Đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội
Năm 2023, Chính phủ tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế; củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng mới. trên cơ sở đó, các “tư lệnh ngành” chia sẻ những giải pháp để “tăng tốc” thực hiện nhiệm vụ ngay từ đầu năm.
Đồng chí Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính. Ảnh: TTXVN |
Đồng chí Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính:
Đảm bảo đủ nguồn lực phục hồi kinh tế
Bộ Tài chính sẽ chủ động triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng; phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất để đảm bảo nguồn lực phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu ngân sách nhà nước (NSNN), tăng cường công tác quản lý thu.
Bộ Tài chính cũng tiếp tục cơ cấu lại chi NSNN gắn với các mục tiêu về tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững; nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, bảo đảm tính bền vững, an ninh, an toàn tài chính quốc gia. Nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị gắn với tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập.
Tập trung tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đẩy mạnh cải cách hành chính kết hợp chuyển đổi số quốc gia đồng bộ, toàn diện, xây dựng Chính phủ điện tử. Tiếp tục cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tăng tính công khai, minh bạch.
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Ảnh: TTXVN |
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam:
Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, đồng bộ
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục điều hành thận trọng, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro.
Nâng cao chất lượng tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng; hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Đối với thị trường tiền tệ, ngoại hối, NHNN cũng như các bộ, ngành chủ động, tăng cường dự báo, phân tích tình hình, cập nhật liên tục những diễn biến mới để chủ động điều hành, đồng thời có sự phối hợp đồng bộ giữa các chính sách.
NHNN cũng sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025”; tăng cường khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, qua đó bảo đảm thị trường tiền tệ, ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, thông suốt, bền vững.
Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương. Ảnh: TTXVN |
Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương:
Thực hiện hiệu quả các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Ngành Công Thương sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất trước các rủi ro về gián đoạn chuỗi cung ứng. Ưu tiên đảm bảo nguồn cung, đặc biệt là các mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn để có chính sách thúc đẩy nguồn cung phù hợp.
Đồng thời, tập trung triển khai các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong khuôn khổ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế nhằm kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất và thị trường.
Về xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung các giải pháp hỗ trợ thông tin, kết nối thị trường, xử lý các rào cản, vướng mắc trong tiếp cận thị trường xuất nhập khẩu, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Đẩy nhanh số hóa trong giải quyết các thủ tục thông quan, cấp chứng nhận CO… tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ phục hồi hậu COVID-19.
Phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để mở rộng, đa dạng hoá thị trường và mặt hàng xuất khẩu. Đặc biệt, theo dõi sát những biến động của tình hình quốc tế, chủ động đánh giá tác động của các sự kiện đó đến sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam để kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp, tăng cường công tác thông tin, hỗ trợ cho các hiệp hội, doanh nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Ảnh: TTXVN |
Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải:
Triển khai có chất lượng, đúng tiến độ các dự án trọng điểm quốc gia
Năm 2023, toàn ngành Giao thông vận tải (GTVT) sẽ triển khai quyết liệt, hoàn thành có chất lượng và đúng tiến độ các dự án, công trình trọng điểm của quốc gia mà Quốc hội, Chính phủ đã đặt ra. Đặc biệt là dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Bộ GTVT sẽ hỗ trợ các địa phương triển khai quyết liệt,thành công các dự án, công trình trọng điểm nằm trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội mà Quốc hội, Chính phủ đã thông qua. Bên cạnh đó, ngành GTVT sẽ tiếp tục tập trung, rà soát lại các dự án BOT trong thời gian vừa qua, để một mặt xây dựng các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, tồn tại của các dự án, đưa ra các giải pháp để tiếp tục thu hút các nguồn vốn xã hội cũng như các nguồn vốn khác…
Thông qua đó, thúc đẩy xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước có hạn. Bộ GTVT cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công, bao gồm cả các dự án của Bộ, cũng như hỗ trợ các địa phương tháo gỡ khó khăn vướng mắc các dự án trong danh mục đầu tư công, nhất là những dự án lớn, có tính chất liên vùng để các địa phương có điều kiện phát triển kinh tế – xã hội.
Đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. |
Đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo:
Quan tâm chính sách, tăng phụ cấp cho giáo viên
Quốc hội đã thống nhất thông qua việc tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng cho công chức, viên chức từ 1/7/2023. Hiện nay số viên chức làm việc trong ngành giáo dục chiếm hơn 70% số công chức, viên chức trong cả nước. Khi số viên chức trong cả nước được tăng lương đồng nghĩa với các giáo viên trong ngành cũng được hưởng quyền lợi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang tích cực rà soát các chế độ, chính sách, các hoạt động chuyên môn để làm sao nhà giáo có thể yên tâm công tác, chăm lo cho giáo dục, giảng dạy học sinh tốt nhất. Bộ đã dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo. Theo đó, Luật Giáo dục 2019 quy định, chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non là cao đẳng, giáo viên mầm non hạng III hưởng theo bảng lương chuyên môn nghiệp vụ công chức loại A0 có hệ số lương từ 2,10 đến 4,89. Với mức phụ cấp 35% thu nhập giáo viên mầm non thấp hơn nhiều so với giáo viên các cấp học khác có cùng thời gian công tác.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đã xây dựng báo cáo Chính phủ về đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo. Với ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án luật này, quá trình xây dựng, Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu, xem xét đầy đủ các khía cạnh của nghề nhà giáo để có thể đưa ra các chính sách tốt đối với đội ngũ nhà giáo.
Đồng chí Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế. Ảnh: TTXVN |
Đồng chí Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế:
Chăm lo cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng
Bộ Y tế đang trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 56/2011/NĐ-CP liên quan đến các chế độ phụ cấp của cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng. Dự thảo Nghị định này cơ bản đã hoàn thiện, Bộ Tư pháp cũng đã cho ý kiến. Qua công tác chống dịch cho thấy, đội ngũ y tế cấp cơ sở, nơi tuyến đầu phòng chống dịch, chăm sóc sức khỏe nhân dân là tuyến rất quan trọng, nhưng lại đang có những vướng mắc, khó khăn.
Việc thiếu vật tư, trạng thiết bị y tế đã được xác định ở từng cấp độ, từng bệnh viện, từng địa phương khác nhau. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chậm cung ứng do dịch bệnh trên thế giới, xung đột. Bên cạnh đó, hệ thống chính sách pháp luật của chúng ta cũng chưa đồng bộ và còn khó khăn trong quá trình thực hiện việc mua sắm, đấu thầu.
Bộ Y tế tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp trước mắt và lâu dài. Trước mắt tăng cường đẩy mạnh cấp phép lưu hành thuốc, trang thiết bị y tế; phối hợp cùng các địa phương, bệnh viện tháo gỡ những khó khăn theo thẩm quyền. Cùng với đó, đẩy nhanh tốc độ mua sắm, đấu thầu tập trung, đàm phán, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền về cơ sở để làm sao chủ động, linh hoạt cho địa phương và cơ sở triển khai thực hiện.
Đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Ảnh: TTXVN |
Đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội:
Thúc đẩy thị trường lao động phát triển theo hướng hiện đại
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) xác định thúc đẩy thị trường lao động phát triển theo hướng hiện đại, đầy đủ, phù hợp với các cam kết quốc tế, vận hành linh hoạt nhằm kết nối cung – cầu lao động, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Tiếp tục đổi mới, chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng của giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm mọi người dân có cơ hội tham gia và thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Chúng ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm chăm sóc, hỗ trợ người dân, người cao tuổi, phụ nữ sinh con và trẻ em bị tác động bởi đại dịch COVID-19, nhất là trẻ em mồ côi. Nhiều chính sách hỗ trợ chưa từng có tiền lệ đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quyết định. Những chính sách này đã góp phần rất quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế, đã hỗ trợ 87.000 tỷ đồng cho hơn 56 triệu lượt người lao động, người dân và gần 1 triệu người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Ảnh: TTXVN |
Đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc:
Tập trung cho chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Để thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia, Ủy ban Dân tộc tham mưu cho Chính phủ thực hiện một số giải pháp cụ thể như:
Thứ nhất, tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn và thực hiện hoàn thiện các hệ thống văn bản hướng dẫn theo yêu cầu.
Thứ hai, kịp thời cập nhật những khó khăn để đề xuất xử lý.
Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo của các ban, bộ, ngành trung ương.
Thứ tư, tăng cường phát huy vai trò người đứng đầu của các cấp địa phương trong quá trình tổ chức triển khai.
Hiện nay Trung ương đã giao vốn và địa phương đã và đang triển khai cho nên quá trình tổ chức thực hiện là rất quan trọng. Thứ năm, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân kết hợp phát động phong trào thi đua, các cuộc vận động phù hợp để khơi dậy ý thức, tạo sự đồng thuận của nhân dân, ý thức tự lực, tự cường và sự chung tay của toàn xã hội.
Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi là chương trình lớn, khó, địa bàn rộng, cần sự quan tâm chỉ đạo của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, chung tay của toàn xã hội.
Đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Ảnh: TTXVN |
Đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ:
Thu hút nguồn lực đầu tư cho khoa học và công nghệ
Đến nay đầu tư cho khoa học và công nghệ (KH&CN) từ ngân sách Nhà nước và từ doanh nghiệp đã tương đối cân bằng với tỷ lệ tương ứng là 52% và 48%. Trong giai đoạn đến 2030, cần phấn đấu tỷ trọng này đạt mức 70/30 như trung bình của các nước có nền KH&CN tiên tiến.
Để thực hiện định hướng này, Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 cũng đã xác định rõ: “Đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia lấy doanh nghiệp làm trung tâm, trường đại học, viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu.
Tăng cường thiết chế hợp tác công – tư, đối ứng đồng tài trợ giữa Nhà nước và doanh nghiệp cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp có sự hợp tác tham gia của viện, trường”.
Nguồn: Báo xây dựng