Đồng Tháp: Phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long

(Xây dựng) – Ngày 11/01/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 39/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp lựa chọn phát triển hài hòa ba trụ cột kinh tế – xã hội – môi trường, đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá, nằm trong nhóm đầu về chuyển đổi số, một trong những trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)…

Đồng Tháp: Phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Một góc thành phố Cao Lãnh.

UBND tỉnh Đồng Tháp thông tin cho biết, kinh tế của tỉnh đã có những bước phát triển khởi sắc; quy mô nền kinh tế (GRDP) tính theo giá hiện hành năm 2023 đạt hơn 109 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng trên 5,6%, đứng thứ 6/13 tỉnh vùng ĐBSCL; tăng trưởng kinh tế vẫn tăng đều theo quý, riêng quý IV/2023 ước tính tăng trưởng 6,69%; Các khu vực nông – lâm – thủy sản, công nghiệp – xây dựng, thương mại – dịch vụ và thuế sản phẩm đều đóng góp chung vào sự tăng trưởng của tổng sản phẩm trên địa bàn của tỉnh.

Mục tiêu phát triển đến năm 2030, Đồng Tháp là tỉnh có trình độ phát triển khá, nằm trong nhóm đầu về chuyển đổi số, một trong những trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản của vùng ĐBSCL; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đô thị hiện đại, nông thôn giàu bản sắc, du lịch thân thiện và hấp dẫn; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, con người; duy trì vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số: Cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hợp tác, hội nhập quốc tế được tăng cường. Người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.

Tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Tháp là tỉnh dẫn đầu cả nước trong một số lĩnh vực nông nghiệp, trung tâm nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL; trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa vùng ĐBSCL với các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Công. Người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.

Theo Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đã định hình không gian phát triển thông qua cấu trúc: 04 vùng kinh tế – xã hội, 03 hành lang kinh tế, 04 đô thị trung tâm, trong đó:

04 vùng kinh tế – xã hội, gồm: Vùng kinh tế – xã hội trung tâm; Vùng kinh tế biên giới (vùng phía Bắc); Vùng kinh tế ven sông Hậu (vùng phía Tây Nam); Vùng phía Đông Bắc.

03 hành lang kinh tế, bao gồm: Hành lang kinh tế Tây Bắc – Đông Nam (bố trí theo tuyến Quốc lộ 30 kết nối Quốc lộ 1, cao tốc Bắc -Nam phía Tây, cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Quốc lộ N1) là hành lang phát triển chủ lực của tỉnh; Hành lang kinh tế Nam Sông Tiền (bố trí theo tuyến Quốc lộ 80, Quốc lộ 80B, đường tỉnh 848 và đường Nam Sông Tiền, kết nối với cao tốc Bắc – Nam phía Tây và Quốc lộ 1); Hành lang kinh tế Đông Bắc – Tây Nam (bố trí theo tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây).

04 đô thị trung tâm, bao gồm: Thành phố Cao Lãnh mở rộng (đô thị loại I); Thành phố thành phố Sa Đéc; Thành phố Hồng Ngự; Huyện Tháp Mười (thị xã – vào năm 2030). Đây được xem là cấu trúc phát triển cân bằng, liên kết và hỗ trợ lẫn nhau giữa khu vực trung tâm và biên giới, giữa đô thị và nông thôn. Bên cạnh đó, sẽ nâng cao được vai trò, tầm quan trọng của sự hiệp đồng, hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau giữa các ngành kinh tế, giữa nông nghiệp, công nghiệp, và dịch vụ trong cơ cấu nền kinh tế; lấy kinh tế nông nghiệp làm động lực để tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ.

Đến năm 2025, toàn tỉnh có 12 đô thị, bao gồm: 02 đô thị loại II (thành phố Cao Lãnh, thành phố Sa Đéc), 01 đô thị loại III (thành phố Hồng Ngự), 03 đô thị loại IV (thị trấn Mỹ An, thị trấn Lấp Vò, thị trấn Mỹ Thọ), 06 đô thị loại V (thị trấn Cái Tàu Hạ – Nha Mân, thị trấn Thanh Bình, thị trấn Thường Thới Tiền, thị trấn Sa Rài, thị trấn Tràm Chim, thị trấn Lai Vung). Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 29%.

Đến năm 2030, quy mô dân số toàn tỉnh ước đạt khoảng 1.700.000 – 1.800.000 người. Dân số đô thị đến năm 2030 đạt khoảng 714.000 – 756.000 người. Tỷ lệ đô thị hoá đến năm 2030 đạt trên 42%. Số lượng đô thị toàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030 đạt khoảng 22 đô thị, bao gồm: 02 đô thị loại I (thành phố Cao Lãnh, thành phố Sa Đéc), 01 đô thị loại II (thành phố Hồng Ngự), 01 đô thị loại III (đô thị Mỹ An – Tháp Mười), 08 đô thị loại IV (thị trấn Lấp Vò, thị trấn Mỹ Thọ, thị trấn Cái Tàu Hạ – Nha Mân, thị trấn Thanh Bình, thị trấn Thường Thới Tiền, thị trấn Sa Rài, thị trấn Tràm Chim, thị trấn Lai Vung), 10 đô thị loại V (đô thị An Long, đô thị Trường Xuân, đô thị Mỹ Hiệp, đô thị Mỹ An Hưng B, đô thị Tân Khánh Trung, đô thị Vĩnh Thạnh, đô thị Định Yên, đô thị Tân Thành, đô thị Thường Phước, đô thị Dinh Bà). Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 42%. Định hướng sau năm 2030: Phấn đấu phát triển hoàn thiện mạng lưới 45 đô thị của tỉnh Đồng Tháp phù hợp với Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc theo Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 24/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Tập trung nguồn lực thành lập thị xã Mỹ An, Lấp Vò trở thành 02 cực động lực phát triển mới của tỉnh.

Tập trung phát triển Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp trở thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, là trung tâm giao lưu phát triển kinh tế với Vương quốc Campuchia và các nước tiểu vùng sông Mê Công. Đến năm 2030, toàn tỉnh có 09 khu công nghiệp (gồm 04 khu công nghiệp hiện hữu, 05 khu công nghiệp thành lập mới). Khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phê duyệt của các cấp thẩm quyền, tiếp tục thành lập 03 khu công nghiệp mới và mở rộng 04 khu công nghiệp, nâng tổng số khu công nghiệp của tỉnh thành 12 khu công nghiệp. Đến năm 2030, thành lập mới 19 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.623 ha, nâng tổng số thành 32 cụm công nghiệp…

Theo kế hoạch ngày 22/2/2024, UBND tỉnh Đồng Tháp sẽ tổ chức Hội nghị “Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích