Đồng Tháp: Xây dựng công trình Đền thờ Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều bằng nguồn vốn xã hội hóa

(Xây dựng) – Ngày 20/3, ông Đoàn Tấn Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã ký ban hành Công văn số 104/UBND-ĐTXD về việc chủ trương cho xây dựng công trình Đền thờ Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều và các công trình liên quan bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Đồng Tháp: Xây dựng công trình Đền thờ Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều bằng nguồn vốn xã hội hóa
Đền thờ Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều.

Công văn UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết xét Công văn số 749/SVHTTDL-KHTC ngày 15/3/2023 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tiếp nhận nhà tài trợ công trình Tu bổ Đền thờ, Khu mộ và Tượng Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều tại Khu di tích Gò Tháp; UBND tỉnh Đồng Tháp: Thống nhất chủ trương cho tổ chức xây dựng công trình Đền thờ Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều và các công trình liên quan (xây dựng mới các hạng mục: Đền thờ; cổng; hàng rào; khu mộ; tả vu; hữu vu; Tượng Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều; chỉnh trang hoa viên trong Khu Đền thờ; xây dựng hoa viên đặt cụm tượng cũ của 02 ông Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều; nhà làm việc Ban hồi hương, nhà vệ sinh… bằng nguồn vốn xã hội hóa do bà Võ Ngọc Sương tài trợ. Các hạng mục công trình được thi công xây dựng sau khi hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư được phê duyệt theo quy định.

UBND tỉnh Đồng Tháp giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp khẩn trương thực hiện hoàn thành các hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư, bao gồm hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công phần xây dựng công trình và hồ sơ phê duyệt thiết kế mỹ thuật mẫu tượng Đốc binh Ngyễn Tấn Kiều, để bàn giao cho Nhà tài trợ vốn tổ chức triển khai xây dựng công trình. Phấn đấu công trình được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng trước ngày 30/11/2023. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với nhà tài trợ vốn thực hiện thủ tục hiến tặng và tiếp nhận tài sản (sau khi Công trình hoàn thành), lập thủ tục quản lý công trình theo quy định quản lý tài sản công và tổ chức sử dụng công trình hiệu quả, phục vụ tốt việc phát huy giá trị văn hóa, lịch sử Khu di tích Gò Tháp.

Đồng thời, giao Sở Xây dựng Đồng Tháp chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp họp bàn, tham mưu UBND tỉnh công tác tổ chức theo dõi, hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình thi công, giám sát chất lượng thi công xây dựng công trình, an toàn lao động, vệ sinh môi trường… đảm bảo đáp ứng đầy đủ các hồ sơ, thủ tục về nghiệm thu hoàn thành, đưa công trình vào sử dụng; tham mưu UBND tỉnh trước ngày 27/3/2023.

Di tích lịch sử và khảo cổ Gò Tháp nằm trên địa bàn hai xã Tân Kiều và Mỹ Hòa, thuộc huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, với diện tích được quy hoạch bảo tồn khoảng 290ha, là Di tích quốc gia đặc biệt. Di tích khảo cổ học Gò Tháp được các nhà khảo cổ học người Pháp phát hiện và công bố vào khoảng những năm cuối của thế kỷ XIX, với tên gọi Prasat Pream Loven (chùa Năm Gian). Đây là địa điểm còn lưu giữ được nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học gắn với nền văn hóa Óc Eo. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện tại địa điểm này nhiều loại hình di tích, như di tích cư trú, mộ táng, kiến trúc… phân bổ trên địa bàn rộng, đặc biệt, tại khu vực này đã phát hiện được tượng thần Vishnu, Shiva bằng đá sa thạch, có khắc hoa văn và minh văn…

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi đây là đại bản doanh của nghĩa quân Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều. Mộ Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều được xây dựng sau khi ông mất (1866). Địa điểm này thuộc đại bản doanh Gò Tháp, nơi ông đã từng đóng quân. Tháng 10/1954, Cao Đài Liên minh đã cho xây mộ bằng vật liệu vữa, gạch, xi măng. Hiện nay, mộ nằm phía sau đền thờ chính, xung quanh xây tường rào kiên cố, mái đúc bằng bê tông, cột tròn, thân mộ ốp đá hoa cương, phía trước gắn bia đá…

Đền thờ Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều được xây dựng năm 1958, thờ Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều. Đến năm 1991, đền được sửa chữa và thờ thêm Thiên hộ Võ Duy Dương, vì địa điểm này cũng từng là đại bản doanh mà Thiên hộ Võ Duy Dương đã chiêu mộ nghĩa quân chống lại thực dân Pháp. Các hạng mục chính của đền hiện nay gồm: Nghi môn, tượng đài, chính điện…

Hàng năm, tại Di tích Gò Tháp tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công ơn của bà Chúa Xứ – ngày 15 tháng 3 (Âm lịch) và hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều – ngày 15 tháng 11 (Âm lịch). Trong lễ hội, nhiều hoạt động văn hóa, tâm linh và trình diễn dân gian thu hút được sự quan tâm đặc biệt của nhân dân sở tại và du khách thập phương. Hiện tại, nơi đây là một trong những điểm đến du lịch của tỉnh Đồng Tháp.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích