Động viên các nhà khoa học tích cực nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, năm 2023, Bộ KH&CN đã sửa các thông tư quy định về quản lý các chương trình, nhiệm vụ KH&CN một cách đồng loạt, bảo đảm có tính liên thông, đồng bộ với nhau. Hiện nay các thông tư cơ bản đã được hình thành, trong đó có 5 thông tư vừa mới được ban hành để đồng bộ với việc tái cơ cấu lại các chương trình KH&CN quốc gia.
Theo đó, nhiều quy định được bãi bỏ. Đơn cử như trước đây, nhà khoa học là chủ nhiệm có các đề tài nghiên cứu khoa học mà nghiệm thu không đạt thì không được tham gia nhiệm vụ KH&CN trong hai năm tiếp theo, khiến các nhà khoa học rất quan ngại, gây cản trở hoạt động nghiên cứu khoa học. Nay quy định này đã được bãi bỏ.
Bày tỏ mong muốn các đại biểu Quốc hội và xã hội ghi nhận bản chất rủi ro trong nghiên cứu khoa học, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng, bản chất nghiên cứu là tìm cái mới, có tính thử nghiệm và không chắc chắn, có thể thành công hoặc không thành công. Nếu đã chắc chắn rồi thì không cần nghiên cứu nữa. Vì vậy không nên coi nghiên cứu thất bại là một sự lãng phí. Đề tài nghiên cứu không thành công cũng là một đóng góp để làm rõ hướng đi cho cộng đồng khoa học trong các nghiên cứu khác.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt.
Việc yêu cầu các nghiên cứu phải đảm bảo thành công, nếu không thành công sẽ bị xử lý (như hoàn trả ngân sách, hạn chế tham gia hoạt động nghiên cứu,…) sẽ làm suy giảm động lực sáng tạo và tinh thần dấn thân của các nhà khoa học. Người đứng đầu ngành KH&CN cho biết, tại Ngày hội KH&CN vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định phải chấp nhận rủi ro và độ trễ trong nghiên cứu khoa học.
“Tôi rất tâm đắc với câu nói của Thủ tướng, khoa học là con đường ngắn nhất đi tới thịnh vượng”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói và cho biết trên tinh thần đó, Bộ KH&CN đang hết sức cố gắng động viên các nhà khoa học tích cực tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.
Do đó, Bộ KH&CN rất mong muốn các cấp có thẩm quyền tin tưởng hơn nữa vào các nhà khoa học, giao trọng trách cho họ, giao nhiệm vụ, giao cơ chế, chính sách cho họ một cách thỏa đáng để họ có thể phát huy năng lực, khả năng để cống hiến.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng cho biết, Bộ KH&CN đã phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Thông tư 27 về khoán chi, qua đó có thể đơn giản hóa các thủ tục mua sắm, thanh toán để giảm bớt hồ sơ thủ tục mà như các nhà khoa học, nhà quản lý hay phàn nàn là “hồ sơ thanh toán dày hơn hồ sơ khoa học”.
“Nếu chúng ta thực hiện khoán chi đúng nghĩa đến sản phẩm cuối cùng thì hồ sơ chỉ còn một nửa hoặc 1/3”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết.
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, kinh phí, tài chính của lĩnh vực KH&CN cũng cần có đặc thù bởi vì với hoạt động nghiên cứu khoa học không thể tính toán, định lượng chính xác như là các hoạt động lao động sản xuất khác, bởi rất khó để xây dựng các định mức cũng như tính toán hiệu quả, lợi nhuận.
Bảo Lâm