Dự án ASIA-AQ: Tìm kiếm nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở châu Á
Dự án ASIA-AQ: Tìm kiếm nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở châu Á
Hàn Quốc và Mỹ sắp khởi động một chiến dịch nghiên cứu tìm kiếm nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trên khắp châu Á vào mùa Đông.
Dự án là một phần trong nỗ lực giải quyết tốt hơn các thách thức về chất lượng không khí thời gian tới.
Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, dự án có tên gọi ASIA-AQ, do Viện Nghiên cứu Môi trường Quốc gia Hàn Quốc (NIER) phối hợp triển khai với Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).
Dự án sẽ sử dụng máy bay, vệ tinh và các địa điểm trên mặt đất để thu thập dữ liệu chất lượng không khí chi tiết tại một số địa điểm ở châu Á.
Dự án dự kiến diễn ra từ ngày 19-26/2 tới. Trong giai đoạn này, nhóm nghiên cứu sẽ tối đa hóa các phương pháp đo lường chi tiết tại 11 địa điểm nghiên cứu chất lượng không khí trên mặt đất, bao gồm ở thủ đô Seoul và các đảo Baengnyeong và Jeju, đồng thời thu thập các mẫu không khí ở tầng khí quyển thấp hơn bằng cách sử dụng thiết bị bay DC-8 của NASA.
Bên cạnh đó, dự án cũng sẽ kiểm tra chéo các phép đo của GEMS, vệ tinh địa tĩnh quan trắc môi trường đầu tiên trên thế giới được Hàn Quốc triển khai hồi năm 2020, nhằm theo dõi các chất gây ô nhiễm không khí ở châu Á từ độ cao 36.000km so với mặt đất.
Tại một cuộc họp báo, Tổng Giám đốc bộ phận nghiên cứu khí hậu và chất lượng không khí của NIER, Yoo Myung-soo, cho biết mục đích của dự án là tìm ra nguyên nhân gây suy giảm chất lượng không khí vào mùa Đông ở Bán đảo Triều Tiên.
Kết quả của dự án cũng sẽ được sử dụng để nâng cao hiệu quả và độ tin cậy của các chính sách liên quan đến môi trường khí quyển.
Theo người đứng đầu dự án ASIA-AQ của NASA Jim Crawford, ý nghĩa và kết luận từ những dữ liệu thu thập nhiều khả năng sẽ tới tay công chúng vào năm 2025.
Dự án kể trên được triển khai 8 năm sau khi Hàn Quốc phối hợp triển khai chiến dịch KORUS-AQ với NASA nhằm đo chất lượng không khí vào mùa Xuân.
Theo kết quả điều tra năm 2016, 52% bụi siêu nhỏ ở Seoul phát sinh từ trong nước và 48% từ nước ngoài, trong đó 34% đến từ Trung Quốc.
An Đông (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị