Đột phá, sáng tạo để Hà Nội là nơi đáng sống, đáng đến
Nhớ lại trước thời điểm ngày 29/5/2008, khi Quốc hội khóa XII ban hành Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan có hiệu lực ngày 1/8/2008, khi đó có nhiều ý kiến tranh luận, thậm chí trái chiều.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Thành phố đứng đầu là Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài, Hà Nội sẽ đi đầu trong triển khai thực hiện quyết liệt, đột phá, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc |
Nhiều chuyên gia, kể cả một số đại biểu Quốc hội khi đó cho rằng, là Thủ đô chỉ cần trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa là đủ không cần phải quá chú trọng đến yếu tố kinh tế. Song các ý kiến khác lại lập luận, xét về tầm nhìn chiến lược là Thủ đô của quốc gia không thể bó hẹp trong “tấm áo” quá chật. Nhìn sang Thủ đô các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia… bên cạnh chức năng “đầu não” về chính trị, hành chính của đất nước, các thành phố đó đều là đầu tàu kinh tế đất nước. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Chính phủ, qua nhiều lần thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội… cuối cùng Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết số 15.
Đến nay qua hơn 16 năm, từ thực tiễn sinh động của bức tranh kinh tế – xã hội của thành phố Hà Nội đã chứng minh sự đột phá mang tầm chiến lược của Nghị quyết số 15 là đúng đắn. Nhờ có dư địa chí về không gian, vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thủ đô đã tạo nên nhiều kỳ tích chưa từng có. Minh chứng sinh động nhất, Hà Nội là một trong những địa phương có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, lan tỏa nhất cả nước. Trên bình diện kinh tế, 9 tháng năm 2024 lần đầu tiên thu ngân sách Nhà nước của thành phố Hà Nội dẫn đầu cả nước, đạt trên 376 nghìn tỷ đồng, vượt Thành phố Hồ Chí Minh. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp đến 51% tổng thu ngân sách Nhà nước. Đây chính là nguồn lực quan trọng để Trung ương điều tiết ngân sách cho những địa phương chưa tự cân đối thu – chi, đồng thời có thêm nguồn vốn chi cho đầu tư phát triển và an sinh – xã hội.
Thời kỳ mới, tình hình mới với tâm thế cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đòi hỏi Hà Nội phải có tư duy chiến lược như các chuyên gia ví như “đổi mới” lần thứ hai nhằm sớm đưa Thủ đô phát triển xứng tầm khu vực. Chính vì thế, tại Hội nghị lần thứ 19 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội sáng 23/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh: “Với vị trí, vai trò là Thủ đô, Hà Nội phải là địa phương đi đầu trong triển khai thực hiện quyết liệt, đột phá, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Vì vậy, Ban Thường vụ Thành ủy và Tiểu ban Văn kiện cần tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Trung ương và tinh thần chỉ đạo mới của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm vào dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XVIII Đảng bộ Thành phố”.
Xây dựng Thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại đáng là nơi để sống, làm việc và để đến… (Ảnh Cầu Nhật Tân lung linh về đêm) |
Ngoài cơ chế đặc thù, luôn được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Trung ương quan tâm, xét về hành lang pháp lý, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), hiện tại Thành phố đang cùng các bộ, ngành đang xây dựng các văn bản dưới luật để triển khai. Các yếu tố cần và đủ Hà Nội đã có và tương đối đầy đủ. Các lợi thế so sánh về mặt không gian, đất đai, tài nguyên, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, Thành phố cũng có “vốn liếng” tương đối khá. Giờ là thời điểm để Thành phố chuẩn bị tâm thế chuyển mình lên tầm cao mới.
Chỉ còn 1 năm nữa nhiệm kỳ Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố khép lại, nhiệm kỳ Đại hội XVIII (2025 – 2030) sẽ mở ra, tin tưởng Đảng bộ, chính quyền Thành phố sẽ có những quyết sách quan trọng. Trong đó, sẽ có những quyết sách về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, công tác cán bộ nhằm tạo ra đội ngũ cán bộ vừa biết thượng tôn pháp luật, vừa dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; một cộng đồng doanh nhân xứng danh “Bạch Thái Bưởi”… để xây dựng Thủ đô Hà Nội xứng đáng “trái tim cả nước”, “nơi lắng hồn núi sông ngàn năm”, một trong hai trung tâm kinh tế, góp phần hiện thực hóa khát vọng đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam sẽ trở thành nước đang phát triến, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đất nước hùng cường vào năm 2045 đúng thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra. Đặc biệt, thực sự xứng đáng là Thành phố đáng sống, đáng đến…
Nguồn: Báo lao động thủ đô