa hạt nhân.
Ông Jinichi Abe, một nông dân 85 tuổi ở thị trấn Namie (Nhật Bản), vui mừng khi thấy những chiếc máy xúc đất đang làm việc gần đồng lúa của mình, bởi ông biết rằng chúng đang giúp hồi sinh nhiều cánh đồng hơn nữa, sau hơn một thập kỷ nơi này dừng sản xuất lúa vì đất bị nhiễm phóng xạ rò rỉ từ các lò phản ứng hạt nhân Fukushima. Nhưng tin vui hơn cả đối với lão nông Abe là loại lúa mà ông và một hợp tác xã đang trồng sẽ có đầu ra ổn định và Namie sẽ có hy vọng mới, khi một doanh nghiệp trong nước đang xúc tiến dự án chế biến gạo không thể bán để ăn (do lo ngại nguy cơ sức khỏe) thành nhựa thân thiện với môi trường.
Ông Jinichi Abe còn vui mừng hơn khi biết rằng gạo Fukushima sẽ có nguồn khách mua hàng ổn định, người nông dân Namie có một nguồn hy vọng mới khi một công ty liên doanh sẽ thu mua hàng tấn gạo vốn không thể bán được cho ai vì những lời đồn đoán về nguy cơ đối với sức khỏe.
Ðược biết, sau thảm họa kép động đất và sóng thần ngày 11-3-2011, khoảng 80% đất đai của Namie bị phong tỏa và có chưa đến 2.000 người ở lại đó sinh sống, rất ít so với con số 21.000 cư dân thuở trước. Mãi đến năm 2017, người dân mới được phép quay lại Namie sinh sống, từ đó bắt đầu thu hút các công ty đến làm ăn và tạo thêm việc làm.
Tháng 11-2022, công ty Biomass Resin, có trụ sở tại Tokyo, đã mở một nhà máy ở Namie để chế biến gạo địa phương thành một loại nguyên liệu thô là hạt nhựa. Sản phẩm hạt nhựa của Biomass Resin, chứa từ 50-70% thành phần là gạo, sẽ được cung cấp cho các công ty sản xuất đồ nhựa để sản xuất muỗng, nĩa, túi và hộp đựng thức ăn… dùng trong các nhà hàng, túi nhựa ở các bưu điện và quà lưu niệm bán ở những sân bay quốc tế lớn nhất của Nhật Bản. Chính vì vậy, Biomass đã mang lại sự hỗ trợ đáng quý, giúp người nông dân Namie vững tâm trồng lúa mà không phải lo ngại về đầu ra.
Ông Takemitsu Imazu, Chủ tịch Biomass Resin, cho biết loại nhựa làm từ gạo không có đặc tính phân hủy sinh học, nhưng nó sẽ giúp cắt giảm nhu cầu sản xuất nhựa từ dầu mỏ và việc trồng nhiều lúa hơn ở Namie cũng giúp giảm tổng lượng khí CO2 trong khí quyển. Hiện đơn vị này đang sử dụng khoảng 50 tấn gạo của Namie, nhưng từ năm tới họ sẽ bao tiêu toàn bộ lượng lúa của thị trấn này khi những cánh đồng được hồi sinh. “Nếu không trồng lúa, thị trấn này không thể phục hồi. Vì vậy, việc Biomass Resin đến đây làm ăn là một sự trợ giúp rất lớn. Chúng tôi có thể trồng lúa mà không phải lo lắng gì” – lão nông Abe phấn khởi nói.
Chia sẻ về quyết định đưa cơ sở về Fukushima, Chủ tịch Biomass Resin Takemitsu Imazu cho biết Namie đã cùng lúc hứng chịu bốn thảm họa gồm động đất, sóng thần, sự cố hạt nhân và sau đó là những đồn đoán về nguy cơ phóng xạ.
Dù đã dần phục hồi sau động đất và sóng thần, nhưng Namie vẫn đang chịu những gánh nặng lớn từ hai thảm họa còn lại. Ông mong muốn việc xây dựng nhà máy ở đây sẽ tạo thêm cơ hội việc làm và thu hút người dân trở lại thị trấn.
Còn với người nông dân như ông Abe, trồng lúa vẫn là công việc quan trọng để duy trì Namie và ông tin tưởng đây mới thực sự là điều tốt cho thị trấn.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị