Đột quỵ và các biện pháp phòng ngừa
Đột quỵ và các biện pháp phòng ngừa
Đột quỵ là một trong 5 bệnh hàng đầu gây tử vong và khuyết tật nghiêm trọng. tại VN mỗi năm có > 200.000 người bị đột quỵ, hơn 50% trong đó tử vong, 90% số người bị di chứng về thần kinh và vận động
Đột quỵ có 2 dạng là nhồi máu não và xuất huyết não. Nhồi máu não (chiếm tỷ lệ 85% ca đột quỵ) là do cục máu đông tại chỗ của động mạch não hay cục máu đông từ xa chuyển đến gây tắc động mạch não, vùng mô não do động mạch đó cấp nuôi dưỡng bị thiếu máu. Còn xuất huyết não (chiếm tỷ lệ 15 % ca đột quỵ) làm máu chảy vào nhu mô não, khoang dưới nhện hay não thất. Máu tụ lại thành huyết khối. Sự chèn ép, tăng áp lực nội sọ đồng thời thiếu máu nuôi làm một hay vài khu mô não bị hoại tử. Tăng huyết áp là nguyên nhân thường gặp nhất trong trường hợp này. Bệnh cảnh của đột quỵ khởi phát thường đột ngột với các biểu hiện: Méo miệng, nói khó hay không nói được, yếu liệt tay chân cùng bên, dị cảm nửa người, mất thị lực (đặc biệt ở 1 mắt), chóng mặt kèm theo mất thăng bằng.
Có một số yếu tố nguy cơ gây đột quỵ, bao gồm:
1. Yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được:
– Tuổi: đột quỵ xảy ra ở mọi lứa tuổ, nhưng tuổi càng cao nguy cơ đột quỵ càng lớn
– Giới tính: nguy cơ đột quỵ nữ > nam (do nữ sử dụng thuốc ngừa thai và mang thai)
– Di truyền và chủng tộc
– Tiền sử đột quỵ: Có nguy cơ đột quỵ tái phát cao hơn người chưa đột quỵ
2. Yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được
– Tăng huyết áp, rối loạn lipid (mỡ) máu;
– Hút thuốc lá;
– Thừa cân/ Béo phì, thiếu vận động;
– Giảm dung nạp đường/ Đái tháo đường.
Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác có thể là yếu tố nguy cơ như: căng thẳng, tăng đông máu, rối loạn các thành phần Apo Protein máu, uống rượu quá mức, hói sớm và nhiều đỉnh đầu ở nam, mãn kinh sớm ở nữ.
Đột quỵ là vấn đề sức khỏe đang được sự quan tâm của cộng đồng, bởi tỉ lệ tử vong và tàn phế rất cao. Việc hồi phục của bệnh nhân tùy thuộc vào sự can thiệp Y khoa càng sớm càng tốt, thường dưới 6 giờ hay còn được gọi là thời gian vàng. Khi có người bị đột quỵ không để bệnh nhân té ngã, chấn thương; để bệnh nhân nằm nghiêng qua 1 bên nếu có nôn ói, móc hết đàm nhớt cho bệnh nhân dễ thở; không cạo gió, cắt lể tự ý cho uống, nhỏ thuốc hạ áp hay bất kỳ một thuốc nào khác; không để nằm chờ xem bệnh nhân có khỏe lại hay không, mà cần gọi xe đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất có điều kiện chữa trị.
Để phòng ngừa đột quỵ, cần kiểm soát và điều trị tốt các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid máu, hẹp ĐMC có triệu chứng, phát hiện sớm và điều trị bệnh tim; có chế độ ăn uống hợp lý như ăn nhiều rau và trái cây, uống nhiều nước, giảm lượng muối, tránh ăn chất béo bão hòa; Có lối sống lành mạnh như cai thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, giảm stress, cần giải tỏa bớt áp lực công việc; duy trì trọng lượng cơ thể phù hợp, tập thể dục đều đặn ngày 30-60 phút/ 5 ngày/ tuần. Thực hiện khám sức khỏe định kỳ 3-6 tháng để tầm soát bệnh, uống đúng theo toa, chỉ ngưng khi có ý kiến của thầy thuốc./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị