Đột phá trong tư duy hoạch định chính sách, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 do Bộ KH&CN tổ chức, ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN và Môi trường của Quốc hội đã có bài tham luận sâu về vấn đề tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH, CN và ĐMST).

Theo ông Nguyễn Phương Tuấn, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị cũng như các cấp, các ngành và toàn xã hội, đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện. Trong thành tựu chung này có sự đóng góp quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) ở tất cả các ngành, lĩnh vực, các địa phương trong cả nước.

KH, CN Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ và thành tựu nổi bật, đóng góp thiết thực cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, củng cố quốc phòng và an ninh quốc gia, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống người dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

Ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN và Môi trường của Quốc hội.

Về ĐMST, tháng 9/2023 vừa qua, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã xếp hạng Chỉ số ĐMST toàn cầu (Global Innovation Index 2023, gọi tắt là GII) của Việt Nam đứng thứ 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022. Để có được kết quả này, thời gian vừa qua, hệ thống chính sách, pháp luật về KH,CN&ĐMST liên tục được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động KH,CN&ĐMST.

Điển hình là 08 đạo luật trong lĩnh vực KH&CN được ban hành gồm: Luật KH&CN (năm 2000, được sửa đổi năm 2013); Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2005, được sửa đổi năm 2009, 2022); Luật Công nghệ cao (năm 2008); Luật Chuyển giao công nghệ (năm 2006, 2017); Luật Năng lượng nguyên tử (2008); Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (năm 2006); Luật Đo lường (2011); Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (năm 2007)…

Nhiều văn bản chính sách, pháp luật khác như Luật về thuế liên quan đến KH&CN, Đề án đổi mới quản lý KH&CN (năm 2004), các Chiến lược phát triển KH&CN… được ban hành. Hành lang pháp lý cho hoạt động KHCN&ĐMST ngày càng hoàn thiện, công tác quản lý nhà nước về KHCN&ĐMST từng bước được đổi mới, tạo điều kiện cho hoạt động KHCN&ĐMST đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tuy vậy, trong quá trình triển khai thực tế pháp luật về KH,CN&ĐMST vẫn còn những tồn tại, hạn chế, vướng mắc như: Luật KH&CN 2013 chưa tháo gỡ được các vướng mắc về cơ chế tài chính cho KHCN, chưa thể hiện rõ quan điểm chấp nhận rủi ro và thất bại trong nghiên cứu khoa học; trong giai đoạn mới dù đã đề cập đến khái niệm ĐMST nhưng vẫn chưa có các quy định điều chỉnh hoạt động ĐMST, bao gồm cả hoạt động khởi nghiệp ĐMST.

Vấn đề nhân lực cho KHCN tuy đã được đề cập trong Luật KHCN nhưng vẫn thiếu quy định gắn kết giữa đào tạo giáo dục đại học với hoạt động nghiên cứu KHCN. Quy định về phân cấp nhiệm vụ KH&CN chưa có tiêu chí rõ ràng phù hợp với cấp quản lý dẫn đến việc phân loại nhiệm vụ mang tính hình thức, chưa thống nhất; còn thiếu quy định về triển khai nhiệm vụ KH&CN trong tình thế cấp thiết, đột xuất, khẩn cấp như: dịch bệnh, thiên tai hoặc những tình huống bất ngờ khác để kịp thời giải quyết vấn đề phát sinh, góp phần bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe cho con người, bảo vệ môi trường, cũng như vẫn còn thiếu quy định công nhận các nhiệm vụ KH&CN không sử dụng NSNN nhưng có tác động lớn đến phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia…

Để giải quyết căn bản những vấn đề trên, ngày 05/11/2021 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 về “Triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV”, trong đó Ủy ban KH,CN&MT được phân công theo dõi, đôn đốc đối với 19 nhiệm vụ lập pháp cần nghiên cứu, rà soát và nghiên cứu, xây dựng mới.

Riêng Bộ KHCN có 04 dự án Luật (gồm các Luật: Khoa học và Công nghệ, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Năng lượng nguyên tử). Nhằm triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên, ngày 30/11/2021 Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 290 /KH-UBKHCNMT15; đồng thời, ký kết bản Phối hợp công tác giữa Ủy ban và Bộ KH&CN.

Nhằm thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST trong thời gian tới thì cần đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đột phá trong tư duy hoạch định chính sách, pháp luật về KH,CN&ĐMST, cũng như sửa đổi, bổ sung kịp thời những luật có liên quan, nhất là Luật KH&CN 2013, trong đó tập trung vào xây dựng một số chính sách. Cụ thể: cần phải xây dựng cơ chế tài chính đặc thù cho hoạt động KHCN, chấp nhận rủi ro, thất bại trong nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ; có chính sách để gắn kết giữa giáo dục đào tạo đại học với các hoạt động KHCN cũng như để gỡ bỏ các rào cản hành chính trong quản lý hoạt động khoa học và công nghệ; nâng cao hiệu quả hoạt động, đơn giản hoá tối đa thủ tục thanh, quyết toán, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí, tiêu cực; có chính sách để thúc đẩy triển khai cơ chế thí điểm, thử nghiệm và đặc thù đối với các loại hình, mô hình kinh tế mới dựa trên KHCN&ĐMST,…

Để KH,CN&ĐMST thật sự là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực cho sự phát triển KT-XH không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của ngành KH,CN&ĐMST mà còn cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với sự chung tay, góp sức của tất cả các ngành, các cấp, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội.

Với việc xác định “vai trò của KH,CN&ĐMST sáng tạo chính là nguồn động lực mới, to lớn để đất nước ta phát triển nhanh, bền vững hơn” và những thành tựu đạt được của KH,CN&ĐMST trong những năm qua, cùng với khát vọng phát triển mãnh liệt và quyết tâm chính trị cao, có thể tin tưởng rằng, trong thời gian tới Việt Nam sẽ đi tắt, đón đầu, phát triển KHCN&ĐMST để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và khoảng cách phát triển kinh tế so với các nước đi trước, thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Phong Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích