Đồng Tháp: Nuôi côn trùng để giải quyết khủng hoảng lương thực
Đồng Tháp: Nuôi côn trùng để giải quyết khủng hoảng lương thực
Theo dõi MTĐT trên
Một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Tallinn, Estonia (thuộc Châu Âu) quyết định mở một trang trại quy mô công nghiệp tại Đồng Tháp để nuôi côn trùng sản xuất protein, axit béo và phân bón cung cấp cho thị trường.
Công ty nói trên có tên là FlyFeed được thành lập vào tháng 11/2021. Ban đầu, họ sẽ nuôi ruồi lính đen, một loài côn trùng vô hại để sản xuất protein, axit béo làm thức ăn cho vật nuôi và sản xuất phân bón cho cây trồng; và trong tương lai, họ sẽ chế biến các loại côn trùng làm thực phẩm cho con người.
Đồng Tháp chính là nơi đầu tiên FlyFeed đặt trang trại nuôi côn trùng. Theo đại diện công ty, Đồng Tháp có khí hậu ấm áp, nhiệt độ ngoài môi trường không dao động quá nhiều, nguồn giống ruồi lính đen cũng vô cùng phong phú. Nơi đây gần cảng Sài Gòn, giúp quá trình vận chuyển ra nước ngoài dễ dàng hơn. Đáng chú ý, Đồng Tháp là nơi hoạt động trồng trọt diễn ra quanh năm giúp công ty đảm bảo được nguồn phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho ruồi. Hiện tại, công ty đã phát triển một quy trình sản xuất sử dụng phụ phẩm hữu cơ làm thức ăn cho côn trùng, giảm giá thành cuối cùng của protein sản xuất và giúp chính quyền địa phương giải quyết vấn đề rác thải thực phẩm.
Dự kiến, trang trại tại Đồng Tháp sẽ có tổng diện tích khoảng 20.000m2, sản xuất hơn 17,5 nghìn tấn sản phẩm côn trùng mỗi năm, gồm mỡ côn trùng, bột đạm và phân bón. Tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ FlyFeed đất để xây dựng trang trại; đổi lại, công ty cam kết xử lý tới 40 nghìn tấn phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp mỗi năm (chẳng hạn như trái cây, rau, cà phê và ngũ cốc), đồng thời mang lại cơ hội việc làm cho 200 nhân công trong khu vực.
Trang trại hoạt động theo quy trình khép kín từ khâu nhập nguyên liệu, nuôi ruồi lính đen đến tạo ra sản phẩm protein, chitine, axit béo và các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, phân bón. Thiết bị sử dụng nhập từ châu Âu. Đặc biệt, hệ thống xử lý nước thải bằng công nghệ sinh học, đảm bảo nước thải ra môi trường là nước sạch có thể tái sử dụng. Trong quá trình xây dựng trang trại tại Đồng Tháp cho đến khi đi vào hoạt động, FlyFeed cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của EU và các biện pháp an toàn trong từng giai đoạn sản xuất, bảo đảm để sản phẩm sẵn sàng xuất khẩu qua thị trường châu Âu.
Việc biến một số loại côn trùng thành thức ăn tuy “kỳ lạ” với nhiều người ngoại quốc xong không xa lạ gì với người Việt Nam. Từ lâu, người Việt Nam đã chế biến các loại côn trùng như cào cào, bọ cạp, tằm, nhộng ong, dế… thành thức ăn. Ngày nay, một số nơi còn biến các loại côn trùng này thành các món đặc sản.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, côn trùng là thực phẩm giàu chất xơ và protein. So với các vật nuôi thông thường, côn trùng ăn ít thức ăn hơn, phát triển và sinh sản nhanh. Quá trình nuôi côn trùng cũng tạo ra ít chất thải hơn và thải ra lượng khí nhà kính nhỏ hơn, dẫn đến lượng khí carbon phát thải ít hơn nhiều so với chăn nuôi gia súc.
Chính Arseniy Olkhovskiy – CEO của FlyFeed cho biết: Protein từ côn trùng là một giải pháp hiệu quả có thể biến đổi nguồn tài nguyên không ăn được thành protein bổ dưỡng. FlyFeed đã tiến hành các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và được chính quyền địa phương tại Việt Nam phê duyệt. Nếu trang trại đầu tiên thành công, chúng tôi sẽ mở thêm 10 trang trại ở châu Á và châu Phi vào năm 2026, hướng đến mục tiêu giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị